Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943: Góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được ghi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam như một trong những mốc son chói lọi nhất. Thành công ấy là kết quả của quá trình đấu tranh không mệt mỏi của các tầng lớp nhân dân dưới đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng cùng sức mạnh đoàn kết và truyền thống yêu nước. Và một trong những yếu tố để tạo nên sức mạnh tổng hợp là sự ra đời bản Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo và công bố năm 1943.
GS.TS Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ "Giữa lúc bộn bề công việc, thù trong giặc ngoài, Đảng ta vẫn bình tĩnh ra một bản Đề cương về văn hóa năm 1943. Gọi như vậy bởi Đảng đã khẳng định rằng, con đường cách mạng chúng ta dứt khoát phải đi đến thắng lợi và đi đến thắng lợi dứt khoát sự nghiệp văn hóa phải hình thành và phát triển phải trở thành động lực của cuộc kháng chiến. Quả thực khi ra đời, Đề cương đã thu hút được đông đảo trí tuệ của dân tộc và cả những người trong nước và ngoài nước".
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam lúc đó, văn hóa nửa phong kiến, nửa tư sản và hoàn toàn có tính cách thuộc địa đang thống trị, sự ra đời của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam thực sự là một ngọn đuốc soi đường và định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa cho toàn Đảng toàn dân, trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do.
Với ba phương châm: Dân tộc, khoa học và đại chúng, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã nhanh chóng tác động sâu sắc và làm thay đổi nhận thức cũng như thu hút đông đảo giới tri thức, văn nghệ sĩ mà trong hoàn cảnh trước đó còn ngần ngại, chờ đợi, quan sát. Cuốn họ vào dòng chảy đất nước, sát cánh với người dân, có mặt trên tất cả mặt trận sản xuất, chiến đấu, khoa học, giáo dục… nhờ đó hàng loạt tác phẩm, thành tựu văn hóa mới đã ra đời trở thành món ăn tinh thần, cổ vũ động viên quần chúng nhân dân đi đến thắng lợi cuối cùng.
"Sau Đại hội Văn hóa toàn quốc năm 1946, cả nước lần đầu tiên triển khai thực hiện những định hướng, phương châm về văn hóa: Dân tộc, Khoa học và Đại chúng.
Quan điểm Dân tộc để làm gì? Để chống lại nguy cơ đồng hóa của thực dân Pháp đối với dân tộc mình và nguy cơ coi nhẹ những giá trị truyền thống của dân tộc. Đó là tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết của dân tộc chúng ta.
Quan điểm Khoa học. Chế độ phong kiến, thực dân đã làm cho dân tộc ta nghèo nàn cả về vật chất và tinh thần. Cho nên, phải đưa nhân tố khoa học vào, để dân tộc mình phát triển, mở rộng trình độ, tư duy. Ví dụ, quan niệm sống thiếu vệ sinh, không khoa học, mê tín dị đoan…phải được giảm.
Quan điểm Đại chúng là dễ hiểu, ai cũng hiểu được. Văn hóa là của đa số nhân dân chứ không phải chỉ của tầng lớp tinh hoa"- GS.TS Trần Văn Bính chia sẻ .
Cũng theo GS.TS Trần Văn Bính, từ nền tảng là Đề cương văn hóa năm 1943 và Đại hội văn hóa toàn quốc năm 1946, sau đó, những tư tưởng của Đảng về văn hóa được triển khai trên thực tiễn.
Trong suốt quá trình lịch sử, quan điểm xuyên suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em (nghệ sĩ-PV) là chiến sĩ trên mặt trận ấy" … tiếp tục được kế thừa, phát triển.
Từ sau đổi mới, Đảng ta đã có những nhận thức đổi mới về văn hóa. Đổi mới trên cơ sở tiếp tục phát huy những giá trị tư tưởng của dân tộc, của cha ông và đặc biệt là của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngoài kế thừa những tư tưởng đó, chúng ta còn tiếp thu tư tưởng của tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là quan điểm của UNESCO- Tổ chức Văn hóa khoa học, giáo dục của thế giới- về văn hóa. UNESCO khẳng định một số luận điểm hết sức quan trọng: Coi văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực, là mục tiêu của sự phát triển kinh tế, xã hội; Văn hóa là sức mạnh nội sinh của dân tộc. Sự kết hợp những giá trị truyền thống với những giá trị của nhân loại đã kết tinh thành quan điểm của Đảng. Điều đó tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống văn hóa của người dân.
"Đi vào cụ thể, chúng ta thấy rằng, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến nay, Đảng ta đã có những quyết sách lớn về văn hóa như Nghị quyết Trung ương 05 khóa 8 xác định Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp đến là Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Với quan điểm con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, tạo cơ sở để xây dựng hệ giá trị văn hóa gắn kết chặt chẽ, nhuần nhuyễn với xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam-"- GS.TS Trần Văn Bính nêu.
Trong bối cảnh hiện nay, nhà nước ta phải vận dụng những tư tưởng đó của Bác Hồ, của Đề cương về văn hóa Việt Nam, phát triển phù hợp với tình hình thực tiễn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó để thực hiện mục tiêu "phát triển con người toàn diện" thì trong ngành văn hóa cần nâng cao chất lượng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ-người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Kinh nghiệm của Bác Hồ khi thực hiện, Bác có chủ trương rất rõ. Ví dụ, khi phải nâng cao trình độ văn hóa của người dân thì Bác phát động phong trào Bình dân học vụ, bổ túc văn hóa rồi xây dựng, phát triển mạng lưới giáo dục quốc dân sau cách mạng- GS.TS Trần Văn Bính cho hay./.
www.bvhttdl.gov.vn