Hội thảo khoa học Đại thi hào Nguyễn Du với Thái Bình
Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820), tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, quê gốc ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), sinh tại kinh thành Thăng Long trong một gia đình đại quý tộc, có truyền thống khoa bảng. Cuộc đời Nguyễn Du trải qua nhiều dâu bể, nổi chìm, cha mẹ mất sớm, lớn lên lại gặp buổi xã hội loạn ly, phân tranh. Nguyễn Du kết duyên với bà Đoàn Thị Tộ, con gái của Hoàng giáp Đoàn Nguyễn Thục ở làng Hới, nay là thôn Hải An, xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ). Để thoát sự truy bức của một số thế lực của xã hội đương thời, Nguyễn Du đã có 10 năm (1786 - 1796) nương náu, ẩn dật tại Thái Bình - khoảng thời gian mà ông gọi là "Thập tải phong trần”. Trong khoảng thời gian này, Nguyễn Du được sự nuôi nấng, đùm bọc của dòng họ Đoàn Nguyễn và nông dân, phú hào nơi miền quê nghĩa tình này. Chính nơi đây đã góp phần hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn văn chương của ông.
Tại hội thảo, 14 tham luận được nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa và các đại biểu trình bày tại hội thảo đã góp phần khẳng định vị trí, tầm ảnh hưởng của Đại thi hào Nguyễn Du trên thế giới, với văn hóa dân tộc Việt Nam và Thái Bình; là những căn cứ để làm rõ hơn "mười năm gió bụi" của Nguyễn Du ở quê hương Thái Bình.
Trên cơ sở các tư liệu, căn cứ khoa học của hội thảo để đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du trên quê hương Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ) nhằm bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị di sản văn hóa Nguyễn Du trong sự nghiệp giáo dục và phát triển văn hóa của tỉnh Thái Bình nói chung và huyện Quỳnh Phụ nói riêng./.