Huyện Thái Thụy khai thác tiềm năng phát triển du lịch
Thái Thụy là huyện đồng bằng ven biển, nằm trong vùng kinh tế động lực phía Đông Bắc của tỉnh Thái Bình, có vị trí địa lý: phía Bắc giáp thành phố Hải Phòng qua dòng sông Hóa, phía Nam giáp huyện Tiền Hải qua sông Trà Lý, phía Tây và Tây Bắc lần lượt tiếp giáp các huyện Đông Hưng và Quỳnh Phụ, phía Đông tiếp giáp với Biển Đông.
Rừng ngập mặn xã Thụy Trường
Nhận thức rõ những lợi thế về vị trí địa lý, giao thông cũng như những điều kiện thiên nhiên ưu đãi, Thái Thụy đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước tăng tỷ trọng ngành du lịch - dịch vụ, phát triển các sản phẩm du lịch tiêu biểu. Mong muốn của địa phương là thu hút nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm để khai phá, phát huy tốt nhất thế mạnh, tiềm năng về du lịch của huyện.
Một trong những lợi thế nổi trội của Thái Thụy là du lịch biển với 27 km đường bờ biển, có tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng; thiên nhiên ban tặng huyện Thái Thụy có 02 điểm tài nguyên du lịch tự nhiên được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đó là Khu du lịch sinh thái Cồn Đen xã Thái Đô và rừng ngập mặn xã Thụy Trường, trong đó Khu du lịch sinh thái Cồn Đen đã được UBND tỉnh công nhận là khu du lịch sinh thái tại Quyết định số 896/QĐ-UBND ngày 04/4/2019, cách thị trấn Diêm Điền 15km về phía Nam và cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 35km về phía Tây. Sở hữu bãi biển trải dài, thảm rừng ngập mặn, thảm thực vật tự nhiên đa dạng, phong phú với nhiều sinh vật quý hiếm và nguồn hải sản dồi dào. Rừng ngập mặn Thụy Trường có diện tích trên 1.400 ha với hệ sinh thái động thực vật đa dạng. Đây là nơi trú ngụ của 500 loài động vật thủy sinh, và 200 loài chim các loại trong đó có nhiều loài chim quý hiếm được ghi trong sách Đỏ thế giới tạo nên một vùng sinh thái hấp dẫn thích hợp phát triển du lịch sinh thái với các hoạt động tham quan, nghiên cứu, khám phá, trải nghiệm.
Các hoạt động trải nghiệm khi du khách đến tham quan tại khu du lịch sinh thái Cồn Đen
Bên cạnh những tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn vốn có của địa phương, Thái Thụy còn nổi tiếng với nhiều món ăn ngon, độc đáo như: gỏi nhệch (Diêm Điền, Thụy Xuân), nộm sứa (Diêm Điền), bánh cuốn tôm (Diêm Điền), cá nướng (Thái Xuyên), nem chạo Vị Thủy (Dương Hồng Thủy),…
Ngoài ra, Huyện Thái Thụy là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; toàn huyện có 477 di tích lịch sử văn hóa trong đó có 28 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 92 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Đến nay huyện Thái Thụy đang bảo tồn và duy trì hoạt động 96 lễ hội dân gian, truyền thống; các lễ hội dân gian đã được tổ chức định kỳ với nhiều loại hình đa dạng và phong phú, phản ánh tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước trong lịch sử dựng nước và giữ nước của các thế hệ cư dân trên vùng quê lúa. Một số lễ hội đã ăn sâu vào tâm thức của quần chúng nhân dân và mang tính chất lễ hội vùng như: lễ hội Đền Hệ xã Thuỵ Ninh, lễ hội Đền Chòi xã Thuỵ Trường, Hội Đền Hét xã Thái Thượng, lễ hội bơi trải thị trấn Diêm Điền, đặc biệt lễ hội múa ông Đùng bà Đà (được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2016) là sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có của huyện Thái Thụy.
Trong thời gian tới xác định: “Tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch”, huyện Thái Thụy phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Khu du lịch sinh thái Cồn Đen là Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện; phấn đấu đón trên 5 triệu lượt khách du lịch với tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 10 tỷ đồng/năm; đóng góp cho GRDP từ 6% trở lên; tạo việc làm trực tiếp trong lĩnh vực du lịch cho trên 10.000 lao động. Đến năm 2030, hoàn thiện các tiêu chí Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Thụy Trường là khu du lịch sinh thái của tỉnh.
Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Chòi xã Thụy Trường.
Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, huyện Thái Thụy xác định một số giải pháp cụ thể như: mở rộng liên kết vùng để hình thành các tour, tuyến du lịch kết hợp lịch sử với văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng và nằm trong hành lang các tour, tuyến du lịch quan trọng của tỉnh; Đẩy mạnh công tác xúc tiến và chuyển đổi số trong hoạt động du lịch tạo động lực, nguồn lực thúc đẩy phát triển ngành du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là phát triển du lịch. Đây sẽ là đòn bẩy quan trọng để huyện tiếp tục đưa ra các định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới./.