Thúc đẩy hoạt động văn hóa, sáng tạo trên môi trường số
Chủ động thích ứng, tham gia kết nối toàn cầu, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong ngành văn hóa, sáng tạo đã khai phá tiềm năng cũng như cơ hội của công nghệ thông tin, tạo nên chuỗi hoạt động sáng tạo - sản xuất-phân phối và tiêu dùng các sản phẩm điện tử trên nền tảng số.
Năm 2021, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA phục vụ du khách tham quan bảo tàng. Ứng dụng gồm âm thanh, văn bản và hình ảnh chất lượng cao, tích hợp trên nền tảng Androi và iOS, gồm tám ngôn ngữ, trợ giúp du khách tham quan trực tuyến và trực tiếp.
Nhanh chóng thích ứng chuyển đổi số
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: Một thời gian rất dài, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không phải là điểm đến thú vị. Mỗi năm bảo tàng chỉ đón được khoảng 50 nghìn du khách, trong đó 90% khách quốc tế, 10% khách trong nước, chủ yếu là những người nghiên cứu và quan tâm lĩnh vực mỹ thuật. Qua khảo sát của các công ty lữ hành, hướng dẫn viên du lịch rất "sợ" đến bảo tàng vì họ không biết hướng dẫn và không hiểu về các tác phẩm mỹ thuật. Lượng khách đến tham quan hạn chế là thách thức đối với bảo tàng và công nghệ số chính là chìa khóa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như thay đổi cách thức hoạt động, phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm.
Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA là dự án hợp tác công tư giữa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Công ty cổ phần Phần mềm ứng dụng di động Việt Nam (VINMAS). Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng là đơn vị tiên phong trong hệ thống bảo tàng ứng dụng công nghệ thông tin vào bảo tồn, lưu giữ, trưng bày các tác phẩm mỹ thuật.
Năm đầu tiên triển khai ứng dụng iMuseum, lượng khách tham quan bảo tàng tăng gấp đôi, bảo tàng thu hơn 600 triệu đồng phí sử dụng tham quan công nghệ trực tuyến. Trải nghiệm bảo tàng số khiến di sản mỹ thuật trở nên gần gũi, sống động, đồng thời ứng dụng đã hỗ trợ và gia tăng nhiều trải nghiệm thú vị, hấp dẫn cho khách tham quan, được công chúng hào hứng đón nhận và đánh giá cao.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số mang lại nhiều cơ hội cho phát triển ngành sáng tạo nội dung, gia tăng mức độ cung cấp các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo như âm nhạc, điện ảnh, quảng cáo. DeeDee Animation studio là đơn vị đã chủ động dấn thân, tiếp cận thị trường quốc tế, phát triển hoạt động trên môi trường số, từ một cơ sở sản xuất phim hoạt hình 2D non trẻ ở Hà Nội. Hiện đơn vị này dần vươn ra thế giới, trở thành đối tác sản xuất, đồng sản xuất của các hãng hoạt hình lớn trên thế giới như Shin-Ei Animation, TMS Entertainment, Walt Disney Animation...
Thành lập năm 2017, DeeDee Animation Studio hướng mục tiêu sản xuất những phim hoạt hình chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2019, DeeDee phát hành phim ngắn "Tàn thể: Tiền truyện" trên youtube, facebook, vimeo. Đây là phim hoạt hình giả tưởng thuần Việt, là sản phẩm sáng tạo mang đậm màu sắc văn hóa Việt Nam, được cộng đồng mạng đón nhận và nhận phản hồi tích cực từ khán giả. "Tàn thể: Tiền truyện" cũng nhận được giải thưởng từ một số liên hoan phim.
DeeDee cũng là đơn vị tham gia sản xuất 6 trong 12 tập phim series hoạt hình Chimimo của Nhật Bản. Hiện nay, DeeDee trở thành đơn vị sản xuất nhiều dự án phim cũng như hợp tác sản xuất với các thương hiệu uy tín, cung cấp dịch vụ sáng tạo mang tính toàn cầu. Đối với ngành hoạt hình non trẻ của Việt Nam, DeeDee chọn chiến lược đi ra thị trường nước ngoài sau đó quay về hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Bà Lê Quỳnh Như, đồng sáng lập DeeDee Animation Studio chia sẻ: "Bước đầu chúng tôi tập trung xây dựng chất lượng các sản phẩm của công ty, gửi sản phẩm tham dự các liên hoan phim cũng như tham dự các hội chợ lớn về phim hoạt hình trên thế giới, tạo mức độ uy tín nhất định cho studio. Vì chưa có các công ty đi trước ở mảng phim hoạt hình để học hỏi kinh nghiệm, chúng tôi chọn đi ra thị trường quốc tế để tiếp cận quy trình sản xuất chuẩn và hợp tác, chuyển giao công nghệ, sản xuất các sản phẩm đạt được chất lượng quốc tế. Đây là con đường ngắn nhất, tiết kiệm nhất, nhanh nhất để có thể tiếp cận chất lượng quốc tế, định hình thương hiệu trên các nền tảng thương mại số".
Cần đột phá trong kỷ nguyên số
Hiện nay, lĩnh vực văn hóa không được quy định áp dụng đầu tư theo phương thức hợp tác công tư, vì vậy, khi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đề xuất mô hình liên kết giữa nhà nước và tư nhân đầu tư phát triển công nghệ số cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tìm ra cơ chế phối hợp, chính sách phù hợp, cách thức vận hành khai thác nguồn lực và lợi thế giữa bên cung cấp tài nguyên di sản và bên hỗ trợ công nghệ.
Thực tiễn cho thấy, sự phát triển của công nghệ thông tin khiến các lĩnh vực văn hóa, sáng tạo không thể đứng ngoài dòng chảy này. Công nghệ số hình thành các khái niệm mới như thể chế số, tài sản số, nhân lực số, thúc đẩy các ngành nghề đều phải linh hoạt thích ứng và chuyển đổi, trong đó có lĩnh vực công nghiệp văn hóa, sáng tạo. Tuy nhiên, công nghiệp văn hóa, tài sản trí tuệ, tài sản số vẫn là những khái niệm mới mẻ ở Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam trăn trở: Việt Nam là quốc gia chưa có bề dày và kinh nghiệm về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Chúng ta chưa thật sự hiểu bản chất các ngành công nghiệp văn hóa, vì vậy, dù có các chính sách về văn hóa và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, khát vọng có, mong muốn nhiều nhưng kỹ năng và kiến thức chưa đủ mạnh để tạo nên được đột phá.
Với nguồn lực văn hóa, nghệ thuật phong phú, đa dạng, hạ tầng số phát triển, đội ngũ sáng tạo, tiêu dùng dồi dào, nội dung văn hóa và sáng tạo đang phân phối tràn ngập trên các nền tảng số, thông qua các nhà bán lẻ trực tuyến, các nền tảng phát trực tuyến như YouTube, Spotify..., để thúc đẩy các hoạt động văn hóa, sáng tạo trên môi trường số mạnh mẽ, cần hình thành cơ chế và chính sách tạo môi trường khuyến khích sự sáng tạo.
Bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa gắn với chuyển đổi số, Nhà nước cần sớm nghiên cứu cơ chế hỗ trợ ưu đãi về thuế, phí cho các doanh nghiệp liên quan đến ngành nghề sáng tạo, nghệ thuật.
Một hướng đi hiệu quả đã phát huy kết quả trong thực tiễn là áp dụng thí điểm mô hình liên kết, hợp tác công tư, mô hình nhà sáng tạo-nhà nước-nhà đầu tư, song song khuyến khích cá nhân tham gia thực hiện các dự án văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo nội dung; chú trọng sự kết nối giữa lĩnh vực văn hóa, sáng tạo và các lĩnh vực kinh tế-xã hội, khoa học-công nghệ và thông tin truyền thông, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam tăng trưởng, phát triển và dần đạt quy mô lớn./.