A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Địa điểm lưu niệm Nguyễn Sơn (Từ đường họ Nguyễn), tỉnh Thái Bình

Địa điểm lưu niệm Nguyễn Sơn (Từ đường họ Nguyễn), tỉnh Thái Bình được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 3084/QĐ-BVHTTDL ngày 03/12/2021.

Địa điểm lưu niệm Nguyễn Sơn (Từ đường họ Nguyễn), xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng. Ảnh: Vũ Mạnh Hùng

Nguyễn Sơn sinh ra tại làng Bứa (Bá Thôn) tổng Hưng Tứ, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng (nay là xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Ông là con trai út của quan hiến sát Sơn Tây Nguyễn Trực. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Sơn đã chịu ảnh hưởng của cha mình là tư tưởng chán ghét triều đình Phong kiến Lê - Trịnh mục rỗng, thối nát và đồng cảm với cuộc sống cùng cực của người nông dân.

Năm Giáp Thìn (1784), Nguyễn Sơn tập hợp nghĩa binh tấn công phủ lỵ Thần Khê, lại đến tư dinh của các viên nha lại bắt nộp binh lương rồi kéo quân ra An Quảng liên kết với nghĩa quân của Thiêm Liên.

Giữa năm 1785, sau khi thắng lớn ở Gia Lộc, Thanh Miện, Ninh Giang (Hải Dương), Vĩnh Bảo (Hải Phòng), Nguyễn Sơn đưa quân về Sơn Nam đánh úp phủ Tiên Hưng rổi tỏa ra các huyện Duyên Hà, Vũ Tiên, Thư Trì. Giữa lúc này Ông được tin Nguyễn Huệ trên đường tiến ra Thăng Long diệt chúa Trịnh, đang đóng quân nghỉ tại Vị Hoàng, lúc ấy Nguyễn Sơn và Vũ Thuần đang ở Kiến Xương liền cấp tốc hành quân đến Thuận Vi (huyện Thư Trì) cho người liên lạc với quân Tây Sơn.

Sau khi đánh bại triều đình nhà Trịnh, Nguyễn Huệ trở lại Phú Xuân trao giang sơn Bắc Hà cho nhà Lê cai quản. Do Nguyễn Hữu Chỉnh mưu đồ làm phản, lấn át vua Lê, phản lại Tây Sơn. Nguyễn Huệ tức tốc phái Vũ Văn Nhậm ra Bắc Hà diệt Nguyễn Hữu Chỉnh. Được tin Nguyễn Sơn cùng Thiềm Liên đã về Thanh Hóa theo Vũ Văn Nhậm để tiêu diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, kết cục Chỉnh bị thất bại và bị bắt ở vùng Kinh Bắc.

Dẹp yên được Nguyễn Hữu Chỉnh cùng các phe phái làm phản, tình hình Bắc Hà trở lại ổn định, Vũ Văn Nhậm được quyền ở lại cai quản Bắc Hà. Riêng Nguyễn Sơn sau khi phong tặng chức Đô đốc, Ông được coi giữ thành Phào (Phả Lại). Cuối năm Mậu Thân (1788) Thiềm Liên già yếu, Nguyễn Sơn một mình giữ trọng trách coi giữ thành Phả Lại. Tại đây, Ông lại một lần nữa góp phần cản phá quân Thanh khi chúng trên đường rút chạy về Nam Ninh, Trung Quốc (năm 1789). Khi triều Nguyễn thắng thế, Nguyễn Sơn kiên quyết chống lại, nhưng thế cùng, lực kiệt, bị bắt và bị giết hại tại thành Phả Lại năm 1789.

Nguyễn Sơn là niềm tự hào, không chỉ riêng của  xã Hồng Việt mà còn là niềm tự hào chung của người dân tỉnh Thái Bình với lòng yêu nước nồng nàn, không chịu khuất phục trước áp bức, bóc lột, bất công, luôn nhiệt tình tham gia các hình thức đấu tranh chống giặc ngoại xâm, phản động. Ngưỡng vọng trước những cuộc đấu tranh anh dũng của các bậc tiền bối, kế thừa truyền thống ông cha, tiếp thu và hòa nhập với hơi thở thời đại, nhân dân Thái Bình đã mở ra một giai đoạn oanh liệt mới trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Từ đường Đô đốc Nguyễn Sơn (thôn Bá Thôn, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) là nơi thờ và tưởng niệm Đô đốc Nguyên Sơn - một nhân vật lịch sử hưởng ứng phong trào Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII.

Hàng năm, vào ngày mùng 6 tháng Chín Âm lịch, chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức lễ cúng giỗ cho Đô đốc Nguyễn Sơn. Vào ngày giỗ trọng này, con cháu trong dòng họ đều về Từ đường làm lễ dâng hương tế tổ, sau đó cùng nhau thụ lộc.

Với những giá trị trên, Địa điểm lưu niệm Nguyễn Sơn (Từ đường họ Nguyễn), tỉnh Thái Bình được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 3084/QĐ-BVHTTDL ngày 03/12/2021./.


Tác giả: Khánh Chi
Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.262
Hôm qua : 22.612
Tháng 09 : 157.097
Năm 2024 : 3.654.355