Võ sĩ Bùi Trường Giang: Sẵn sàng cho ASIAD 19
Bắt đầu đến với thể thao thành tích cao từ khi mới 17 tuổi, liên tiếp qua các năm từ 2012 đến nay, vận động viên (VĐV) Bùi Trường Giang, đội tuyển wushu Thái Bình tham gia nhiều giải đấu lớn của quốc gia, quốc tế và đạt huy chương các loại. Tháng 9 này, Bùi Trường Giang sẽ là một trong những gương mặt tiêu biểu của wushu Việt Nam tranh tài tại đấu trường ASIAD. Đã 2 lần góp mặt tại vòng chung kết ASIAD và đều về nhì, hơn lúc nào hết võ sĩ người Thái Bình đang quyết tâm đổi màu huy chương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Huân chương Lao động hạng Ba cho VĐV Bùi Trường Giang tại buổi gặp mặt, chúc mừng các VĐV, HLV đạt thành tích xuất sắc tại SEA Games 32.
Vượt qua chấn thương để thi đấu
Đạt nhiều thành tích tiêu biểu ở đội tuyển wushu quốc gia, ít ai biết Trường Giang khởi đầu với thể thao thành tích cao ở bộ môn võ thuật khác, đó là karate. Theo võ sĩ này, điều khó nhất khi đến với wushu là những bài tập kỹ thuật đòi hỏi VĐV phải có nền tảng thể lực tốt. Ngoài ra, khác với nhiều môn thể thao, 1 hiệp đấu wushu có thời gian rất ngắn, chỉ diễn ra trong 2 phút nên VĐV luôn phải tập trung cao độ, nghiên cứu kỹ đối thủ để ra đòn quyết định. Tham gia thi đấu thể thao thành tích cao lại ở môn võ thuật nên Giang không thể nhớ mình đã gặp bao nhiêu chấn thương bởi con số ấy quá nhiều. Thời gian thi đấu trong nước, quốc tế cũng liên tiếp nhau qua các tháng, các năm nên buộc VĐV phải phục hồi nhanh nhất có thể để trở lại guồng quay của các giải đấu. Chấn thương luôn là điều vô cùng lo sợ đối với bất kỳ VĐV nào, đối với Giang cũng vậy.
Trường Giang chia sẻ: Mỗi lần bị chấn thương là không chỉ thể lực mà cả tâm lý của mình đều đi xuống rất nhiều. Những khi ấy, mình không dám chia sẻ với gia đình vì biết bố mẹ sẽ rất lo lắng, chỉ có các thầy trong ban huấn luyện và các VĐV trong bộ môn biết về chấn thương của mình. Mọi người như gia đình thứ hai, luôn ở bên động viên, đưa ra lời khuyên giúp mình lấy lại tinh thần để quyết tâm hơn.
Trong rất nhiều chấn thương đã gặp phải, không thể quên đối với Giang đó là vào năm 2018 anh bị giãn dây chằng ngay trước khi ASIAD 18 diễn ra 1 tháng. Để có thể hồi phục cần thời gian khoảng 2 tháng nhưng nếu như vậy thì cũng đồng nghĩa với việc Giang sẽ bỏ lỡ giải đấu này. Khát khao được khẳng định mình ở giải đấu vô cùng quan trọng 4 năm diễn ra 1 lần, Giang quyết tâm khắc phục chấn thương, trở lại “cuộc đua” với tâm thế tốt nhất. Vừa tập luyện vừa ép cân thi đấu trong điều kiện chân bị giãn dây chằng là điều rất khó khăn nhưng cuối cùng mọi nỗ lực cũng đã mang lại kết quả tốt khi Giang vượt qua các đối thủ để vào tới chung kết và giành huy chương bạc ASIAD 18. Từ khoảng thời gian khó khăn ấy, Giang tự cảm thấy mỗi lần “dính” chấn thương là mỗi lần cơ thể của mình lại buộc phải thích nghi để hồi phục một cách nhanh chóng hơn.
Rèn thể thao là rèn ý chí
Cũng nhờ kỷ niệm đáng nhớ tại ASIAD 18, Giang luôn tự nhủ trước mỗi giải đấu đều phải chuẩn bị nền tảng thế lực và kỹ chiến thuật tốt bởi nếu không khi bước vào thi đấu sẽ không thể tự tin, từ đó không thể có kết quả cao. Trước mỗi giải đấu lớn, ban huấn luyện thường đưa ra những bài tập nặng hơn so với thông thường. 1 ngày sẽ bao gồm 3 ca, bắt đầu từ 5 giờ sáng, sau khi tập chạy khoảng 2 tiếng là tập chuyên môn và thể lực. Ngoài ra, Giang cũng tự rút kinh nghiệm cho bản thân mình, những lúc ở dưới khán đài dù có áp lực như thế nào thì khi đã lên sàn đấu phải nhanh chóng cân bằng cảm xúc để chiến đấu hết mình. Giang cũng có thói quen tìm hiểu trước về đối phương qua băng hình các trận đấu để xác định những điểm yếu của đối phương, phát huy tốt nhất những điểm mạnh của bản thân để đạt kết quả tốt nhất.
Theo Giang, rèn thể thao không chỉ là rèn thể lực mà chính là rèn ý chí bởi tập luyện thể thao rất mệt mỏi, áp lực từ các giải đấu luôn là rất lớn, nếu mình không quyết tâm vượt qua ngưỡng của bản thân thì sẽ không thể đạt được kết quả tốt trong tập luyện và thi đấu, vì vậy phải luôn luôn cố gắng vươn lên.
Chấn thương không thể quên là ở kỳ ASIAD 18, còn thành tích đáng nhớ nhất đối với VĐV này là tấm huy chương vàng tại kỳ SEA Games 32 diễn ra vào tháng 8 vừa qua tại Campuchia vì niềm vui này đánh dấu cột mốc 10 năm theo đuổi và tập luyện wushu, đồng thời là huy chương vàng thứ ba liên tiếp tại đấu trường SEA Games của Giang. Với thành tích này, Giang được tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Trường Giang chia sẻ: Bước vào kỳ SEA Games lần thứ ba, áp lực lớn đối với mình là các đối thủ đều đã gặp đi gặp lại nhiều lần, điều đó có nghĩa là họ cũng đã hiểu những điểm mạnh, điểm yếu của mình. Khắc phục điều đó, mình phải tuân theo những chiến thuật, kỹ thuật mới. Nhưng khi bước vào trận chung kết gặp đối thủ người Philippines, Giang vẫn không tránh khỏi tâm lý lo lắng bởi đối thủ đó đã đấu với mình tới 3 lần, đã nghiên cứu về mình rất nhiều. Vượt qua tâm lý không tốt, mình lấy lại sự tự tin và cố gắng lắng nghe theo chỉ đạo của các thầy, từ đó đã chiến thắng đối thủ.
Võ sĩ Bùi Trường Giang (áo đỏ) thi đấu và giành huy chương Vàng tại SEA Games 32.
Quyết tâm đổi màu huy chương
Ngay sau khi trở về từ SEA Games 32 vào tháng 5/2023, VĐV Bùi Trường Giang được triệu tập ở lại đội tuyển quốc gia để luyện tập với quá trình kỹ lưỡng nhất, sẵn sàng cho ASIAD 19 - 2022 sẽ diễn ra tại Trung Quốc vào tháng 9. Thiệt thòi lớn nhất cho các võ sĩ wushu là năm 2023 này, ở châu Á, số giải quốc tế tổ chức không nhiều. Ngoài SEA Games 32 thì võ sĩ cũng chỉ được dự thêm ASIAD 19 - 2022, thế nên sự chuẩn bị chuyên môn vẫn rất cần cọ xát.
Bùi Trường Giang chia sẻ: Nói về ASIAD, mình luôn xác định đây là giải đấu quan trọng nhất của cuộc đời VĐV wushu. Để sẵn sàng cho giải đấu này, mình chuẩn bị tâm lý và nền tảng thể lực tốt để bước vào giải tự tin nhất. Rất vui mừng là ban huấn luyện đã tạo điều kiện để các VĐV được đi tập huấn tại Trung Quốc - quê hương của bộ môn wushu, để phát triển bản thân thêm. Mỗi giải đấu đều khắt khe như nhau nhưng để bước vào giải đấu tầm cỡ châu lục như ASIAD, các thầy đã quan tâm và lo lắng cho mình nhiều hơn, cho mình sang Trung Quốc chuyên tâm vào tập luyện và có cơ hội được tìm hiểu kỹ những kỹ thuật mới ở nơi đây để phát huy vào giải đấu sắp tới.
Chuyến tập huấn tại Trung Quốc với thời gian một tháng có thể chưa thật nhiều nhưng ban huấn luyện các tổ nội dung của đội tuyển wushu Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội này để tích lũy tốt nhất về chuyên môn cho tuyển thủ. Riêng với Bùi Trường Giang, anh luôn có cảm xúc vinh dự khi được khoác trên mình màu cờ sắc áo bước vào giải đấu quốc tế. Và khi mang về, dù là huy chương gì cũng là sự đóng góp nhỏ bé của mình cho Tổ quốc thân yêu. Mong rằng, với quyết tâm và nỗ lực lớn, niềm tự hào của wushu Thái Bình tại đội tuyển quốc gia sẽ có sự chuẩn bị tốt nhất, qua đó tạo nên dấu mốc mới trong sự nghiệp thể thao thành tích cao của mình.
Những thành tích cao đạt được tại các giải đấu quốc gia, quốc tế của VĐV Bùi Trường Giang.