Nghề làm hương xã Duyên Hải (huyện Hưng Hà)
Duyên Hải xưa có nghề làm hương truyền thống. Theo các cụ cao tuổi trong làng cũng không ai biết rõ là nghề truyền thống này có từ bao giờ. Trải qua bao thăng trầm, hương Duyên Hải vẫn giữ được đặc tính mà ít loại hương nào sánh được. Hương Duyên Hải có mùi thơm đặc trưng, thoang thoảng mà nồng nàn, mang đậm nét văn hóa tâm linh của dân tộc.
Nghề làm hương xã Duyên Hải (huyện Hưng Hà)
Hương Duyên Hải vốn là sản phẩm truyền thống đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Thái Bình và một số địa phương trong nước. Người dân xã Duyên Hải, đặc biệt là làng Văn Quan, Khả La đã trải qua hàng trăm năm sống và gắn bó với nghề làm hương. Trải qua bao thăng trầm, sản phẩm hương Duyên Hải đã có được những phẩm chất mà ít địa phương nào sánh được, từ mùi thơm, độ bắt lửa đến hình thức. Hương Duyên Hải có mùi thơm đặc trưng, nhẹ mà thanh, nhưng lại phảng phất rất lâu.
Nguyên liệu chủ yếu để làm hương là thân cây đỗ tương, cây hương bài đốt lấy tro. Dây keo được nghiền thành bột, sau đó trộn lẫn với các loại thảo mộc như: Xuyên quy, xuyên đại hoàng, trắc bách diệp, hoàng đàn, tùng bạch chỉ, đinh hương... Tùy từng thợ mà cho ra các loại hương với mùi thơm khác nhau do cách pha chế của mỗi người mỗi khác.
Các công đoạn từ pha chế thuốc, se, nén đều phải tiến hành bằng phương pháp thủ công, có gia đình thì dùng bằng máy để giảm thời gian lao động. Kỹ thuật pha chế nguyên liệu đòi hỏi sự chú tâm của người thợ, phải thật đều, thật chuẩn xác thì sản phẩm mới như ý. Nén hương làm xong được đem phơi trên những chiếc phên, nắng gió sẽ làm hương khô, màu sắc đẹp mà giữ nguyên mùi thơm. Trời nắng thì phơi một ngày, trời râm thì phải phơi từ hai đến ba ngày. Người dân tránh đưa hương qua lửa vì như thế hương sẽ bị mất mùi thơm tự nhiên. Sự chu đáo, nghiêm khắc của người thợ trong từng công đoạn chính là bí quyết làm nên thương hiệu của hương Duyên Hải.
Người Duyên Hải cho rằng nghề làm hương liên quan đến tâm linh, lương tâm làm nghề không cho phép cẩu thả. Trước mỗi mẻ hương, người thợ đều cẩn thận làm và đốt thử để kiểm tra chất lượng xem có cháy đều, cháy hết không, hương thơm ra sao mới được làm đồng loạt và xuất ra thị trường... Và để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, hương cũng không ngừng được cải tiến về mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nghề làm hương ở Duyên Hải không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn thân thiện với môi trường. Nhiều năm nay, người thợ vẫn lưu giữ được những bí quyết truyền thống để bảo đảm chất lượng hương ngày càng tốt mà không phải sử dụng bất cứ hóa chất nào. Một số loại hương chủ yếu có kích thước nhỏ gọn bằng 1/2 cây hương thường giúp giảm tối thiểu nguyên liệu trong quá trình sản xuất cũng như lượng tro tàn sau khi đốt.
Ngoài ra, nguồn nguyên liệu đều là từ thiên nhiên và được tận dụng hoàn toàn nên hạn chế chất thải rắn. Việc sản xuất vì vậy ít làm suy giảm môi trường sống của người dân. Những hộ sản xuất hương theo quy mô lớn hiện nay cũng luôn ký cam kết bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ nhằm phát triển theo hướng bền vững./.