A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ gìn và tỏa sáng mãi ngọn lửa chèo ở đất chèo

Xưa và nay, nghệ thuật chèo đã gắn bó tha thiết với đời sống văn hóa của cư dân Thái Bình. Khi nhắc tới nghệ thuật chèo thì dường như giới sân khấu trong và ngoài nước thường vẫn thống nhất với nhận định Thái Bình là một trong những nôi chèo của Việt Nam.

Vở Lưu Bình - Dương Lễ do Nhà hát Chèo Thái Bình dàn dựng và biểu diễn

Thái Bình là địa phương có bề dày truyền thống văn hóa văn hiến, đã và đang  lưu giữ được khá nhiều hình thức diễn xướng văn nghệ dân gian, trong đó chèo và múa rối nước là hai loại hình tiêu biểu.

Xưa và nay, nghệ thuật chèo đã gắn bó tha thiết với đời sống văn hóa của cư dân Thái Bình. Khi nhắc tới nghệ thuật chèo thì dường như giới sân khấu trong và ngoài nước thường vẫn thống nhất với nhận định Thái Bình là một trong những nôi chèo của Việt Nam. Nhận định này là có cơ sở bởi vì giới sân khấu Việt Nam thờ 7 vị tổ nghề thì trong đó có tới 3 vị quê ở vùng quê Thái Bình. Đó là: Đào Văn Só, Đặng Hồng Lân và Đào Nương. Vào trước Cách mạng Tháng Tám - 1945, ở Thái Bình có khá nhiều phường chèo, hội chèo, gánh chèo do các ông trùm chèo đứng ra thành lập, duy trì hoạt động trong và ngoài tỉnh để sinh sống bằng nghề chèo.

Trong tiến trình xây dựng nền hóa mới, Đảng ta luôn chủ trương khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đến năm 1959, nhiều tỉnh trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ đồng loạt thành lập đội văn công chuyên nghiệp của tỉnh mình mà hoạt động chèo trong các đội văn công này thường là chủ đạo.

Nghệ thuật chèo chuyên nghiệp Thái Bình hình thành từ cái nôi là Đội Văn công Nhân dân Thái Bình được thành lập ngày 01 tháng 8 năm 1959 theo quyết định của Ủy ban hành chính tỉnh Thái Bình. Các thành viên có mặt vào thuở ấy đều là những hạt nhân văn nghệ được huy động từ các vùng quê các khác nhau của Thái Bình để phục vụ việc tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các địa phương trong tỉnh vào những năm đầu triển khai phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và chống chiến tranh leo thang đánh phá ra miền Bắc của giặc Mỹ.

Do nhu cầu đòi hỏi của cách mạng, Ủy ban hành chính tỉnh Thái Bình quyết định nâng cấp Đội Văn công Nhân dân Thái Bình thành Đoàn Chèo Thái Bình vào năm 1967. Trong phong trào tiếng hát át tiếng bom của những ngày bừng bừng khí thế vừa sản xuất vừa chiến đấu thuở ấy có những giọng hát chèo của Đoàn Chèo Thái Bình. Khi tỉnh nhà thành lập đội văn công xung kích vào phục vụ tiền tuyến thì nhiều anh chị em nghệ sỹ của Đoàn Chèo đã hăng hái tình nguyện tham gia.

Từ sau năm 1975, được sự quan tâm đầu tư về mọi mặt của tỉnh và sự nỗ lực vươn lên của các nghệ sỹ, Đoàn Chèo Thái Bình đã từng bước khẳng định được vị thế là một trong những đơn vị nghệ thuật hàng đầu trong nước và đó cũng chính là một trong những cơ sở để thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định: “Từng bước phấn đấu đưa Đoàn Chèo Thái Bình thành đoàn nghệ thuật có tầm cỡ quốc gia” (ban hành ngày 08 tháng 3 năm 1997).

Qua thành công của việc khôi phục và nâng cao những vở diễn mang tính kinh điển của nghệ thuật chèo như: Trương Viên, Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Tấm Cám, Tống Trân Cúc Hoa…và hàng loạt vở chèo được dàn dựng công phu nghiêm túc theo những chủ đề khác nhau, Đoàn Chèo Thái Bình đã được bạn bè nhiều nước biết đến. Năm 1986, một số nước châu Âu mời sang biểu diễn nhân ngày văn hóa Việt Nam và năm 1994, Nhật Bản mời sang diễn biểu diễn dài ngày ở các thành phố của đất nước mặt trời mọc.  

Ngày 26 tháng 12 năm 2003 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 396/2003/QĐ-UBND về việc nâng cấp Đoàn Chèo Thái Bình thành Nhà hát Chèo Thái Bình. Trên chặng đường gần 20 năm vừa qua, bằng những chương trình kịch mục được nối dài thêm, Nhà hát Chèo Thái Bình đã đưa nghệ thuật chèo Thái Bình vươn tới những tầm cao mới với nhiều chương trình, nhiều cá nhân được tặng huy chương vàng, bạc, nhiều nghệ sỹ được phong NSND, NSƯT, đồng thời việc phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh ngày càng đạt hiệu quả thiết thực hơn.

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, ngày 09/5/2019 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1240/QĐ-UBND về sáp nhập Đoàn Cải lương, Đoàn Ca múa kịch vào Nhà hát Chèo tỉnh Thái Bình. Từ khi triển khai quyết định này đến nay Nhà hát đã nhanh chóng ổn định tổ chức và bước đầu hoạt động có hiệu quả.

Những thập niên gần đây, nghệ thuật sân khấu cả nước nói chung, nghệ thuật Chèo Thái Bình nói riêng đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trước sự phát triển như vũ bão của khoa học, kỹ thuật, nhất là của công nghệ thông tin. Nhu cầu được tiếp cận thông tin, được tương tác và được tham gia vào quá trình tạo lập thông tin của người dân, của các nhóm xã hội ngày càng đa dạng, phong phú và dần trở thành tự nhiên, mặc định; từ việc thu âm được chuyển sang bằng số hóa các phương tiện biểu diễn, kỹ thuật hình ảnh, âm thanh; sự cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân với cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật hiện đại. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của Nhà hát mặc dù đã được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trước những khó khăn thách thức đó, Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo, định hướng Nhà hát Chèo thường xuyên cập nhật thông tin, nắm bắt kịp thời xu thế phát triển công nghệ thông tin, kỹ thuật số, chủ động sáng tạo, mạnh dạn đề xuất thực hiện nhiều giải pháp đổi mới về cơ chế quản lý, kỹ thuật, nhân lực, thị trường; tăng cường huy động các nguồn lực của tỉnh và nguồn xã hội hóa cho hoạt động nghệ thuật chèo thông qua những hội thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu văn hóa.

Ngoài việc phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh, Chèo Thái Bình còn làm ấm lòng đối với các chiến sỹ và đồng bảo ở nơi đảo xa đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tổ quốc. Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động đề xuất với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép Nhà hát Chèo phối hợp với Cục Chính trị Hải quân, Bộ Tư lệnh Hải quân thành lập Đội văn nghệ xung kích của Nhà hát đi thăm và biểu diễn động viên bộ đội và đồng bào ở Trường Sa và liên hệ với Lãnh sự quán Việt Nam tại Liên bang Nga tổ chức cho đoàn nghệ sỹ, diễn viên của Nhà hát Chèo Thái Bình sang biểu diễn trong những dịp đón Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc để bà con kiều bào thêm thỏa nỗi nhớ về cội nguồn văn hóa dân tộc.  

Kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được, trước những thời cơ và thách thức trên chặng đường đi tới chắc chắn là Nhà hát Chèo Thái Bình sẽ tiếp tục năng động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn thử thách để góp phần gìn giữ thắp sáng thêm ngọn lửa trên đất chèo Thái Bình./.


Tác giả: Trương Thị Hồng Hạnh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 361
Hôm qua : 3.719
Tháng 10 : 56.673
Năm 2024 : 4.063.459