A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo tàng tỉnh - Nơi bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Thái Bình

Bảo tàng tỉnh Thái Bình - địa chỉ đỏ để mọi người tìm hiểu tiến trình lịch sử – văn hóa của quê hương từ quá khứ đến hiện tại; tham quan trưng bày bảo tàng, du khách sẽ có một cái nhìn tổng thể về truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của tỉnh Thái Bình.

Bảo vật quốc gia: Ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng (Niên đại: Thế kỷ XVII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thái Bình) 

Trong không gian và diện tích của tòa nhà 3 tầng, Bảo tàng Thái Bình trưng bày giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển lịch sử đất và người Thái Bình; những thành tựu nổi bật trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước cùng những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của Thái Bình.

Tầng I là phòng khánh tiết sang trọng; tại đây, quý khách sẽ được chiêm ngưỡng cụm tượng đài “Bác Hồ với nhân dân Thái Bình và tình cảm của Đảng bộ nhân dân Thái Bình với Bác Hồ”.

Cụm tượng đài gồm 9 nhân vật, trong đó Bác Hồ là nhân vật trung tâm, xung quanh Bác là các tầng lớp công – nông – binh, cụ già và học sinh đón Bác. Sau bục tượng là thảm lúa vàng, lũy tre xanh và hình ảnh gác chuông chùa Keo – một di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của quê hương Thái Bình.

Hai bên tường khu trung tâm có hai bức phù điêu: Một bên là biểu tượng truyền thống văn hiến và truyền thống tranh đấu giặc ngoại xâm trước khi có Đảng: ngay từ những năm đầu Công nguyên, Thái Bình đã có Bát nạn tướng quân dấy binh cùng Hai Bà Trưng đánh tan quân Đông Hán xâm lược, năm 40 – 43. Thời Tiền Lý có Lý Bôn đánh đuổi giặc Lương lập nước Vạn Xuân độc lập, thế kỷ VI. Thời Đinh có Minh Công Trần Lãm giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất sơn hà. Thời Trần, Thái Bình có đất phát tích, lập nghiệp của các vua Trần, có Trần Thủ Độ, có Trần Thị Dung, đất Thái Bình là hậu phương vững chắc, trận tuyến quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên, thế kỷ XIII. Thời Lê có các nhân tài Quách Đình Bảo, Quách Hữu Nghiêm, Bùi Sỹ Tiem, Lê Qúy Đôn. Thời cận đại có Ngô Quang Bích, Bùi Viện, Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm… đều là những danh nhân kiệt liệt.

Thái Bình còn bảo lưu các bộ môn nghệ thuật truyền thống như: Chèo làng Khuốc (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng), múa rối nước làng Nguyễn (xã Nguyên Xá) và làng Đống (xã Đông Các, huyện Đông Hưng), cùng các trò chơi điệu múa dân gian đặc sắc. Thái Bình cũng là tỉnh còn lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống với nội dung phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.

Một bên phù điêu thể hiện nội dung: trong thời kỳ cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã lập nhiều thành tích xuất sắc. Với cuộc biểu tình nông dân Tiên – Duyên – Hưng 01/05/1930 và cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải 14/10/1930, phong trào cách mạng Thái Bình được Xứ ủy Bắc Kỳ đánh giá là nơi có phong trào “mạnh nhất ở Bắc Kỳ lúc bấy giờ”. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, Thái Bình luôn là kho người, kho của, một hậu phương vững chắc, góp sức cùng cả nước chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Những làng kháng chiến nổi tiếng như: Nguyên Xá, Thần Huống, Tán Thuật… đã lập những chiến công vẻ vang, được Bác Hồ tặng cờ “Nguyên Xá làng kiểu mẫu” và cờ “Quân dân một lòng tiêu diệt quân địch”. Thời chống mỹ, Thái Bình là “quê hương 5 tấn” với phong trào “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, “sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi”. Những người con ưu tú của que hương Thái Bình như Nguyễn Thị Chiên - Nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên, Hoàng Văn Thái  - Người cắm cờ trên đồn Phe Khắt, Na Ngần 22/12/1944, Tạ Quốc Luật – Người cắm cờ trên dinh Độc Lập trong đại thắng mùa xuân năm 1975, anh hùng quân đội Phạm Tuân – Phi công xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ - Người bay vào vũ trụ chinh phục các vì sao… đã chứng minh rằng: ở bất kỳ thời điểm nào Thái Bình cũng có những anh hùng hào kiệt, góp phần tô đậm các mốc son lịch sử dân tộc.

Trong không gian diện tích trưng bày tầng II, Bảo tàng Thái Bình trưng bày giới thiệu lịch sử mảnh đất con người, đời sống văn hóa và truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của người dân Thái Bình trước khi có Đảng.

Với giải pháp trưng bày theo chuyên đề và tổ hợp hình ảnh tài liệu hiện vật của khảo cổ học, địa chất học cùng các tài liệu hiện vật đã sưu tầm trên đất Thái Bình qua các thời kỳ lịch sử sẽ giúp quý khách hình dung được quá trình hình thành các vùng đất đai và sự du nhập của các luồng cư dân đến khai khẩn đất hoang lập nên xóm ấp. Vùng đất cổ phía Tây Bắc Thái Bình được hình thành khá sớm cách đây khoảng 2.500 năm lịch sử với các hiện vật minh chứng như các mảnh gốm phong cách Đường Cồ, Trống đồng và một mảnh khuôn đúc trống đồng phong cách Đông Sơn, mũi tên đồng mang phong cách Cổ Loa.

Các hiện vật tại di chỉ và trong mộ táng, những viên gạch hoa văn ô trám lồng, mô hình nhà, mô hình trang trại, nhĩ bôi, bát đĩa có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ III là những hiện vật minh chứng cho sự quần cư của cư dân cổ Thái Bình. Các vùng đất khác trong quá trình biển tiến, nhân dân lấn biển lập làng, đặc biệt là Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ chiêu dân mộ binh khẩn hoang lập nên vùng đất Tiền Châu năm 1828, tiền thân của huyện Tiền Hải ngày nay. Nhân dân Thái Bình có truyền thống đấu tranh dũng cảm chế ngự thiên nhiên, cần cù lao động sản xuất đã được khắc họa bằng các công cuộc trị thủy khẩn hoang tất yếu và bền bỉ, các kinh nghiệm trồng lúa nước vốn được đúc kết từ cả một bề dày lịch sử, các nghề thủ công truyền thống.

Bằng các tổ hợp hình tượng trưng bày kết hợp với cả phương tiện nghe nhìn minh họa, quý khách sẽ được xem cảnh chiếu chèo sân đình với các kịch bản, tích chèo kinh điển; xem nhà thủy đình với các tích trò quân rối tiêu biểu của làng Nguyễn (Nguyên Xá), và làng Đống (xã Đông Các, huyện Đông Hưng) đã từng biểu diễn để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả trong và ngoài nước. Nghệ thuật chèo và múa rối nước là niềm tự hào của người Thái Bình.

Ngoài 2 loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu, quý khách cũng được chiêm ngưỡng Ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng (Niên đại: Thế kỷ XVII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thái Bình) được công nhận là Bảo vật quốc gia. Ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh trong tổng giá trị của di tích quốc gia miếu Hai Thôn. Được tồn tại đến ngày nay với lớp sơn son thếp vàng tương đối nguyên vẹn và các kỹ thuật chạm trổ, đề tài trang trí trên ngai đã khẳng định vào thời Lê các làng nghề thủ công truyền thống như sơn thếp, điêu khắc đã phát triển rực rỡ và trường tồn trong suốt chiều dài lịch sử của các triều đại phong kiến Việt Nam từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Cùng với những tài liệu hiện vật, hình ảnh, những công trình điêu khắc có giá trị như Chùa Keo, đình An Cố, đền Đồng Bằng, đền Đồng Sâm, đền Tiên La, miếu Hai Thôn… gắn với nhiều lễ hội dân gian truyền thống, với nội dung hình thức phong phú đậm đà bản sắc dân tộc. Được tìm hiểu nền văn hóa, văn hiến các tỉnh nhà với các làng khoa bảng cùng hơn 100 gương mặt đại khoa, trong số các nhà khoa bảng Việt Nam nói chung và Thái Bình nói riêng có thể kể đến Bảng nhãn Lê Qúy Đôn (quê xã Độc Lập, huyện Hưng Hà đã được tôn vinh là Nhà bác học thời phong kiến Việt Nam.

Nhiều tài liệu, hiện vật, hình ảnh quý đã nêu bật các chặng đường lịch sử, các mốc son quan trọng tiêu biểu trong chiến đấu và sản xuất của quân dân Thái Bình.

Tầng III của Bảo tàng trưng bày truyền thống cách mạng Thái Bình từ khi có Đảng lãnh đạo. Bằng các tài liệu hình ảnh, hiện vật minh họa sẽ làm sáng tỏ các mốc son lịch sử trong chủ đề này. Những người con ưu tú tiêu biểu như Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Năng, Bùi Hữu Diên… cùng các sự kiện của cuộc biểu tình nông dân Tiên – Duyên – Hưng (01/5/1930) và nông dân Tiền Hải (14/10/1930) đã góp phần để Xứ ủy đánh giá Thái bình là tỉnh có phong trào “mạnh nhất Bắc Kỳ lúc bấy giờ”…

Trong kháng chiến chống Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã cùng bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực đánh địch 6.391 trận, tiêu diệt 16.806 tên, làm bị thương 8.011 tên, bắt ống 4.760 tên, gọi hàng 11.430 tên, phá hủy 430 xe cớ giới, 2 máy bay, 4 cano, 119 đại bác, thu hàng ngàn súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng khác. Với thành tích như vậy, Thái Bình vinh dự được Hồ Chủ Tịch và Chính phủ tặng: Huân chương Độc lập hạng nhất về thành tích kiến quốc chuẩn bị kháng chiến, nhất là thành tích về thanh toán nạn mù chữ. Được Bác Hồ thêu 8 chữ Vàng “Quân dân một lòng têu diệt quân địch”. Làng kháng chiến Nguyên Xá, huyện Đông Hưng được Bác Hồ tặng cờ “Nguyên Xá làng kiểu mẫu”. Làng kháng chiến Tán Thuật, huyện Kiến Xương có Nguyễn Thị Chiên được phong là Nữ anh hùng lực lượng vũ trang đầu tiên trong toàn quốc…

Trong kháng chiến chống Mỹ, Thái Bình là “quê hương 5 tấn” sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, băn rơi 4 máy bay Mỹ, thực hiện tốt khẩu hiệu “Thóc thừa cân, quân vượt mức’, nhiều tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…

Trong những năm đổi mới, những thành tựu kinh tế văn hóa xã hội của tỉnh cũng không ngừng phát triển và tăng trưởng, những khu công nghiệp lớn được mở mang, đời sống cán bộ nhân dân ngày càng ổn định và phát triển.

Tại không gian trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Thái Bình trưng bày các hiện vật có hình khối lớn gắn với những sự kiện và nhân vật lịch sử tiêu biểu của tỉnh trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc như: Máy bay Mic 21 do đồng chí Phạm Tuân - Anh hùng lực lượng vũ trang đã từng bắn rơi máy bay B52 của Mỹ, xe tăng 843 do đồng chí Bùi Quang Thận chỉ huy và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử …

Với hàng ngàn tài liệu hiện vật quý cùng giải pháp trưng bày mỹ thuật đẹp, các phòng trưng bày đã nêu bật các chặng đường lịch sử, các mốc son quan trọng tiêu biểu trong chiến đấu và sản xuất của quân dân Thái Bình. Qua đó, giáo dục lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ, góp phần đắc lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của quê hương Thái Bình trong sự nghiệp đổi mới đất nước./


Tác giả: Trần Thanh Phương
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.784
Hôm qua : 20.781
Tháng 09 : 370.683
Năm 2024 : 3.867.941