Các tổ nghề ca công được thờ ở Thái Bình
Tục thờ tổ nghề có nguồn gốc từ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ ơn người trồng cây” của người Việt Nam. Các tổ nghề được thờ ở các làng xã trong tỉnh không chỉ là những nghề cao sang mà ngay cả những nghề được coi là "thấp hèn" nhưng nhờ nghề đó mà làng có lúa tốt, có đời sống no đủ. Trong các tổ nghề được thờ ở Thái Bình có cả những ca công, ngày nay được các nhà nghiên cứu nghệ thuật suy tôn là tổ nghề.
Tác phẩm: Chiếng chèo làng Khuốc - Ảnh đẹp du lịch Thái Bình
Đào Văn Só, Đặng Hồng Lân
Đào Văn Só quê ở châu Đằng, từ khi còn nhỏ đã biết múa, biết hát, ai làm việc gì ông cũng có thể bắt chước như hệt, được giới nghiên cứu nghệ thuật xác định là một trong 7 tổ nghề ca công. Đào Văn Só sống cùng thời với Đặng Hồng Lân, quê châu Đặng, chuyên dạy các điệu hát chèo. Theo GS. Hà Văn Cầu thì Đào Văn Só quê ở vùng Hưng Hà, Đông Hưng; còn Đặng Hồng Lân quê ở huyện Kiến Xương - hai vùng đất xưa thuộc châu Đằng và châu Đặng. Theo truyền thuyết thì Đặng Hồng Lân chuyên dạy hát chèo, còn Đào Văn Só chuyên dạy múa. Khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, vời hai ông vào cung dạy múa hát cho các cung tần, mỹ nữ. Ở trong cung đình một thời gian, phần vì nhớ cảnh thôn dã, đồng quê, phần vì chưa vừa lòng về trình độ của mình, hai ông đã vượt biển xin về quê giao du để học thêm nghề từ trong dân gian. Khi trở về thuyền bị đắm, các ông đều mất tích ngoài khơi. Các nghệ nhân phường hát đã lấy gỗ thị tạc tượng hai ông để thờ. Vì thế các phường hát xưa có tục kiêng không mang quả thị bên người và cũng không sắm quả thị làm lễ cúng tổ. Hàng năm vào ngày hai ông mất (12 tháng 8 Âm lịch), các phường hát lại làm lễ tế tổ.
Đào Nương - thành hoàng làng Hoàng Quan
Làng Hoàng Quan còn gọi là làng Vàng, thời Lý Trần thuộc huyện Tây Quan, thời Lê thuộc huyện Đông Quan, phủ Thái Bình, nay thuộc xã Đông Phương, huyện Đông Hưng.
Làng Hoàng Quan thờ bà Đào hoặc Đào Nương. Sau khi bà được phong là Thượng đẳng thần thì dân thường gọi bà là Bà Thượng.
Chuyện về bà được dân làng Hoàng Quan kể: Làng Vàng thời bà Đào về còn nhiều ruộng hoang hoá, bà đã khuyên dân khai hoang mở rộng đồng ruộng, bà lại hô hào dân đào hai con sông nhỏ dẫn nước vào đồng... Lúc không phải mùa vụ, bà dạy dân hát chèo, hát ả đào. Một lần quan quân triều đình về định đóng tại làng nhưng vì chỗ đóng quân chật hẹp nên chỉ dừng lại nghỉ ngơi rồi đi. Bà Đào đã vào hát trong quân, khích lệ quân sĩ đánh giặc. Một hôm bà lội xuống giếng rồi “biến mất”, dân đến chỉ còn thấy chữ bà ghi lại trên thành giếng:
“Vũ mao biến hoá nguyệt trung thiên
Phảng phất nghê đình phi ngọc điện”
(Nghĩa là người con gái đẹp đã về chốn cung trăng ở giữa trời. Điệu múa tiếng ca tiếng nhạc chỉ còn thấy ở nơi thờ cúng). Hôm đó là ngày 15 tháng tư. Sau khi bà mất, bà đã hiển linh nên dân làng lập đền thờ và tôn bà làm thành hoàng. Các triều sau đều có sắc phong thần, gọi bà là “Cầm bà thi nữ” ([1]), phong bà là Thượng đẳng thần.
Từ ngày dân lập đền thờ, hàng năm dân làng Hoàng Quan thường mở hội từ ngày mồng 10 đến 20 tháng 4. Hội lễ bao giờ cũng có hát chèo, hát ca trù, riêng tối ngày 15/ 4 các gánh hát, các cô đào đều phải về lễ, lễ xong thì hát, diễn. Trước ngày đó khi được giao vai diễn, nghệ nhân phải vào lễ thánh, nếu được thánh ưng chuẩn (bằng cách xin âm dương) mới được nhập vai, được diễn. Các gánh hát trước khi vào diễn thường phải xướng bốn câu:
Thanh Thanh văn vật đất Hoàng Quan
Người thì đã đẹp, cảnh lại thanh
Người đã đẹp, đẹp thêm thanh sắc
Ba miếu hai đình phụng sự tối anh linh
(Từ lâu Hoàng Quan đã là đất ca hát, làng từng có gánh hát đi diễn ở khắp nơi như gánh hát chèo của chánh hội Nho (Trịnh Công Nho), Nguyễn Như Đỗi, Nguyễn Hữu Còm. Người hát nhà tơ (ả đào) nổi tiếng vừa hát hay, người lại đẹp có bà Hoàng Thị Nhân, từng đi hát tứ xứ. Sau ngày miền Bắc giải phóng (1955) gánh hát của cụ Tư Vang còn đi diễn ở Hải Phòng).
Tại làng Hoàng Quan từ nhiều đời này, đền bà Đào, dân vẫn hương khói, phụng thờ, vẫn hát chèo, hát ca trù để tưởng nhớ về một tổ nghề, một vị thần của làng. Đây là nếp sống đẹp của dân Hoàng Quan.
Miếu Nhà trò
Thôn Đầm Sen, xã Thụy Dũng, huyện Thái Thụy có đền thờ một trong bảy tổ nghề ca công, bà Đào Nương. Dân trong vùng thường gọi "Miếu nhà trò".
Tương truyền: vào thời Lý, vua Lý cho đắp đê sông Hóa ở vùng đất thuộc xã Thụy Dũng ngày nay, đê đắp chưa xong lại bị vỡ. Bấy giờ có người nói rằng phải có một người con gái đẹp cúng "Thần Hà Bá" mới đắp được quãng đê này. Nghe nói vậy, các chức dịch trong làng mời một gánh hát về hát tại khúc sông đó, đang hát thì rạp bị đổ, nhiều đào, kép hát bị chết, trong đó có một cô đào trẻ, đẹp, hát rất hay.
Sau ngày mất, bà Đào đã linh ứng phù giúp dân đắp được đê, mùa vụ tươi tốt… Dân nhớ công ơn lập đền thờ. Trong các dịp tế lễ hàng năm, văn tế có câu: "Mảnh tương vàng Quản giáp đại vương" và bao giờ cũng có hát chầu văn, hát ca trù, hát chèo… Vì thế người Thái Thụy đã biết hát chèo từ thời Lý. Trước cách mạng tháng 8-1945, Thái Thụy đã có nhiều gánh chèo nổi tiếng.
Một chuyện khác lại kể:
Khi hạp long đê biển sông Hóa, đoạn gần âu thuyền Phương Man (nay là cống Phương Man), nước sông chảy xiết vào đồng, cứ lấp đất gần khép cửa lại bị dòng nước đánh bung. Để động viên dân phu vất vả, quan Hà đê sứ cho lập một chòi bên sông, mời vị nữ ả đào hát hay nhất của hương Thái Bình đến đàn hát, động viên lao động công trường. Không ngờ dòng chảy quá mạnh, lần nữa đoạn đê lại vỡ bung… thác nước cuốn băng cả chòi “ca nhi”, nữ ca nhi bị chết. Thương tiếc và cảm kích trước sự hy sinh của nữ ca nhi, dân công và quan Hà Đê sứ hạ quyết tâm phải hàn khẩu đê trước mùa mưa lũ năm ấy. Rồi việc đại sự cũng thành. Để tưởng nhớ người con gái đào hoa hy sinh vì nghĩa lớn, dân Thái Bình đưa linh cữu đào nương về an táng chỗ chòi “ca nhi” cũ bên đê. Quan Hà đê sứ xin trích ngân khố xây ngôi miếu nhỏ, đền ơn nàng Ả Đào bỏ mình vì dân vì nước. Triều đình cũng có sắc phong thần với mĩ tự “Càn bà quản giáp đại vương”./.
[1] Sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755)