Hội thảo khoa học “Danh nhân Bùi Quang Dũng - cuộc đời và sự nghiệp”
“…Trên cuộc hành trình của đời người trải ngót trăm năm, “từ chiếc nôi đến nghĩa địa”, ông đã vượt qua muôn ngàn thử thách, có khổ cực và gian truân, có tiến - thoái và thăng - trầm, có vinh quang và cay cực. Xuyên suốt thân thế và sự nghiệp của ông, chấp nhận đương đầu với mọi hoàn cảnh, vẫn lấp lánh sáng lên tài năng, đức độ của con người nghĩa khí, tận lòng với nước, với dân, xứng đáng được các thế hệ con cháu dòng họ Bùi và người dân đất Việt tri ân, tôn vinh và coi đó là tấm gương tiết tháo, quên mình vì sự tồn vong của dân tộc…” - Lời phát biểu đề dẫn hội thảo được GS sử học Lê Văn Lan đã nhấn mạnh về cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của ông - Trinh quốc công - Minh Triết phu tử Bùi Quang Dũng.
Sinh ngày 10 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ(922) tại đất Phong Châu, huyện Bạch Hạc (Phú Thọ), Bùi Quang Dũng xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, ông sớm nổi tiếng là người đức độ, thông minh hơn người. Đến tuổi trưởng thành, với tài thao lược văn võ tinh thông,ông sớm nuôi ý chí được mang tài trí của mình ra giúp dân giúp nước. Năm 944, sau khi Ngô Quyền mất, đất nước lâm vào cảnh loạn 12 xứ quân. Nghe tin Đinh Bộ Lĩnh giương cờ dẹp loạn, ông đã tìm theo và trải qua 20 năm phò giúp vua Đinh bình yên thiên hạ, ổn định nhà nước Đại Cồ Việt, giúp dân vùng thềm song Bạch Lãng và song Cái khai khẩn đất hoang, lập làng để an cư lập nghiệp.
Khi Đinh Bộ Lĩnh bị sát hại, Bùi Quang Dũng lui về ở ẩn tại quê nhà. Năm Kỷ Dậu (1009), Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập ra triều Lý. Thái Tổ ba lần cho người vời nhưng ông đều thoái thác, lấy cớ tuổi già. Đến năm 91 tuổi, cám cảnh đất nước chưa yên, ông lại quay ra phò giúp Lý Thái Tổ dẹp loạn giữ yên đất nước và góp công trạng lớn vào quá trình xây dựng kinh đô Thăng Long.
Bùi Quang Dũng mất năm Thuận Thiên thứ 9 (1018), thọ 97 tuổi. Lý Thái Tổ sai Bộ Lễ làm lễ cử ai và truy phong là Trinh Quốc Công. Tháng 8 năm ấy, vua ngự đề văn bia Sự trạng ông và cho người đem về từ đường ông ở ấp Hàm Châu để thờ.
Năm Thuận Thiên thứ 11 (1020), nhân đi tuần phòng phía đông, vua đến vùng Kỳ Bố và về ấp Hàm Châu viếng mộ ông. Tại từ đường thờ Bùi Quang Dũng, Lý Thái Tổ ngự đề đôi câu đối:
"Không thờ hai vua, tiếng trung liệt cao vời vợi, động Trinh Thạch 30 năm lừng tiếng - Hết sức giúp nền thống nhất, chí khí ngay thẳng vang dội, ấp Hàm Châu vạn cổ vẫn còn".
Tại hội thảo, 21 bản tham luận khoa học của các nhà nghiên cứu thuộc các viện khoa học trung ương và các nhà nghiên cứu văn hóa ở Thái Bình trình bày đã khắc họa rõ nét chân dung và tôn vinh sự nghiệp vĩ đại của danh tướng Bùi Quang Dũng, đồng thời cũng gợi mở một số vấn đề khoa học còn tồn nghi, một số khoảng trống trong cuộc đời và sự nghiệp của Trinh Quốc công Bùi Quang Dũng cần được bổ khuyết và quan tâm nghiên cứu.
Phát biểu kết luận hội thảo, Giáo sư sử học Lê Văn Lan đã khẳng định: Các nguồn tư liệu sử học, thư tịch học, văn hóa học, văn hóa dân gian được hội tụ thông qua các bài tham luận tại hội thảo đã góp phần làm rõ hơn các khía cạnh liên quan đến thân thế và sự nghiệp của danh nhân Bùi Quang Dũng; xác lập những cơ sở dữ liệu khoa học khẳng định vai trò, công lao đóng góp của ông đối với quê hương, đất nước, qua đó, tạo tiền đề để bảo tồn, khai thác và phát huy trong sự nghiệp giáo dục và phát triển văn hóa truyền thống Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung.
Trước đó, Lễ dâng hương tại từ đường danh nhân Bùi Quang Dũng thuộc xã Tân Bình - thành phố Thái Bình đã diễn ra trang nghiêm và thành kính vào chiều ngày 16/7. Bài văn tế tại từ đường danh nhân xúc động, bùi ngùi, ngấm sâu và lắng đọng cùng niềm tự hào dân tộc trong mỗi người dân. Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Thái Bình, đại diện Ban chấp hành Cộng đồng họ Bùi Việt Nam, Ban liên lạc họ Bùi Thái Bình, gia tộc họ Bùi ấp Hàm Châu đã tiến hành dâng hương tượng niệm Trinh Quốc Công Bùi Quang Dũng, bày tỏ quyết tâm phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, cùng xây dựng quê hương Thái Bình ngày thêm giàu đẹp./.