A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những nét đẹp văn hóa ở mảnh đất Nam Cường, Tiền Hải

Chúng tôi, những người làm công tác nghiên cứu văn hóa đã đi rất nhiều nơi và trên mảnh đất Thái Bình cũng đã ít nhiều được tiếp xúc với các không gian văn hóa làng xã khác nhau. Nhưng,  ít có nơi nào lắng đọng trong chúng tôi nhiều tình cảm đặc biệt như mảnh đất Nam Cường, bởi những con người một nắng hai sương luôn nhọc nhằn mưu sinh mà vẫn luôn mang trong mình nhiệt huyết với quê hương, chân thành, yêu con người sâu sắc. Không chỉ vậy, nơi đây còn có nhiều sinh hoạt văn hóa vừa mang đậm chất dân gian nhưng lại cũng thể hiện những nét đặc sắc riêng của một vùng đất mới nơi cửa biển Tiền Hải.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho các chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, ngày 26/3/1962. Ảnh tư liệu.

Nam Cường mới chỉ được khai sinh năm 1961 nhưng lại hội tụ đầy đủ những nét văn hóa truyền thống của cư dân ven biển vùng châu thổ sông Hồng với những đặc điểm cần cù chịu khó, dám nghĩ, dám làm, năng động dịch chuyển, luôn tìm tòi đổi mới để “Đẩy con sóng ra xa, kéo chân trời gần lại”. Là mảnh đất mới được khai sinh nên hầu hết những người đến sinh cơ lập nghiệp ở Nam Cường khoảng từ năm 1961 trở đi đều không phải cư dân hay dòng tộc bản địa mà chỉ là tập hợp những người cùng mang tên họ từ khắp các làng quê hội về lập lên làng xã. Chính vì vậy, các họ ở Nam Cường hầu như đều là họ ghép - là tập hợp những người không cùng chi tộc hay thủy tổ mà chỉ là cùng mang tên họ, chẳng hạn như họ Phạm hay họ Nguyễn, họ Bùi,... Các thành viên của các họ ghép hội tụ với nhau trên mảnh đất “ven bờ, cuối bãi” nơi đây lại có một tình đoàn kết, sâu sắc đến lạ kỳ bởi đều cùng chung một hoàn cảnh sống, một ước vọng về tương lai tươi sáng hơn. Chẳng thế mà, tuy tuổi đời các họ tộc ở đây còn rất trẻ nhưng họ đã có những ngày hội đoàn kết cùng nhau chẳng khác gì những ngày giỗ thủy tổ như những dòng tộc có nguồn gốc xuất xứ lâu đời ở các làng cổ. Họ tập hợp nhau vào các ngày như ngày 26/3; ngày giỗ tổ Hùng Vương; hay ngày giỗ Bác Hồ... Trong ngày hội đoàn kết của các gia đình chung tên họ thì các thành viên không phân biệt trai gái, già trẻ sẽ tập hợp nhau lại chung một gia đình rồi cùng làm những mâm cơm dâng lên cúng tế một vị thủy tổ (được thờ vọng) và trong không khí đầm ấm, uống nước nhớ nguồn họ cùng nhau thụ lộc, chia sẻ cho nhau những khó khăn trong cuộc sống, hỗ trợ cho nhau cả về vật chất và tinh thần.

Các họ thì có chung những ngày hội đoàn kết như vậy, còn ở làng xã thì các cư dân nơi đây cũng tập hợp nhau lại trong một ngày Hội làng chung là ngày Hội mừng Bác về thăm Nam Cường. Nhìn lại lịch sử, lớp cư dân đầu tiên ra khai hoang ở Nam Cường mới từ năm 1961, nhưng đến năm 1962 Nam Cường đã được đón Bác Hồ về thăm. Và, ngày 26/3 – ngày Bác Hồ về thăm đã trở thành ngày Hội văn hóa chung hàng năm của cả xã mà chỉ Nam Cường mới có. Đó cũng chính là nét văn hóa rất riêng, rất đặc biệt mà ai là người Nam Cường cũng đều cảm thấy rất tự hào, hân hoan khi nhắc tới. Ngày ấy, người dân Nam Cường cho dù bận mải đến đâu, đi xa nơi nào cũng gác lại công việc, trở về để đoàn tụ bên gia đình, để cùng nhau dâng nén hương lên đền thờ Bác, báo công với Bác và thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với Người.

Thường thì Lễ kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm Nam Cường được tổ chức trong khoảng 2 – 3 ngày và cũng mang màu sắc, qui mô như các Hội làng trong vùng, trong tỉnh. Chiều 25/6 bà con dân làng cùng toàn thể lãnh đạo các ban ngành trong xã thực hiện lễ mở cửa đền. Ngày 26/3, 27 cụm dân cư trong xã dâng hương lên Bác với các vật phẩm truyền thống của địa phương như xôi, gà, lợn, hương, hoa trái...; sau khi làm các nghi thức cúng tế và báo công với Bác thì các hoạt động hội được diễn ra với nhiều trò chơi trò diễn dân gian đặc sắc như thi bắt vịt, thi bơi ở hồ bán nguyệt trước cửa đền và thi hát chèo, thi kéo co, thi cờ tướng, thi đấu thể dục thể thao ngay tại sân đền. Trong khi ngoài sân các hoạt động hội diễn ra nô nức thì ở trong đền 3 đội tế đại diện 3 thôn Chí Cường, Đức Cường và Hoàng Môn cũng tiến hành các nghi thức tế lễ long trọng để tạ công ơn Bác Hồ, các bậc tiền nhân đã có công khai thành nên mảnh đất Nam Cường và các anh hùng liệt sĩ là những con dân Nam Cường đã hy sinh bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Xã Nam Cường tổ chức mừng thọ cho các cụ cao niên - đây là nét đẹp văn hóa truyền thống được Nam Cường duy trì tổ chức nhiều năm nay vào dịp kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm

Ngày Hội làng 26/3 còn có sức hội tụ mãnh liệt ở Nam Cường đối với cả những người đã đi xa bởi lẽ, nếu như ở các làng xã khác, tục vọng lão trọng xỉ được tổ chức vào dịp đầu năm Tết đến Xuân về thì Nam Cường lại lấy ngày Bác Hồ về thăm để tiến hành Mừng thọ cho các cụ. Nghi thức Mừng thọ nơi đây về cơ bản không khác những làng xã khác nhưng lại được tổ chức vào ngày Hội lớn của cả xã nên lại trở thành “của độc” mà chỉ nơi đây mới có. Chính vì vậy, ngày này con cháu dù ở xa đến mấy cũng cố gắng về đoàn tụ với gia đình vừa là để chúc thọ cho ông bà, cha mẹ; lại vừa tham gia Hội làng gặp gỡ giao lưu chòm xóm.

Hội tan ai về nhà nấy và hẹn nhau đến ngày giỗ Bác ( 21/7 Âm lịch) lại tập hợp về đền thờ Bác để tỏ lòng thành kính, uống nước nhớ nguồn, nhớ ơn Bác. Mươi năm trước, việc giỗ Bác chỉ được gói gọn ở trong nội bộ chính quyền, đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội ở xã. Nhưng, với nguyện vọng của đông đảo người dân trong xã thì vài năm gần đây, việc cúng giỗ Bác Hồ đã được mở rộng cho cả nhân dân trong xã để ai ai cũng có thể đến để thể hiện tình yêu thương với vị Cha già dân tộc. Ngoài việc dâng hương giỗ Bác theo đúng tục lệ truyền thống của người Việt thì các cá nhân tham gia theo giỗ còn tự bảo nhau đóng góp từ 50.000đ đến 70.000đ để làm cơm tập trung tại sân đền để cùng chia sẻ “miếng lộc làng” và cùng ôn lại những ngày Bác về thăm, khi mà Nam Cường ngày ấy còn là cánh đồng cói nước ngập mênh mang, chim bay đến chưa tìm ra chỗ đậu...

Trong ngày giỗ Bác, các cụ cao tuổi là những người đầu tiên đến khai hoang và được gặp Bác sẽ kể cho thế hệ con cháu nghe về những ngày đầu tiên vượt ngàn gian khó quai đê lấn biển, và nhắc lại những lời căn dặn của Bác; rồi cùng nhau ngâm thơ, hát chèo và nhắc nhở con cháu phải luôn cố gắng xây dựng quê hương như lời Bác Hồ dặn: “dẫu gian khổ cố vượt lên, muốn ăn quả phải trồng cây...”.

Diện mạo nông thôn mới trên quê hương Nam Cường

Năm 2013, Nam Cường vinh dự là một trong 4 xã đầu tiên của tỉnh Thái Bình về đích nông thôn mới; đời sống văn hóa của người dân nơi đây lại ngày càng phồn vinh, đổi mới. Và, để kể hết được những nét đẹp văn hóa ở nơi đây thì hẳn sẽ còn cần rất nhiều giấy mực. Nhân chuyến công tác nghiên cứu sưu tầm văn hóa ở Nam Cường, chúng tôi xin có đôi dòng giới thiệu về những nét đẹp văn hóa nơi đây như một lời tri ân đến chính quyền cùng những người dân Nam Cường thật thà, chất phác, cởi mở./.


Tác giả: Tô Hoài, Phương Thảo - Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam
Nguồn:sovhttdl.thaibinh.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 913
Hôm qua : 3.870
Tháng 09 : 111.523
Năm 2023 : 2.042.381