Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể
Với niềm tự hào về nghệ thuật truyền thống, các địa phương đang nỗ lực bảo lưu vốn cổ của di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp nâng cao ý thức của nhân dân trong phát triển du lịch cộng đồng, tạo hiệu ứng lan tỏa đưa các di sản văn hóa trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ trên quê hương Thái Bình.
Nghệ nhân nhân dân Bùi Văn Ro biểu diễn cùng các thành viên câu lạc bộ chèo làng Khuốc.
Du lịch cộng đồng tại làng chèo cổ
Về thăm làng chèo Khuốc, không khó để được nghe tiếng hát chèo mượt mà, đằm thắm, xem biểu diễn trích đoạn chèo cổ ngay tại nhà thờ tổ chèo. Nghệ nhân nhân dân (NNND) Bùi Văn Ro là một trong những nghệ nhân cao tuổi nhất làng chèo Khuốc. Cả cuộc đời ông gắn bó với nghệ thuật chèo, trực tiếp truyền dạy hát múa chèo, diễn chèo, giờ đây ông lại tích cực lan tỏa nghệ thuật chèo đến với mọi người. Không kể thời gian, ông luôn sẵn sàng đón tiếp và biểu diễn chèo, giới thiệu chèo tới người quan tâm. Thân hình gầy gò, gương mặt có phần khắc khổ nhưng cứ nói đến chèo là ánh mắt ông lại lấp lánh niềm vui. NNND Bùi Văn Ro hào hứng cho biết, thời gian gần đây ông và các thành viên CLB chèo của làng có cơ hội được đón tiếp đông đảo khách du lịch, trong đó có cả các nghệ sĩ nhiếp ảnh, phóng viên các cơ quan báo chí trung ương và địa phương mong muốn ghi lại hình ảnh đẹp về làng chèo. Ấn tượng nhất đối với NNND Bùi Văn Ro là một bộ ảnh về ông do nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Bình chụp tại làng chèo vừa đạt giải liên hoan ảnh nghệ thuật đồng bằng sông Hồng. Đó là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn đối với các nghệ nhân bởi qua nhiều kênh thông tin chèo Khuốc ngày càng đến gần hơn với công chúng cả nước.
Nhà thờ tổ chèo làng Khuốc là nơi nghệ nhân của làng truyền dạy nghệ thuật cho thế hệ trẻ.
Cùng chung niềm tự hào với NNND Bùi Văn Ro, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Phạm Thị Cậy, làng chèo Khuốc hy vọng việc CLB chèo của làng thường xuyên được biểu diễn, phục vụ nhu cầu của các đoàn khách du lịch khi đến trải nghiệm tại địa phương sẽ góp phần thôi thúc thế hệ trẻ làng chèo nói riêng, xã Phong Châu nói chung nỗ lực bảo tồn nghệ thuật cổ truyền. NNƯT Phạm Thị Cậy trải lòng: “Đón khách như đón mùa xuân, tiếp khách như tiếp người thân trong nhà”, vậy nên nôi chèo làng Khuốc rất vinh dự được đón tiếp nhiều đoàn khách về tham quan. CLB chèo của làng hiện có 35 thành viên, trong đó có 1 NNND, 3 NNƯT. Khi có các đoàn về tham quan, muốn nghe hát chèo, xem một số trích đoạn đặc sắc như “Vợ chồng thuyền chài”, “Lão say”... thì không chỉ nghệ nhân mà mọi thành viên của CLB, kể cả các cháu nhỏ đều sẵn sàng tham gia biểu diễn. Ngoài ra, các nghệ nhân cũng là những người trực tiếp trò chuyện, chia sẻ với du khách về cái hay, cái đẹp trong từng lời ca, lời thoại, từ đó du khách có thể hiểu hơn về nghệ thuật chèo.
Người trẻ với “việc làng”
Là một trong hai phường rối đang tích cực hoạt động trên địa bàn huyện Đông Hưng hiện nay, phường rối nước Đông Các có 22 nghệ nhân, trong đó có 2 NNND, 2 NNƯT. Độ tuổi của các nghệ nhân từ 35 đến trên 80 tuổi là lợi thế không nhỏ trong việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống cũng như phát triển du lịch cộng đồng. Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành, trưởng phường rối nước Đông Các chia sẻ: Từ khi nghệ thuật múa rối nước ở Nguyên Xá và Đông Các được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018, đã có thêm nghệ nhân trẻ tích cực tham gia hoạt động của phường thông qua việc học hỏi nghệ nhân cao tuổi chế tác quân rối, biểu diễn, lưu diễn và giới thiệu về nghệ thuật múa rối nước. Các nghệ nhân của phường hiện nay đều nỗ lực trong từng chương trình biểu diễn cũng như lan tỏa nghệ thuật cổ truyền để múa rối nước làng Đống, xã Đông Các đến được với ngày càng nhiều du khách trong nước, quốc tế. Tuy nhiên, đặc thù các quân rối đều được làm từ gỗ, lại biểu diễn dưới nước nên hiện nay không ít quân rối đã hỏng, cần được thay mới. Nghệ nhân phường rối mong mỏi trong quá trình bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống có thể huy động nguồn kinh phí làm mới bộ quân rối cho các tích trò, từ đó việc biểu diễn phục vụ khán giả được hoàn thiện hơn.
Góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống của quê hương, nghệ nhân Nguyễn Đình Hiệp, phó trưởng phường rối nước Nguyên Xá (Đông Hưng) chia sẻ: Tuy nghề rối nước rất vất vả nhưng đã theo phường rối được hơn 15 năm, tôi luôn mong muốn được cùng các nghệ nhân giữ lại nghề truyền thống của làng xã, của quê hương. Trong phường hiện nay nhiều nghệ nhân đã cao tuổi vẫn luôn tâm huyết với nghề, hăng say trong từng chương trình biểu diễn. Đó là động lực to lớn để lớp nghệ nhân trẻ chúng tôi phấn đấu noi theo, tích cực học hỏi để giữ nguyên bản sắc những tích trò nổi tiếng của phường và phát triển nghệ thuật truyền thống. Ngoài các đoàn khách tham quan, hiện nay, nhiều trường học cũng đã phối hợp đưa học sinh đến trải nghiệm, tìm hiểu về nghệ thuật múa rối nước. Mong rằng, từ niềm tự hào về nghệ thuật truyền thống sẽ có thêm những nghệ nhân kế cận của phường.
Góp phần phát triển du lịch cộng đồng tại một số địa phương có di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận, vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Đông Hưng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho 200 đại biểu là người dân các xã Phong Châu, Đông Các, Nguyên Xá. Mong rằng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền cũng như ngành chức năng, lớp lớp thế hệ nghệ nhân sẽ phát huy giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể, tạo nên hình ảnh đẹp, góp phần để du khách có mong muốn trở lại tham quan, trải nghiệm trên mảnh đất Thái Bình.
NNƯT Phạm Thị Cậy (áo xanh) thể hiện những làn điệu chèo mượt mà mang niềm tự hào về quê hương.