A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống: Đưa chèo trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - kỳ 4

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu: Phối hợp hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nghệ thuật hát chèo (đồng bằng sông Hồng) là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thực hiện mục tiêu này, một số phần việc đã được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nỗ lực triển khai để sớm hoàn thành.

Vở chèo “U vẫn đợi con về” xoay quanh hình tượng những người mẹ vẫn đêm ngày mong ngóng chờ đợi con dù trong thời chiến hay thời bình. Ảnh tư liệu.

Giữ mãi tình yêu chèo
Là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian của người Việt, phát triển mạnh và phổ biến ở đồng bằng sông Hồng cùng hai khu vực lan tỏa là trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, chèo mang tính quần chúng và thường gắn với các lễ hội dân gian nhằm tạ ơn thần thánh phù hộ cho vụ mùa bội thu, dân làng no ấm và để những người nông dân thường ngày chân lấm tay bùn có thể giao lưu, cất lên tiếng lòng của mình. Những làn điệu chèo thường sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài từ thế kỷ X đến nay, nghệ thuật chèo đã đi sâu vào đời sống văn hóa, xã hội, miêu tả cuộc sống bình dị của người nông dân, ca ngợi những phẩm chất cao quý của con người; bên cạnh đó cũng có những vở chèo mang tính hài hước, phê phán những thói hư, tật xấu, chống lại bất công, thể hiện tình yêu thương, lòng bao dung, sự tha thứ. Ca dao có câu “Chẳng thèm ăn chả, ăn nem/Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo”.

Nằm bình lặng giữa phố phường tấp nập, căn nhà nhỏ của NSND Văn Mởn, NSND Thúy Hiền là nơi gặp gỡ của những người yêu chèo. Trang trọng giữa phòng khách là tấm poster quảng cáo buổi biểu diễn vở chèo “Quan Âm Thị Kính” tại Nhật Bản năm 1995 với sự góp mặt của NSND Thúy Hiền. Chia sẻ về những năm tháng thăng hoa cùng nghệ thuật, ông bà hồ hởi: Không chỉ biểu diễn ở Nhật Bản mà chèo Thái Bình đã đến với nhiều nước châu Âu. Cho đến bây giờ, nhiều kiều bào vẫn thường xuyên liên hệ, chia sẻ với các nghệ sĩ qua mạng xã hội về nỗi nhớ quê, nhớ những làn điệu chèo ngọt ngào, tha thiết. Vài năm trước đã có những kiều bào bay nửa vòng trái đất trở về quê hương chỉ để được chung tay tổ chức những buổi giao lưu giữa những người yêu chèo, để được cùng cất lên những làn điệu đã gắn bó với cả một thời tuổi thơ.

Nhắc tới cái nôi của nghệ thuật chèo sân đình Bắc Bộ, không thể không nhắc đến làng Khuốc, xã Phong Châu (Đông Hưng). Trải qua thăng trầm của thời gian, đến nay làng Khuốc còn lưu giữ những làn điệu chèo cổ cùng các tích chèo quý. Vì thế, chiếu chèo làng Khuốc đã có thời nổi danh nức tiếng trong và ngoài tỉnh, con em trong làng theo chân các gánh hát đi diễn khắp nơi. Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Ro chia sẻ: Sinh ra và lớn lên ở quê chèo làng Khuốc, các cụ giao lại cho tôi những làn điệu chèo cổ, những tích chèo hay, độc đáo. Chèo làng Khuốc có rất nhiều bí quyết về hát, múa cho nên tôi muốn gìn giữ bằng cách truyền dạy lại không chỉ cho con em làng Khuốc mà cho tất cả những ai muốn học hỏi.

Là con của một cố nghệ nhân, cũng là người dân làng Khuốc, bà Cao Hồng Bấc, chủ nhiệm câu lạc bộ chèo truyền thống xã Phong Châu cho biết: Trước đây bận mải công tác, tôi không có nhiều thời gian tham gia câu lạc bộ. Vài năm gần đây, tôi xin với địa phương được tự nguyện góp công, góp của truyền dạy nghệ thuật chèo cho con cháu xã Phong Châu và xã bạn. 3 lớp 3 năm, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đông Hưng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tạo điều kiện hỗ trợ một phần kinh phí, đồng thời cho giảng viên về hỗ trợ lớp học, tạo điều kiện để tổ chức lớp tại khuôn viên nhà thờ tổ chèo.

Truyền dạy bảo tồn di sản nghệ thuật Chèo làng Khuốc, xã Phong Châu, huyện Đông Hưng. Ảnh tư liệu

Đưa chèo trở thành niềm tự hào chung của những người con đất Việt
Bước vào thời kỳ đổi mới, sân khấu nghệ thuật dân tộc nói chung, sân khấu chèo chuyên nghiệp nói riêng gặp nhiều khó khăn trước sự đổ bộ của rất nhiều loại hình giải trí. Các chiếng chèo ngày càng bị co hẹp lại và không còn biểu diễn thường xuyên. Trước tình hình đó, tỉnh Thái Bình đã chú trọng phát triển phong trào hát chèo, diễn chèo trong quần chúng thông qua việc khuyến khích thành lập các tổ, đội, nhóm, câu lạc bộ chèo ở cơ sở. Ngoài việc trình diễn các vở chèo truyền thống, các câu lạc bộ đã sáng tác, sử dụng những bài hát chèo lời mới, ca cảnh, hoạt cảnh, những vở chèo ngắn mang hơi thở thời đại, phản ánh bối cảnh của đất nước cũng như các mối quan hệ xã hội. Bên cạnh đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với cộng đồng, các nghệ nhân chèo đã nỗ lực tổ chức nhiều cuộc thi, hội thi chèo với sự tham gia của đông đảo các câu lạc bộ chèo.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: Việc xây dựng hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đệ trình UNESCO công nhận nghệ thuật hát chèo (đồng bằng sông Hồng) là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là việc làm rất cần thiết và cấp bách. Công tác xây dựng hồ sơ là một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu thực trạng, sự trao truyền di sản, giá trị và chức năng di sản đối với cộng đồng. Sự quan tâm của nhà nước, của các cấp chính quyền, ngành Văn hóa và sự tham gia tích cực của nhân dân trong hát, diễn, bảo lưu nghệ thuật chèo là yếu tố quyết định để chèo được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nỗ lực tăng cường các hoạt động tập luyện, dàn dựng các vở chèo, tổ chức truyền dạy sẽ làm giảm thiểu nguy cơ mai một, bảo đảm sức sống lâu dài cho chèo. Tất cả những động thái này là cần thiết để bảo vệ và phát huy một loại hình nghệ thuật sân khấu mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt ở đồng bằng sông Hồng.
Với mục tiêu đến hết năm 2024 sẽ hoàn thành việc xây dựng hồ sơ nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng đệ trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cùng với các cấp, các ngành, sự chung tay góp sức của mỗi người dân là việc làm cần thiết để bảo vệ và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống - niềm tự hào đã được các thế hệ cha ông trao truyền và tiếp nối từ thế kỷ X tới nay./.


Tác giả: Tú Anh
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.565
Hôm qua : 20.781
Tháng 09 : 370.464
Năm 2024 : 3.867.722