A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chào mừng Ngày Thể thao Việt Nam 27/3: Giới thiệu một số trò chơi luyện sức khỏe của người Thái Bình

Khác với nhiều môn thể thao khác, những trò chơi dân gian, thể thao truyền thống luôn có sức sống là bởi nó ra đời và tồn tại, phát triển từ chính nhu cầu rèn luyện sức khỏe, hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, được cộng đồng dễ dàng đón nhận. Thông qua hoạt động thể thao còn là cơ hội để mọi người giao lưu văn hoá, học hỏi kinh nghiệm lao động, sản xuất giữa địa phương này với địa phương khác và hơn hết, nhiều hoạt động thể thao truyền thống còn góp phần quảng bá nét đẹp mảnh đất và con người miền quê lúa Thái Bình.

Hội vật đền Hét (xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy) - Ảnh đẹp du lịch Thái Bình

Vật võ:

Người Thái Bình có truyền thống thượng võ. Từ thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa (40 - 43), Thái Bình có đến vài chục cừ súy là thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa chống Hán. Thời Lý Bí khởi nghĩa dựng nước Vạn Xuân (544 - 602), Thái Bình là nợi tụ nghĩa, có nhiều võ sĩ là tướng súy đã theo Lý Bí về giải phóng Long Biên. Thời Lý - Trần, bộ môn vật võ đã được triều đình khích lệ, làng xã hoan nghênh. Thời Lê, nhất là cuối Mạc và đầu Lê Trung Hưng, phong trào vật võ ở Thái Bình rộng khắp, sôi động.

Việc luyện tập vật võ khoẻ mình, trước tự vệ bản thân, sau đánh cướp giữ làng, lại 3 năm nhà nước mở kỳ thi võ, có khả năng thì được đứng vào hàng võ tướng, danh phận vẻ vang, vì vậy luyện tập võ nghệ, thi vật có điều kiện phát triển mạnh. Các quan văn, quan võ đều cần đến vệ sỹ. Phàm các quan võ khi đương chức, lúc về hưu đều tập hợp con em dạy vật võ cho họ, khích lệ trai đinh cùng tập. Có rất nhiều thầy vật võ nổi tiếng, nhiều võ quan mở hẳn lớp học (gọi là lò võ, lò vật). Phàm những làng có võ quan đều có lò vật võ lớn và làng có vật võ cũng là yêu cầu thiết thân, bức xúc của nhân dân. Nhiều hội làng có sới vật, đô giỏi miếng mói, đô giỏi miếng gồng, đô giỏi dương long đả hổ hoặc bất ngờ để giật hoặc chớp mắt gạt ngã đối thủ, hễ lấm lưng là thua, vật được đô bạn khỏi sới là thắng. Giải thưởng không lớn, có khi là vò rượu tăm, có khi là một hai vuông lụa, lấy cái vinh dự làm đầu. 

Thời Lê, nhất là cuối Mạc và đầu Lê Trung hưng, phong trào vật võ ở Thái Bình rộng khắp, sôi động. Thôn An Ký xã Quỳnh Minh huyện Quỳnh Phụ có truyền thống vật võ, một đô vật của làng được thờ làm thần. Trong những tư liệu bằng chữ Hán của làng còn được lưu giữ có một bài văn tế vị thần làng xưa là đô vật (trò vật được gọi là giao điệt, xới vật được gọi điệt trường). Bài văn tế có nội dung:

"Đại vương linh thiêng, đạo đức sung mãn. Sáng sao từ trên cao xuống. Ngôi đền vững chắc trấn giữ, không cho nước dàn dụa, tràn trề. Miệng ngậm sóng nước sông Ngân. Nay mừng mùa thu đã sang, bèn khai trương xới vật. Tiệc mừng đã bầy. Nghi lễ đã chuẩn bị tươm tất.

Kính mong đại vương hài lòng soi xét

Cho dân làng thịnh vượng rực rỡ

Các sĩ tử đều đăng khoa

Nhà nông vui đầy kho thóc

Phúc đến, họa đi

Người khỏe, sản vật dồi dào

Thực nhờ đại vương".

Ngày nay Thái Bình còn rất nhiều hội làng tổ chức thi vật, có làng có riêng hội vật. Môn vật ngày nay gồm ba loại: Vật dân tộc, vật cổ điển và vật tự do. Vật dân tộc có lịch sử hàng ngàn năm qua, vật dân tộc quy định thắng, thua là ở hai cách tấn công làm cho đối thủ "túc lìa địa" (hai chân bị nhấc khỏi mặt đất) và "Bụng hướng thiên" (lưng áp xuống đất, bụng ngửa lên trời).

Đấu gậy ở làng Phần:

Làng Phần (nay là thôn Phú Xuân) xã Đông Á, huyện Đông Hưng có trò chơi đấu gậy. Theo dân gian thì trò này đã có lịch sử từ lâu, có người bảo có từ thời Trần, có người lại nói có từ cuối triều Lê. Ban đầu dân luyện tập để chống cướp biển, sau là chống ngoại xâm, cùng với gậy dài 5 thước (2 mét) là lá chắn, còn có mộc, mác, gươm, đao... Dân làng Phần và làng Tìm kể rằng, một lần bọn cướp biển (Sắng cá) theo sông Trà Lý đổ bộ lên bến Tìm, tràn vào cướp phá làng Tìm (Đông Hoàng), làng Phần và làng Giàng (Đông Á), các đội vũ dũng của ba làng đã dùng gậy, giáo mác, dao kiếm đánh tan bọn cướp. Thắng lợi này khích lệ dân làng hăng hái luyện tập môn võ gậy. Hàng năm cứ mùa xuân đến làng mở hội thi võ gậy. Hội thi võ gậy ở làng Phần dần dần nổi tiếng khắp vùng. Mỗi lần làng tổ chức thi đấu, ngoài đội võ gậy của làng còn có các đội võ gậy của Mễ Sơn (Thư Trì), Kỳ Trọng (Đông Hà), Đồng Hối (Đông Vinh)... tới tham gia thi đấu. Đội võ gậy của làng Phần có đông người tham gia và rất khỏe, đến nay dân làng vẫn còn nhớ tên, như ông Cả Ngạn, ông Cầu, ông Chư, ông Tiếp, ông Binh Trì, ông Hai Cát, ông Tộc Tuyến, ông Phí Lưu, Cả Tiền, Bùi Độ... Sau Cách mạng Tháng 8 - 1945, các đội võ gậy vẫn còn tập luyện, thi đấu, khi Thái Bình bước vào cuộc chiến tranh chống Pháp (1950), nhiều người đã tham gia bộ đội hoặc dân quân du kích, các đội võ gậy mới ngừng hoạt động, trong những võ sĩ đấu gậy có hai người trở thành liệt sĩ là ông Năm Chưởng và ông Đăng Tửu. Những năm đầu thập kỷ XXI, nhân dân làng Phần khôi phục lại lễ hội, khôi phục lại môn võ gậy để vui chơi trong ngày hội, mở đầu môn võ gậy có các bài múa: Mài gươm, chỉ kỳ (chào cờ), tạ quân (chào nhau). Vào trận đấu có các điều cấm kỵ: Cấm đánh bổ thượng (đánh vào đầu), cấm đâm khuỷu tay, đầu gối. Dân làng Phần còn nhớ bài ca về môn võ gậy như sau:

Tạ quân có câu: Cho nhanh con mắt, kẻo oan linh hồn

                               Lấy roi làm lũy,  tay cầm phân đôi

                                                                            Vào trận đấu:  

                                   Đón đầu phút có một cây

                               Bàng trang đánh rập, thế rầy càng xinh

                                    Né mình làm thế đoạn kình

                                  Hay là nó lại tàng hình kem kê

                                    Đồng tâm cưỡi hạc bay về

                                 Cách giang qua mặt kìm kê ta tài

                                    Hai người địch thủ cùng chung

                                 Lui ra thế khác kẻo trùng ngọn roi

Kéo co hố ở làng Thượng Phúc, xã Quang Trung (Kiến Xương):

Kéo co là trò chơi khá phổ biến ở các hội làng vì trò chơi này đơn giản, dễ chơi, lại cuốn hút được nhiều người chơi và xem. Dụng cụ chuẩn bị cho cuộc chơi khá đơn giản, chỉ gồm có dây chão và sân chơi. Dây chão dài 15 - 20 m, giữa dây buộc một chiếc khăn mầu, khăn này ứng với vệt vôi ở giữa sân. Vào cuộc chơi, mỗi bên 10 - 15 người, hai tay bám vào dây, một chân bước lên trên khoảng 40 cm, người hơi khom về phía trước... Khi hiệu lệnh cuộc thi được bắt đầu, người chơi dùng toàn lực, kéo sợi chão về phía mình. Cả hai bên đều cố kéo và sẽ có một bên đuối sức, bị đội bạn kéo về phía bên kia vạch vôi, bị thua. Trong khi đua tài, người cổ vũ của mỗi bên đều cố gắng cổ vũ cho đội mình, miệng hô, tay cũng như muốn bám vào dây kéo, kéo về phía mình. Kết thúc cuộc thi là có một bên thắng, một bên thua. Dù thắng hay thua, mọi người đều hồ hởi, phấn khởi.

Kéo co hố ở Thượng Phúc, xã Quang Trung, huyện Kiến Xương, mọi động tác cũng diễn ra như kéo co thường, chỉ khác là kéo co hố phải diễn ra trên sân cỏ để đào được hố. Hố chơi được đào theo hình tam giác, cạnh đáy (nơi để chân trước) sâu 20 - 25 cm, thoải dần về phía sau, chiều dài của cạnh tam giác 50 - 60 cm (nơi đặt chân sau). Số hố đào mỗi bên tương ứng với số lượng người chơi (15 - 20 hố). Người chơi mặc quần áo lễ hội gọn gàng, lưng thắt đai, mỗi bên một màu áo. Khi hiệu lệnh cuộc chơi vang lên, mọi người đều cố gắng, dây kéo căng ra, bên khỏe có thể làm người bên thua đổ rạp trên miệng hố là cuộc thi kết thúc.

Kéo co bằng cây tre ở hội đền Hét, làng Bích Du xã Thái Thương (Thái Thụy):

Điểm khác biệt với trò chơi kéo co ở các địa phương khác thường dùng chão bện bằng dây đay, còn dây kéo co ở hội đền Hét, làng Bích Du, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy được làm bằng hai cây tre cái, bánh tẻ, gốc tre đập dập xoắn vào nhau, các đốt tre được đẽo gọt nhẵn trơn, để khi kéo không bị rách tay.

Tổ chức thi theo giáp, hai giáp kéo thi với nhau, mỗi giáp 9 người, một tướng và tám quân, kéo co ở ba tư thế: Đứng, ngồi, quỳ. Giáp nào thắng ở cả ba tư thế được thưởng 1,8 quan tiền.

Kéo co bằng thân cây tre ở đền Hét là rất khó khăn vì thân tre trơn bóng không có độ ma sát để bám, vì vậy muốn giành phần thắng trong cuộc đua này, người đua tài không chỉ dùng sức mà còn phải dùng cả mẹo./.


Tác giả: Minh Đức
Nguồn:sovhttdl.thaibinh.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 12.638
Hôm qua : 22.361
Tháng 09 : 313.212
Năm 2024 : 3.810.470