A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chè Mét: Đượm hồn quê

Gắn bó với người dân xã Việt Thuận (huyện Vũ Thư) hàng trăm năm nay, chè Mét với hương vị đặc biệt không chỉ giúp người dân nơi đây có thêm nguồn thu nhập mà còn lưu giữ hồn quê, thể hiện rõ tinh túy riêng có của vùng đất ven sông Hồng.

 Trồng chè đã trở thành nghề truyền thống và được người dân xã Việt Thuận duy trì cho đến tận ngày nay. 

Chè Mét ai đã một lần được thưởng thức chắc hẳn đều ấn tượng với hương vị đậm đà khác hẳn những loại chè trồng ở nơi khác. Chén nước chè Mét vàng óng, hương thơm quyện trong làn hơi nóng bốc lên, uống vào đượm ngọt, không chát như chè trồng ở trên đồi. Chính hương vị đặc biệt ấy đã đưa tôi tìm về xã Việt Thuận, nơi cây chè Mét được trồng hàng trăm năm nay.

Ở Việt Thuận, nhà nào cũng trồng chè, nhà ít thì 1 - 2 sào, nhà nhiều trồng cả mẫu. Cả một dải đất dài ven sông Hồng gần như đều được phủ xanh bởi màu xanh của cây chè. Không ai biết cây chè trên đất Việt Thuận có từ bao giờ. Chỉ biết rằng có những cây chè đã hơn 100 năm tuổi, cây ít cũng đã dăm bảy chục năm, cứ hái hết đợt này cây lại cho lá đợt sau. Trồng chè đã trở thành nghề truyền thống và được người dân duy trì cho đến tận ngày nay. 

Bà Vũ Thị Đường, thôn Việt Tiến cho biết: Gia đình tôi trồng chè đến nay đã được gần 80 năm từ thời ông cha. Cây chè rất dễ trồng, không cần phải chăm sóc tỉ mỉ và đầu tư tốn kém như cây lúa. Khi trồng chè chỉ cần chú ý diệt sâu đục thân, làm cỏ vườn, sau mỗi đợt thu hoạch (khoảng 4 tháng) bón phân cho cây một lần. Cây chè rất hợp với bùn ao, trước đây người dân thường lấy bùn ao đổ lên vườn, tuy nhiên chi phí lấy bùn hiện nay rất cao nên chúng tôi thường dùng phân lân tổng hợp để bón cho cây. 

Cũng theo bà Đường: Cây chè cho thu hoạch quanh năm, tháng 6 là thời điểm chè tốt nhất cho nhiều lá. Thời điểm cuối năm, cây chè ít lá song lá dày, giòn lá, hãm nước ngon và được giá hơn khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg. Sau mỗi đợt thu hoạch thì người trồng hái hết một lượt để cây chè lên lượt lá mới. Khoảng 4 năm thì đốn cây một lần để cây ra cành mới. Trung bình mỗi đợt thu được 1,2 tạ chè/sào với giá bán từ 25.000 - 45.000 đồng/kg, mỗi sào chè cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/năm. Đối với người dân nơi đây, thu nhập từ chè tuy không quá cao nhưng ổn định, không phải đầu tư giống, không tốn nhiều công chăm sóc, giải quyết việc làm cho nhiều lao động lớn tuổi.

Hiện nay, toàn xã Việt Thuận có khoảng 1.200 hộ trồng chè với tổng diện tích 70ha, tập trung ở các thôn: Việt Tiến, Việt Hùng, Trung Hòa, Bình Chính... Đất ở Việt Thuận là đất thịt pha chua rất phù hợp với cây chè. Cũng chính chất đất này đã tạo nên hương vị đặc trưng của chè Mét Việt Thuận. 

Ông Vũ Trọng Đạt, thôn Việt Tiến cho biết: Cùng là cây chè Mét, song nếu đem trồng ở vùng đất khác sẽ cho hương vị không giống như trồng ở đất Việt Thuận. Chè không thơm, đượm vị như trồng ở đây. Chè Mét hợp với chân đất chua, vườn trồng chè phải cao, thoát nước nhanh. Thời điểm tốt nhất để hái chè là buổi sáng, khi đó cuống lá chè giòn, dễ hái. Lá chè được hái chỉ ở độ bánh tẻ, phần lá giữa cành có màu xanh mướt, không dập nát, không bị sâu bệnh là lá chè ngon. Nếu chọn lá già, uống nước sẽ đắng, lá non nước đỏ và chát. Mỗi ngày một người có thể hái được 7 - 9kg chè. Chè sau khi hái xong thường có thương lái đến tận nhà thu mua.

Cùng với trồng và thu hoạch chè, việc thưởng thức chè xanh đã trở thành nếp sinh hoạt tự nhiên đi sâu vào đời sống của người dân Việt Thuận. Theo người dân nơi đây, để có ấm chè ngon, trước khi nấu chè phải rửa sạch lá chè qua 2 - 3 lần nước, sau đó vẩy ráo nước rồi lấy tay vặn lá chè thành 2 phần trước khi cho vào ấm. Chè được tráng qua một lượt nước sôi, sau đó mới đổ nước sôi ngập chè để hãm. Sau 30 phút đến 1 tiếng chè ngấm, lúc đó là thời điểm thưởng thức chè ngon nhất. Chén chè đượm màu, đượm vị đã trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình người dân xã Việt Thuận, để mỗi khi đi xa ai cũng lưu luyến hương vị đặc trưng của quê nhà.

Hiện nay, chè Mét Việt Thuận có mặt ở khắp nơi trong tỉnh, từ nông thôn tới thành thị với chất lượng ngon, lá chè sạch, trở thành đặc sản được nhà nhà mua về thưởng thức và trong mỗi câu chuyện khi nhắc tới chè Mét, người ta vẫn ngân mãi câu ca: “Muốn ăn cơm tám cá mè/Thì về Cổ Việt hái chè cùng anh”./.


Tác giả: Đào Quyên - Tiến Đạt (Báo Thái Bình)
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 705
Hôm qua : 4.833
Tháng 10 : 28.653
Năm 2024 : 4.035.439