A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Quản lý đơn vị sự nghiệp công lập VHTTDL

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 12/2021/TT-BVHTTDL hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của Hội đồng Quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.

Thông tư gồm có 3 Chương, 11 Điều, áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập) thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội căn cứ quy định của Thông tư này và các quy định của Đảng, pháp luật có liên quan để áp dụng cho phù hợp; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập và hoạt động của Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập. Thông tư này không áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

Nguyên tắc, điều kiện, thủ tục và thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo Thông tư, Hội đồng quản lý là đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại đơn vị sự nghiệp công lập.

Hội đồng quản lý quyết định về chủ trương, chiến lược, kế hoạch hoạt động, tài chính và tổ chức bộ máy, nhân sự (trừ số lượng người làm việc theo quy định của pháp luật về viên chức); kiểm tra, giám sát việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật và quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản lý bao gồm: Quyết định về chiến lược, kế hoạch trung hạn và hàng năm của đơn vị sự nghiệp công lập; Quyết định chủ trương đầu tư mở rộng hoạt động, thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị trực thuộc đơn vị sự nghiệp công lập; Quyết định chủ trương về tổ chức bộ máy, nhân sự (trừ số lượng người làm việc theo quy định của pháp luật về viên chức); Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định về tài chính, tài sản, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, huy động nguồn lực cần thiết để phát triển hoạt động của đơn vị theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo quy định của pháp luật; Quyết định về định hướng hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và phát triển khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế của đơn vị sự nghiệp công lập; Thông qua quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Thông qua báo cáo quyết toán tài chính hàng năm của đơn vị sự nghiệp công lập; Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo cơ quan quản lý cấp trên về các hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; Định kỳ hoặc đột xuất yêu cầu người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập báo cáo về các hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; Thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng quản lý, chiến lược, kế hoạch hoạt động, việc thực hiện quy chế dân chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Quyết định các vấn đề quan trọng khác của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Hội đồng quản lý có số lượng thành viên từ 05 đến 11 người, gồm Chủ tịch và các thành viên. Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập bổ nhiệm. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý không quá 05 năm.

Chủ tịch Hội đồng quản lý có trách nhiệm và quyền hạn chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản lý; chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm; chỉ đạo tổ chức và chủ trì các cuộc họp của Hội đồng quản lý; ký ban hành các văn bản của Hội đồng quản lý.

Thành viên Hội đồng quản lý thực hiện và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ của Hội đồng quản lý do Chủ tịch Hội đồng quản lý phân công; tham gia đầy đủ các phiên họp của Hội đồng quản lý, chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2022./.


Tác giả: Hồng Hà
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 802
Hôm qua : 22.612
Tháng 09 : 156.637
Năm 2024 : 3.653.895