A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đam mê, sáng tạo thúc đẩy nghệ thuật sân khấu phát triển

Năm 2024, song song với hoạt động dàn dựng chương trình nghệ thuật mới, phục dựng vở, trích đoạn chèo cổ đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng trong và ngoài tỉnh, Nhà hát Chèo Thái Bình từng bước số hóa việc bảo lưu, lan tỏa nghệ thuật. Từ niềm đam mê, sáng tạo trong hoạt động của các nghệ sĩ, ngày càng có nhiều sản phẩm chất lượng ra mắt công chúng. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các thế hệ sau được tiếp cận, nghiên cứu và gìn giữ nghệ thuật lâu bền.

Chương trình ca múa nhạc “Về miền lúa hát” của Nhà hát Chèo Thái Bình hướng tới liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2024.

Truyền nghề - học nghề trên sân khấu lớn 

Từ đầu năm đến nay, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Thái Bình đã tổ chức hơn 60 buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ khán giả trong và ngoài tỉnh. Để chương trình đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đặc biệt trong các chương trình lễ hội truyền thống tại địa phương, Nhà hát chú trọng biểu diễn nhiều vở chèo cổ, đưa nghệ thuật chèo đến gần với khán giả như các vở “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Duyên phận Ba Đào”, “Quan Âm Thị Kính”, “Nỗi đau lòng mẹ”... Ngoài ra còn có các trích đoạn chèo cổ và các giá hát chầu văn. Đây đều là những vở chèo nổi tiếng, được Nhà hát thường xuyên quan tâm phục dựng. Trong đó, với phương châm bảo tồn nghệ thuật truyền thống bằng con người, Nhà hát huy động sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ, diễn viên trẻ đối với các vở, trích đoạn chèo cổ. 

Là diễn viên trẻ được tin tưởng giao đảm nhận vai chính Thị Kính trong vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính”, chị Lê Thị Hồng Vân (đoàn 1) cho biết: Nhiều năm qua, Nhà hát luôn tạo điều kiện cho các diễn viên trẻ được tập luyện, tham gia các cuộc thi tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc, liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc, liên hoan chèo... Từ việc được Nhà hát tạo điều kiện phát triển chuyên môn, tôi đã giành 1 huy chương vàng cuộc thi tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc và một số giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan. Tôi nhận thấy thuận lợi nhất của chúng tôi hiện nay là được đứng chung sân khấu với các NSND, NSƯT đã có nhiều năm kinh nghiệm. Đồng thời, chúng tôi được các nghệ sĩ trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, đồng hành từ khâu tiếp nhận kịch bản đến từng điệu bộ, cử chỉ, lời nói trên sân khấu sao cho bám sát tâm lý nhân vật mà mình đang thể hiện. Đối với vai Thị Kính, đây là vai nữ chín mẫu mực trong chèo cổ; từ kinh nghiệm diễn xuất của bản thân, tôi đầu tư nghiên cứu kịch bản, xem video clip các nghệ sĩ đã biểu diễn trước, lắng nghe chia sẻ của các nghệ sĩ đã từng đảm nhận vai diễn này, từ đó rút ra cho mình nhiều bài học. 

NSND Trần Ánh Điện, Trưởng đoàn 2, Nhà hát Chèo Thái Bình chia sẻ: Song song với việc huy động đội ngũ diễn viên trẻ tham gia phục dựng các vở chèo cổ, thời gian vừa qua Nhà hát đã chủ động ghi hình để bảo lưu và quảng bá trên các hạ tầng mạng vở “Quan Âm Thị Kính”, trích đoạn “Vợ chồng ông chài”, “Chôn hề”. Thời gian tới, hoạt động này sẽ tiếp tục được thực hiện. Điều này không chỉ đóng góp vào công tác bảo tồn, phát triển di sản nghệ thuật mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về nghệ thuật chèo, góp phần quảng bá, phát triển du lịch của tỉnh từ di sản văn hóa phi vật thể. 

Nghệ sĩ nhân dân Quốc Anh cùng nghệ sĩ Nhà hát Chèo Thái Bình trong trích đoạn “Lý trưởng - mẹ đốp” phục vụ khán giả.

Khó khăn về nhân lực 

Nhiều cách làm hay và linh hoạt trong bảo tồn nghệ thuật truyền thống thu hút sự quan tâm, tham gia của khán giả, tuy nhiên, theo NSƯT Nguyễn Quang Lai, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Thái Bình, hiện nay nguồn nhân lực của Nhà hát chưa thể bảo đảm cho việc dàn dựng những chương trình nghệ thuật lớn. Đối với chương trình ca múa nhạc “Về miền lúa hát” mà Nhà hát mới công diễn báo cáo hội đồng nghệ thuật vừa qua phục vụ liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2024, trong quá trình thực hiện, khó khăn lớn nhất là về con người. Tuy là chương trình ca múa nhạc nhưng để có thể đáp ứng đủ số lượng diễn viên theo ý tưởng của đơn vị sáng tạo nghệ thuật, Nhà hát đã huy động cả 3 đoàn nghệ thuật, gồm cả các diễn viên hiện đang hoạt động ở loại hình nghệ thuật chèo, cải lương. 

NSƯT Nguyễn Quang Lai chia sẻ: Để thực hiện chương trình này, Nhà hát đã mời các nghệ sĩ nổi tiếng từ trung ương về hỗ trợ lên ý tưởng, dàn dựng trong hơn 2 tháng. Chương trình có 2 tiết mục hòa tấu dàn nhạc tạo nên điểm nhấn ấn tượng là “Mùa lúa chín”, “Lới lơ xuống phố” với sự kết hợp giữa dàn nhạc dân tộc và dàn nhạc hiện đại, tạo nên sự khác biệt so với những chương trình nghệ thuật trước đây. Tuy nhiên, để hoàn thành bản hòa tấu này là cả cố gắng rất lớn của Nhà hát trong điều kiện hạn chế về nguồn nhân lực cho dàn nhạc hiện đại. Ngoài ra, chương trình huy động sự tham gia rất lớn của đội ngũ diễn viên múa trong khi hiện nay nguồn nhân lực trẻ chưa thể đáp ứng. Mong muốn của Nhà hát hiện nay là được bổ sung nguồn nhân lực để kịp thời đào tạo, truyền nghề, bảo đảm chất lượng nghệ sĩ kế cận trong cả 3 đoàn nghệ thuật. 

Tháng 8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với mục tiêu phát huy nguồn vốn văn hóa, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, góp phần phát triển bền vững đất nước. Tin tưởng, với tâm huyết của các thế hệ nghệ sĩ Nhà hát Chèo Thái Bình, sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp tại Thái Bình sẽ góp phần tích cực phát huy, quảng bá giá trị tốt đẹp, tương xứng với tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa phi vật thể hiện có.

Chương trình ca múa nhạc.


Tác giả: Tú Anh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 812
Hôm qua : 3.595
Tháng 10 : 49.741
Năm 2024 : 4.056.527