Chơi với Động Trung...
Làng Động Trung, nay thuộc hai xã Vũ Quý và Vũ Trung, huyện Kiến Xương. Là nơi đặt phủ lỵ Kiến Xương, có phố chợ Phủ Sóc, lại có địa thế “nhất cận thị, nhị cận giang” nên Động Trung sớm trở thành một làng buôn, làng đa nghề nổi tiếng. Do buôn bán và làm nghề thủ công mà dân Động Trung thường năng động, khôn ngoan, giảo hoạt hơn so với các làng thuần nông. Dân gian từng lưu truyền: “Trai khôn Phủ Sóc/Gái giòn Cọi Khê”, “Trai làng Ngái/Gái Động Trung”, “Chơi với Động Trung mất cả vung lẫn nồi”, “Chơi với Phủ Sóc thì khóc mà về”...
Đường vào chợ Sóc, xã Vũ Quý (Kiến Xương).
Theo trục đường 458 từ thành phố Thái Bình xuống huyện Tiền Hải qua Phủ Sóc vào ki-lô-mét số 7, trải dài hơn 1km, xưa kia là phố Phủ Sóc cận kề với sông Kiến Giang chảy qua. Từ cổ xưa, nơi đây trên bến dưới thuyền. Các thuyền buôn nước mắm từ Nghệ An, thuyền chở chum vại, tiểu sành, nồi niêu, ấm đất... từ Thanh Hóa ra bán ở chợ Sóc. Các bè gỗ, luồng, nứa, bương, vầu... từ Thanh Nghệ ngược ra, từ các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc xuôi về.
Vào thời Nguyễn, Phủ Sóc là một phố phủ sầm uất, có nhiều nhà tầng. Chủ nhân của những ngôi nhà cao tầng đó là những nhà buôn ở các tỉnh Bắc Ninh, Hà Đông, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng... tới. Có cả một số Hoa Kiều ở Quảng Đông, Phúc Kiến đến mở hiệu thuốc bắc và buôn bán vải vóc. Các cửa hàng, cửa hiệu san sát ở hai bên phố bán buôn, bán lẻ các mặt hàng vải, tơ lụa, thuốc bắc, tạp hóa, đường, rượu, hàng đồ gỗ đóng bàn ghế, giường tủ, xưởng làm guốc mộc... Một dãy phố là các lò rèn nổi tiếng từ xưa.
Thời thuộc Pháp, Phủ Sóc có nhà Séc, có sân vận động, nhà trí thể dục lớn vào bậc nhất tỉnh. Trường kiêm bị Pháp - Việt đào tạo từ lớp đồng ấu đến lớp đệ tứ được xây dựng từ năm 1923, có học sinh từ các phủ huyện về theo học. Xa xưa, học đường của huyện cũng được đặt trong khuôn viên của văn từ hàng huyện tại đây...
Từ thuở Cần Vương chống Pháp (nửa sau thế kỷ XIX) đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Động Trung là một địa chỉ văn hóa, yêu nước, cách mạng có sức thu hút nhiều chính khách, danh sĩ, thương gia, nhà hoạt động xã hội trong, ngoài nước tìm về hội tụ. Các nhà khoa bảng đồng thời là nhà yêu nước có danh vọng ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ như Đình Nguyên Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích (1832 - 1890), Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862 - 1929), Giải nguyên Phan Bội Châu (1867 - 1940)... từng lưu dấu ấn ở đất này. Chính vậy, Động Trung đã sớm xuất hiện những bậc tiền bối cách mạng như Nguyễn Công Thu (1894 - 1976), là người Thái Bình đầu tiên tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Danh Đới (1905 - 1943), là Bí thư Kỳ bộ Bắc Kỳ của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Cũng chính từ mạch nguồn đó mà trên các chặng đường cách mạng từ năm 1930 đến nay, khá nhiều người Động Trung đã trở thành cán bộ quản lý ở các bộ, ban, ngành hoặc là cán bộ chủ chốt của các tỉnh, thành phố, tướng lĩnh các lực lượng vũ trang, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, doanh nhân thành danh...
Dân làng Động Trung vốn được dân quanh vùng cho là năng động, khéo tay hay mắt. Là phố phủ, một làng buôn, làng đa nghề và sự đa nghề đã được biểu hiện ở nhiều hộ dân trong làng, tuy đa số vẫn là “dĩ nông vi bản”. Cho đến nay, nhiều người dân trong xã, ngoài làng còn truyền tụng về nhiều gia đình trong làng đa nghề. Một trong những điển hình là gia đình cụ Nguyễn Văn Thế ở trại Đồng Xơ. Ngày nay, thuốc tây, thuốc bắc có nhiều nhưng mỗi khi trái gió trở trời, người cao tuổi đau mình mẩy hoặc trẻ nhỏ chảy máu chân răng, viêm tai... một số người cao tuổi còn nhắc tới thuốc phong, thuốc cam của cụ lang Thế xưa từng được người khắp vùng tìm đến mua. Mặc dù có nghề làm thuốc nhưng gia đình cụ lang Thế không chuyên sống bằng nghề thuốc mà vẫn làm nông nghiệp là chính. Cụ bà người họ Đặng, ngoài cấy ruộng thì dệt vải. Do tinh ý, khéo tay, cụ Thế giỏi chế tác các loại đăng, đó, vó, lờ để đánh bắt cá. Kẻ xa, người gần thường tìm đến đặt làm. Cụ Thế lại khá thạo về gò hàn. Tự tay cụ đã gò ra những chiếc khay, chiếc chảo nhôm dùng trong gia đình hoặc biếu tặng người thân. Nhà có khung dệt, cụ bà dệt vải khổ hẹp, cụ ông mua nâu, mua phẩm về nhuộm và tự cắt may quần áo cho gia đình. Lúc rảnh rỗi cụ bện chổi lúa, bện thừng, chão đay, nhà dùng không hết đem bán. Riêng về chế biến các món ăn thì cụ Thế nổi tiếng trong làng như làm nước mắm, làm tương, chả cá măng, chả ngóe, chuột luộc ép lá chanh, mứt khoai lang, kẹo mạch nha... Những gia đình trong làng, ngoài xã có việc hỷ, việc hiếu thường mời cụ đến làm thợ cỗ để chế biến hàng chục mâm cỗ.
Thuở trước, “lụa Bộ La, là Sóc, đũi Ngọc Đường” là những sản phẩm đặc sắc được chế biến từ tơ tằm, không chỉ người Thái Bình truyền tụng mà còn được nhiều người sành dùng hàng tơ tằm trong và ngoài nước ưa dùng. Là khác lụa ở chỗ dùng tơ nõn để dệt, có nống dọc cách một “kẽ khổ”, còn lụa thì dệt phẳng đều.
Từ thời thuộc Pháp đến những năm 1950, ngoài nghề dệt là, ở Động Trung còn nghề dệt vải khổ hẹp. Đây là một nghề có nguồn thu nhập khá quan trọng trong đời sống của đa phần cư dân trong làng. Phần đông các gia đình có khung cửi trong nhà. Vào thời điểm thịnh đạt, làng có từ 400 - 450 khung cửi dệt vải hẹp. Có gia đình dệt đến 4 khung. Phụ nữ, trẻ em, người già đều có thể tham gia vào việc dệt vải với các công đoạn khác nhau.
Nghề rèn ở Động Trung được hình thành và phát triển lâu đời. Tương truyền, phố thợ rèn được hình thành từ khi có phố phủ Sóc. Hiệp thợ rèn của họ Trần nổi tiếng nhất làng hành nghề cùng những hiệp thợ khác của các họ Đỗ, Lại, Đoàn, Đào... Một số hiệp thợ rèn của làng Động Trung đã đến mở lò rèn ở các chợ lớn trong tỉnh như chợ Nê, chợ Gốc (Kiến Xương), chợ Huyện, chợ Mèn (Tiền Hải), chợ Cọi, chợ Bồng (Vũ Thư)... Nghề rèn làng Động Trung xưa ngoài sản xuất các đồ gia dụng và dụng cụ nhà nông như mai, xẻng, cuốc, liềm, hái... còn nổi tiếng với một số “hàng độc” như kéo cắt vải của thợ may, cưa, khoan, bào, đục, vụm, chàng của thợ mộc, dao thái thuốc lào... nhiều nơi phải tìm về đặt hàng.
Họ Phạm trong làng nổi danh với nghề mộc. Các hiệp thợ thuộc dòng họ này từng tham gia làm các đình, đền lớn trong vùng. Một số hiệp thợ mộc thuộc dòng họ Nguyễn, họ Đàm, họ Đặng ở Động Trung lại chuyên làm những nếp nhà gỗ xoan với rui mè tre luồng bằng những kỹ nghệ riêng, hoặc chuyên đóng bàn, ghế, giường, tủ, chạn bát, hoặc chuyên làm những công cụ sản xuất như cày, bừa, guồng nước, khung cửi...
Họ Ngô nổi tiếng với nghề nề. Phần lớn các nhà kiên cố trong vùng, các lăng mộ, đình chùa đều do thợ nề họ Ngô làng này xây dựng. Các hiệp thợ xây của làng thường ra ngoài tỉnh hành nghề, vào mùa gặt hoặc khi giỗ, tết mới về quê.
Nghề đúc đồng ở Động Trung khá nổi tiếng. Từ việc đúc đồ đồng gia dụng như mâm, nồi, xanh, chảo đến các mặt hàng cao cấp như chuông, đỉnh, lư hương, hạc thờ... Tập trung nhiều thợ đúc đồng là người trong dòng họ Lê, họ Phạm và một vài họ khác. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng chất liệu đồng đúc của làng Động Trung hiện vẫn còn ở một số từ đường, đền miếu trong và ngoài tỉnh.
Nghề chạm khắc gỗ ở Động Trung cũng có nhiều thợ giỏi. Thời trước, sản phẩm chạm khắc của làng Động Trung là hoành phi, câu đối, tượng Phật, đồ thờ. Ở phố chợ Sóc có những cửa hiệu của người làng chuyên nhận làm những mặt hàng này cho khách hàng các nơi về đặt. Nghề thợ may ở Động Trung cũng là một nghề khá phát đạt nhiều thời. Họ Nguyễn Đình và họ Bùi Quang là hai họ có nghề này truyền đời với nhiều thợ giỏi.
Ngoài ra, làng Động Trung còn có các hộ dân chuyên làm những nghề mang tính gia truyền để bán vào những ngày chợ phiên như hàng mây tre đan, hàng chế biến từ đay, gai, đóng cối xay, cối giã, chế biến lương thực, thực phẩm. Giò, chả Động Trung là sản phẩm có tiếng trong vùng. Truyền thần là nghề gia truyền của họ Đặng. Làm hàng mã là nghề gia truyền của họ Trần. Trước năm 1945, đã có nghệ nhân làm hàng mã ở Động Trung đi thi và được giải tại nhà Đấu Xảo ở Hà Nội.
Từ sau năm 1954, một số nghề thủ công truyền thống của làng Động Trung bị mai một. Nghề dệt là, dệt vải không phục hồi được. Nghề đúc đồng một thời bị cấm đoán. Những nghệ nhân đúc đồng cao tuổi lần lượt qua đời. Riêng các nghề rèn, mộc, nề, thợ may tiếp tục phát triển. Một số nghề mới được du nhập, có nghề thu hút khá đông lao động trong làng như khâu nón lá, dệt thảm, thêu ren... Những năm 1960 - 1975, các HTX thủ công nghiệp đã thu hút các loại thợ rèn, thợ mộc, thợ may, thảm len... chuyên gia công các mặt hàng theo kế hoạch được giao.
Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, tính năng động, nhạy bén của một làng nghề như làng Động Trung đã sớm thức dậy. Hiện tại, trong làng có một số doanh nghiệp may, thêu, móc túi xuất khẩu đã hình thành và đứng vững. Nhiều nghề mới du nhập như dịch vụ cơ khí, hàn xì kim loại, sửa chữa ô tô, xe máy, chế biến nông sản... cũng đã thu hút khá nhiều lao động, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Các cửa hàng kinh doanh ở phố Phủ Sóc ngày càng sầm uất hơn. Diện mạo của một thị trấn cổ, mang trong mình những tố chất truyền thống văn hiến, văn vật từ huyết mạch của một phủ lỵ, một làng buôn, làng đa nghề đang ngày thêm khởi sắc./.