Doãn Khuê: Làm quan thì yêu nước, thương dân, làm thầy thì đào tạo nhiều hiền tài cho đất nước
Doãn Khuê, tự Quang Khuê, hiệu Bảo Quang, sinh ngày 8/11/1813, mất ngày 17/ 3/1878, người xã Ngoại Lãng, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương (nay là Song Lãng, Vũ Thư). Đỗ cử nhân năm 1837, đỗ tiến sĩ năm 1838, ông được bổ dụng làm quan và đã cống hiến gần 40 năm phục vụ đất nước, nhân dân, được người đương thời ca ngợi.
Lăng mộ danh nhân Doãn Khuê (1813-1878) tại xã Song Lãng, huyện Vũ Thư.
1- Doãn Khuê với sự nghiệp làm quan
Trong cuộc đời mình, Doãn Khuê đã từng làm quan. Doãn Khuê làm quan không vì mục đích “vinh thân phì gia” mà vì dân vì nước, vì vậy con đường làm quan của ông không bằng phẳng, thuận buồm xuôi gió mà có nhiều chông gai trắc trở. Khi thì tự ông xin từ quan, khi thì bị cách lưu, miễn chức và cao hơn nữa là giáng chức. Khi làm quan trong triều, khi phải lên rừng núi nơi biên ải, khi xuống vùng ven biển chua mặn. Doãn Khuê đã trải qua các chức: Hàn lâm viện biên tu, Tri phủ Ứng Hòa, Giám sát ngự sử, quyền Đốc học Nam Định, Đốc học Sơn Tây, Đốc học Nam Định; Thương biện kiêm Hải phòng sứ, Doanh điền sứ...Cùng với các chức trên, ông còn được phong hàm: Nội các thừa chỉ, Thị giảng học sĩ, Quang lộc tự khanh... Ông phục vụ ba triều vua: Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, được vua Tự Đức triệu kiến và ban thẻ bài ghi hai chữ “Hiếu nghĩa”.
Doãn Khuê là một ông quan yêu nước, thương dân, dám xả thân vì nước, vì dân. Khi không chăm lo, không bảo vệ được dân ông sẵn sàng từ quan. Dưới thời vua Thiệu Trị (1841 - 1847) ông được phong Giám sát ngự sử vùng Cao Lạng. Chứng kiến những cảnh ngang tai, trái mắt ức hiếp dân của bọn quan lại, ông đã can ngăn, đã dâng sớ về triều nhưng triều đình làm ngơ... Bất lực trước thực trạng xã hội, ông đã cáo ốm xin về quê tĩnh dưỡng, trong thư gửi Tham tri bộ Lễ Trần Bá Đạt (người đã tiến cử ông với triều đình) ông viết:
“Được sự tin cậy của nhân huynh và nhận trọng trách của triều đình, chả nhẽ lại phụ tin. Tôi làm hết sức mình trong phạm vi chức trách mà chẳng can ngăn được những việc chướng tai gai mắt, vi phạm phép nước. Họ (chỉ bọn quan lại đương chức, đương quyền) vin cớ ở nơi biên cương xa cung khuyết làm nhiều điều xằng bậy, nào là tệ hối lộ, tệ dùng lính tráng làm việc riêng cho gia đình, nào là xét xử các vụ án không công minh, buôn bán vàng bạc, thuốc phiện qua biên giới, không có phương sách ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc. Tôi đã nhiều lần viết sớ tấu về kinh nhưng không có kết quả gì”.
Sau ngày cáo ốm về quê, Doãn Khuê đã mở trường dạy học, nghe tin Doãn Khuê mở trường dạy học, xa gần nhiều người đến xin học. Những năm tháng cuối thời kỳ dạy học ở nhà cũng là những năm tháng thực dân Pháp đánh chiếm nước ta (tháng 9/1858). Đất nước lâm nguy, một người yêu nước như Doãn Khuê không thể đứng ngoài cuộc, ông đứng về phái chủ chiến, cổ vũ cho tư tưởng chống Pháp, ủng hộ những người chống Pháp. Khi Đốc học Phạm Văn Nghị tổ chức đoàn quân Nam tiến, chi viện cho miền Nam, Doãn Khuê được giao thay Phạm Văn Nghị làm quyền Đốc học Nam Định, ông đã tổ chức cho học sinh học tập võ nghệ, chuẩn bị kháng chiến.
Tự Đức năm thứ 14 (1861), Doãn Khuê được bổ chức Đốc học Sơn Tây, chính thức trở lại chốn quan trường. Tình hình Sơn Tây lúc đó rất phức tạp, bọn phỉ nổi lên và tàn quân Thái Bình Thiên Quốc (Trung Quốc) tràn sang khắp nơi, có nơi chúng chiếm được phủ thành, chiếm được đất, Tổng đốc Sơn Tây Bùi Ái lại bị ốm (sau bị chết), vua Tự Đức giao cho Doãn Khuê “thự” (quyền) chức đó. Từ một nho sĩ, một quan văn “không biết cưỡi ngựa, bắn súng” (như lời ông nói) nhưng “vì thấy quốc gia hữu sự” nên phải cầm quân đi đánh giặc và ông đã thắng giặc, thu lại được thành, lấy lại được đất nhưng chính trong cuộc chiến này, con trai ông Doãn Giốc và cháu ông Doãn Trứ đã anh dũng hy sinh, bản thân ông cũng bị thương.
Tự Đức năm thứ 16 (1863) khi tình hình Sơn Tây đã yên, Doãn Khuê được điều trở lại làm Đốc học Nam Định. Thành Nam khi ấy đang sôi sục không khí chống Pháp, chống tư tưởng đầu hàng của triều đình Huế. Doãn Khuê một mặt phê phán những tư tưởng quá khích, một mặt khuyến khích những hành động phản đối hòa ước 1862, 1867 mà triều đình đã ký nhượng ba tỉnh miền Đông, ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ cho Pháp; khuyến khích hành động “Trừ gian, sát tả” trong học sinh. Triều đình Huế làm ngơ trước những đòi hỏi chính đáng của tầng lớp sĩ phu và nhân dân, tiếp tục nhượng bộ Pháp. Doãn Khuê muốn từ chức tiến cử người thay nhưng không được chấp nhận. Ông còn được giao thêm chức Thương biện kiêm Hải phòng sứ (phòng thủ ven biển). Doãn Khuê lại lao vào công việc bố phòng vùng ven biển từ Ninh Bình qua Nam Định, Thái Bình ngày nay. Trong lúc đi khảo sát bố phòng vùng ven biển, Doãn Khuê thấy nhiều vùng đất còn hoang hóa, ông đã tấu trình về triều xin cho binh lính, nhân dân các nơi đến khai hoang. Trước đề xuất ấy, Doãn Khuê được thôi chức Đốc học nhưng lại kiêm chức Doanh điền sứ. Ở chức Doanh điền sứ, Doãn Khuê đã cùng Tri huyện Chân Định Doãn Chi (con trai cả của ông) huy động nhân dân mở mang thêm đất hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Nghĩa Hưng (Nam Định).
Giặc Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất (1873) Doãn Khuê cùng Nguyễn Mậu Kiến, Phạm Văn Nghị và nhiều người khác lập phòng tuyến chống Pháp bảo vệ thành Nam nhưng sự nghiệp không thành. Sau thất bại, nhiều người bị triều đình trách phạt, Doãn Khuê bị miễn chức. Tự Đức năm thứ 26 (1874) Doãn Khuê được khôi phục chức Thương biện trông coi việc ruộng đất, khôi phục hàm Thị giảng học sĩ, tước Quang lộc tự khanh nhưng ông đã từ chối, xin về trí sĩ.
2- Doãn Khuê với sự nghiệp làm thầy đào tạo nhân tài cho đất nước
Cuộc đời của Doãn Khuê từ khi trưởng thành đến lúc qua đời đã dành một nửa cho việc dạy học, còn nửa kia làm quan. Những năm tháng làm quan là những năm tháng lo cho nước yên, cho dân no đủ và để cho nước yên, cho dân no đủ, Doãn Khuê đã cống hiến hết sức mình, con cháu Doãn Khuê nhiều người đã hy sinh tính mạng vì nước. Còn những năm tháng dạy học ông dốc hết tâm huyết để đào tạo ra những học trò giỏi. Như lời vua Tự Đức đã căn dặn: “Người nên hun đúc dạy bảo nhân tài để cung phụng cho quốc gia”.
Cũng như những người đương thời, Doãn Khuê chọn nghề dạy học bởi:
“Triều đình dục nhân tài tốt ư do học
Sĩ phu chính tâm thuật bất hoặc tha kỳ”
(Nghĩa là triều đình bồi dưỡng nhân tài ắt từ học vấn. Sĩ phu ngay thẳng, tâm thuật không mê hoặc bởi chẳng có con đường nào khác).
Trong cuộc đời làm thầy dạy học, Doãn Khuê được đánh giá là người thầy giáo mẫu mực, một tấm gương sáng để học trò noi theo. Doãn Khuê luôn khuyến khích cổ vũ những người học giỏi, dám vì nước quên thân. Vào thời ông làm Đốc học Nam Định, có một sự kiện làm chấn động cả nước, đó là phong trào “trừ gian sát tà”. Nguyên nhân dẫn đến phong trào là thái độ bất bình của nhân dân (trong đó có tầng lớp nho sĩ và học sinh), trước hành động của thực dân Pháp và bọn tay sai lợi dụng Thiên chúa giáo phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xâm lược nước ta, học sinh trường Nam Định đã nổi dậy đốt phá nhà thờ đạo ở Trình Xuyên và Ngọc Thành (huyện Nghĩa Hưng). Để lấy lòng Pháp, triều đình Huế đã đàn áp phong trào, Đốc học Doãn Khuê bị khiển trách, bị hạ chức, một số người bị bắt đi đày, một số học sinh của ông buộc phải đi lính lên miền ngược.
Ở cương vị một thầy giáo, một Đốc học, Doãn Khuê đã đào tạo được nhiều người hiền tài cho quê hương, cho đất nước song với đức tính khiêm tốn “yên lặng nhún nhường” như lời khen của vua Tự Đức (Đệ tứ kỷ quyển XXXIV) nên ngày nay ta không có số liệu tổng hợp về những người hiền tài ở Bắc Hà mà Doãn Khuê đã có công đào tạo. Nhưng qua tập văn mừng thọ ta thấy có nhiều trí thức, quan lại tự nhận mình là “tiểu tử”, là học trò của ông, trong đó có những người tiêu biểu như Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích (1832 - 1890) quê làng Trình Phố, huyện Chân Định (nay là xã An Ninh, huyện Tiền Hải) làm đến Thượng thư bộ Lễ...
Sau Nguyễn Quang Bích là Phạm Huy Quang (1846 - 1888) quê làng Phù Lưu, huyện Đông Quan (nay thuộc xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng) đỗ cử nhân (1868) được cử làm Ngự sử Bắc Ninh, tham gia đánh Pháp từ khi Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất (1873) sau đó trở thành một thủ lĩnh chống Pháp tiêu biểu ở Thái Bình, cả nhà anh em, con cháu đều chống Pháp. Ngoài những người kể trên, còn nhiều học trò của Doãn Khuê thành đạt trên nhiều lĩnh vực khác.
Cái đức của Doãn Khuê còn đáng quý ở tấm lòng của ông với học trò, mỗi khi có điều kiện ông đều tiến cử học trò mình, ông đã tiến cử Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Huy Quỳnh học trò mình với vua Tự Đức và các ông đã được trọng dụng, không phụ lòng thầy và trở thành những người nổi tiếng.
Đương thời, khi ông còn sống và ngày nay, Doãn Khuê đều được đánh giá là một người “lập đức, lập công, lập ngôn trọn vẹn”./.