Chào mừng ngày Thể thao Việt Nam 27/3: Sức bền - sức bật thể thao
Năm 2023 ghi dấu thể thao thành tích cao Thái Bình với 300 huy chương các loại ở đấu trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, có những giải đấu lần đầu tiên VĐV được thử sức nhưng đã mang về nhiều thành công cho thấy hiệu quả công tác đào tạo VĐV thể thao thành tích cao hiện nay. Để đạt được điều đó, một trong những nguyên nhân là việc tuyển chọn VĐV từ phong trào thể thao quần chúng luôn được chú trọng thực hiện bài bản. Sức bền của thể thao quần chúng đã tạo đà phát triển cho thể thao thành tích cao.
Kỳ 1: Sức bền của thể thao quần chúng
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh duy trì khoảng 36% số người tập luyện thể thao thường xuyên, 26% gia đình thể thao. Phong trào tập luyện sôi nổi ở đa dạng các bộ môn thể thao quần chúng đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tài năng thể thao ở mọi lứa tuổi có cơ hội được phát hiện và bồi dưỡng nâng cao.
Ươm mầm tài năng
Có thành tích học tập tốt, nhiều năm liền là lớp phó phụ trách học tập, em Đào Nguyễn Tuấn Kiệt, thủ môn của đội bóng đá nhi đồng huyện Quỳnh Phụ cũng luôn hết mình với niềm đam mê thể thao. Thích đá bóng từ nhỏ nhưng tới năm học cuối cấp tiểu học này Kiệt mới được sự đồng ý của bố mẹ tham gia các đội tuyển bóng đá nhi đồng của Trường THCS Quỳnh Hồng và huyện Quỳnh Phụ. Theo chia sẻ từ mẹ em, việc dành nhiều thời gian cho thể thao giúp Kiệt giải tỏa căng thẳng sau những giờ học, đặc biệt ở năm cuối cấp tiểu học, áp lực học tập, thi cử nhiều hơn. Bên cạnh đó, tinh thần đồng đội, sự gắn kết, sẻ chia giữa các cá nhân trong tập thể đội bóng cũng rèn luyện cho những cầu thủ nhí được hiểu hơn về kỹ năng làm việc nhóm. Mẹ của Kiệt cho biết: Để được góp mặt trong đội bóng đá nhi đồng của huyện là cả chặng đường cố gắng bền bỉ của con và bố mẹ luôn trân trọng, khích lệ, cỗ vũ để con có thêm ý chí quyết tâm nuôi dưỡng, theo đuổi niềm đam mê từ ngày còn thơ bé. Chắc chắn những trận đấu cùng nỗ lực hết mình trong tập thể một đội bóng sẽ là kỷ niệm rất đẹp của tuổi học trò mà con nhớ mãi.
Với em Cao Tú Linh, phường Kỳ Bá (thành phố Thái Bình), dù ở lứa tuổi nhi đồng nhưng niềm đam mê bộ môn yoga đã giúp em trở thành một trong những học viên nhỏ tuổi nhất tự tin tham gia hoạt động đồng diễn cùng 1.200 học viên ở khắp các CLB yoga trên địa bàn tỉnh. Nhiều năm cùng mẹ tập luyện bộ môn này, Tú Linh cho biết: Em thích nhất là những bài tập thiền, tập thở vì khiến cho mình tĩnh tâm, nhập tâm vào những âm thanh thư giãn. Em mong muốn mọi người hãy tập yoga thường xuyên hơn vì điều này bổ ích cho sức khỏe.
Phong trào yoga quần chúng ngày càng lan tỏa từ những học viên xuất sắc ở lứa tuổi còn khá nhỏ nên dù không có đội tuyển thể thao thành tích cao ở bộ môn này, tỉnh Thái Bình vẫn gặt hái nhiều thành công trong lần đầu tiên đăng cai giải vô địch yoga quốc gia. Với những VĐV tiêu biểu được tuyển chọn từ phong trào quần chúng, đoàn Thái Bình xuất sắc xếp thứ nhì toàn đoàn với 15 huy chương các loại. Đây là tiền đề quan trọng, hứa hẹn sự phát triển của yoga nói riêng, các bộ môn thể thao quần chúng nói chung trong thời gian tới.
Các giải đấu bóng bàn thường xuyên được tổ chức thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng ngày càng phát triển.
Phát triển bộ môn mới
Song song với các môn thể thao truyền thống đã có quá trình phát triển lâu dài ở các địa phương như điền kinh, bóng đá, bóng bàn, cầu lông, bơi..., nhiều môn thể thao mới được du nhập cũng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Trong số đó phải kể đến bóng chuyền hơi. Không yêu cầu cao về tốc độ, thể lực, sức mạnh, ít gây chấn thương, luật chơi đơn giản, bóng chuyền hơi giúp giảm đau xương khớp, cải thiện trí nhớ, tinh thần thêm phấn chấn... Nhờ những lợi ích đó, các CLB bóng chuyền hơi nam, nữ ở nhiều độ tuổi, đặc biệt là trung, cao tuổi ngày càng thu hút đông thành viên.
Chia sẻ về phong trào tập luyện, thi đấu bóng chuyền hơi tại địa phương mình, anh Bùi Văn Mạnh, CLB bóng chuyền hơi nam xã Bình Định (Kiến Xương) hào hứng cho biết: Với thế mạnh sẵn có về phong trào tập luyện bóng chuyền nên bà con trong xã rất thuận lợi tập luyện, thi đấu bóng chuyền hơi ngay khi bộ môn này được du nhập về địa phương. Để phong trào ngày thêm phát triển, đối với các giải đấu lớn vào dịp đầu xuân của xã, ban tổ chức cho phép các đội được thuê, mượn cầu thủ ngoài về thi đấu, giúp anh chị em ở địa phương được học hỏi, nâng cao trình độ, tầm hiểu biết vì thế cũng rộng hơn. Chúng tôi tự hào vì phong trào tập luyện bóng chuyền hơi ngày càng sôi nổi; tất cả các buổi tối, 8/8 sân thể thao thôn đều hào hứng không khí tập luyện, nâng cao sức khỏe.
Còn tại xã Bình Thanh (Kiến Xương), nhắc tới phong trào dân vũ phát triển sôi nổi không thể không kể đến công lao gây dựng, góp công góp của phát triển phong trào của anh Bùi Văn Hải. Thời gian gần đây, anh cũng là người mạnh dạn đưa bộ môn shuffle dance đến với đông đảo chị em trong và ngoài xã. Đây là điệu nhảy đường phố với những bước đi nhịp nhàng, nhịp điệu tự do, tập trung vào sự mềm mại và nhanh nhẹn của đôi chân. Tại chương trình tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ văn hóa, thể thao do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại huyện Kiến Xương, 30 thành viên CLB shuffle dance xã Bình Thanh đã tự tin biểu diễn, phổ biến bộ môn này.
Anh Hải chia sẻ: Mong muốn của CLB là có thể góp phần lan tỏa phong trào tập luyện thể thao thường xuyên đối với tất cả mọi người để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và có được sức khỏe dẻo dai.
Từng ngày, những hạt nhân thể thao luôn có khát khao mang giá trị tốt đẹp đến với cộng đồng cùng phong trào xã hội hóa hoạt động tập luyện, thi đấu ở khắp các bộ môn thể thao quần chúng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện, ươm mầm và bồi dưỡng tài năng. Từ đây, không chỉ sức khỏe của cộng đồng được nâng cao mà “sức chiến đấu” của thể thao thành tích cao càng thêm được bồi đắp.