Hành cung Lỗ Giang, tỉnh Thái Bình
Hành cung Lỗ Giang nằm ở khu vực đền Trần (đền Thái Lăng) thuộc thôn Thâm Động, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Gọi là cung Lỗ Giang vì được xây trên khu vực sông Lỗ Giang, khi phủ Kiến Xương được thành lập thì lấy tên phủ để gọi tên cung. Hành cung Lỗ Giang, tỉnh Thái Bình được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích khảo cổ học quốc gia theo Quyết định số 3085/QĐ-BVHTTDL ngày 03/12/2021.
Qua các nguồn tư liệu nói trên cho thấy, đền Thái Lăng nay gọi là đền Trần Thái Lăng được xây dựng trên khu vực vốn là Hành cung Lỗ Giang dưới thời vua Trần Anh Tông, cung Kiến Xương dưới thời vua Trần Hiến Tông. Trải qua thời gian, những biến thiên của lịch sử, cung Lỗ Giang - Kiến Xương của nhà Trần bị đổ nát, nhân dân đến đây xây làng lập ấp.
Để ghi nhận vùng đất vốn là Hành cung của nhà Trần và tưởng nhớ công đức của các vua Trần, nhân dân đã xây dựng ngôi đền nhỏ tại đây để thờ phụng các vua Trần như là Thành hoàng làng. Cũng vì cung Lỗ Giang được sử sách nhắc đến từ thời Trần Anh Tông trở về sau nên đền chỉ thờ 7 vị vua Trần từ vua Trần Anh Tông trở đi mà không thờ 3 vị vua đầu triều Trần, là: Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông và Trần Thuận Tông. Ngoài thờ 7 vị vua nhà Trần, nơi đây còn tưởng niệm Khâm Từ Bảo Thánh Thái Hậu (mẹ vua Trần Anh Tông) Bảo Từ Thuận Thánh Thái Hậu (là hoàng hậu của Trần Anh Tông) là những vị quốc mẫu nổi tiêng thời Trần đã mất tại đây.
Di tích khảo cổ Hành cung Lỗ Giang được khai quật ở 3 vị trí là đền Trần (Khu A), lăng Ngói (Khu B), lăng Sa ngoài (khu C) và lăng Sa trong (Khu D).
Đợt khai quật khảo cổ học lần thứ Nhất.
Tháng 11/2014, dựa trên kết quả điều tra, khảo sát, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Thái Bình tiến hành khai quật thám sát khảo cổ học lần thứ Nhất, tiến hành tại hai khu vực là khu A (đền Trần) và khu B (lăng Ngói). Kết quả khai quật năm 2014, bước đầu đã phát hiện được một phần nền móng của các công trình kiến trúc gỗ nhà Trần vào thế kỷ XIII, XIV. Các dấu vết bó nền, móng trụ và sân gạch tìm thấy tại hố H1 và H4 là của một công trình kiến trúc (LG14.KT01) rất độc đáo, có mặt bằng lớn, nằm theo chiều Đông – Tây, mặt quay hướng Nam, hai bên có sân gạch được xây dựng rất quy chuẩn. Với hệ thống móng trụ kép được xây dựng rất kiên cố, các chân tảng lớn tìm thấy trong khuôn viên, các loại ngói mũi sen lợp thân mái và diềm mái cùng các loại vật liệu trang trí trên mái tìm thấy trong khu vực Đền cho thấy, kiến trúc LG14.KT01 là kiến trúc khung gỗ, mái lợp ngói mũi sen có quy mô lớn và được trang trí hết sức công phu, đẹp đẽ và tráng lệ giống như kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long. Các loại ngói mũi sen lợp diềm mái, các loại ngói úp nóc, lợp bờ nóc, hay bờ dải trang trí hình rồng cùng những đầu rồng tìm được tại khu vực đền Trần đã chứng minh đây chính là dấu tích của những kiến trúc cung điện. Các loại hình vật liệu kiến trúc được tìm thấy có niên đại kéo dài từ khoảng nửa cuối thế kỷ XIII đến hết thế kỷ XIV. Những lá đề lệch được chế tạo tách biệt phần thân và đế là loại hình phổ biến ở giữa thế kỷ XIV; Các loại ngói lót giống với loại ngói tìm thấy ở di tích Ly Cung, Nam Giao và thành nhà Hồ, có niên đại vào cuối thế kỷ XIV.
Đợt khai quật khảo cổ học lần thứ Hai.
Tháng 11/2015, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành tiếp tục phối hợp với Bảo tàng tỉnh Thái Bình tiến hành khai quật thám sát khảo cổ học lần thứ Hai, tiếp tục tiến hành khai quật toàn bộ khu A (đền Trần) và một phần khu D (lăng Sa trong) trong đó mục tiêu trọng tâm là khai quật làm rõ các dấu vết kiến trúc ở khu A. Trong đợt khai quật lần này, tại khu A, lần đầu tiên làm được rõ không chỉ mặt bằng của một công trình kiến trúc mà là một tổ hợp ít nhất gồm ba công trình kiến trúc kết nối với nhau trong một chỉnh thể. Cùng với đó là các di tích sân lát gạch xung quanh các kiến trúc. Những di vật khai quật được lần này phong phú hơn về số lượng và đa dạng về loại hình, rất nhiều di vật mới được tìm thấy ngày càng góp phần to lớn cho những nhận định về quy mô to lớn và sự nguy nga tráng lệ về một công trình được xây dựng công phu đẹp đẽ mang tính chất Hoàng gia như đã nhận định ở trên. Tại khu D, kết quả điều tra, khai quật thăm dò tại khu vực lăng Sa trong năm 2015 (Hố D1) đã tìm thấy một phần dấu vết móng tường bao được gia cố bằng sỏi rất kiên cố, phát hiện này không những cho thấy quy mô rộng lớn của Hành cung thời Trần mà còn là manh mối cho những suy đoán về quy mô to lớn rộng của các công trình kiến trúc nằm bên trong hệ tường bao. Đợt khai quật khảo cổ học năm 2015 đã tìm thấy nhiều di vật vật liệu kiến trúc có niên đại kéo dài từ khoảng nửa cuối thế kỷ XIII đến hết thế kỷ XIV. Ngoài ra, cũng thu được rất nhiều mảnh vỡ vật liệu kiến trúc có niên đại thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII, XVIII nằm trong lớp ngói đổ thời Trần.
Đợt khai quật khảo cổ học lần thứ Ba.
Đợt khai quật khảo cổ học giai đoạn 3 (2016 – 2017) di tích khảo cổ Hành cung Lỗ Giang tiến hành ở 3 vị trí là đền Trần (Khu A), lăng Sa trong (Khu D) và lăng Sa ngoài (khu C).
Tại khu A, kết quả khai quật đã làm rõ tổng thể mặt bằng kiến trúc độc đáo hình chữ “Công” đã phát hiện năm 2014 – 2015. Nghiên cứu kỹ về kỹ thuật xây dựng và xác định kết cấu và hình thái kiến trúc, thu thập cơ sở dữ liệu để phục dựng hình thái kiến trúc bằng công nghệ 3D. Tại khu C, đã phát hiện dấu vết “Gò sỏi” lớn rất độc đáo, phân bố trên khắp phạm vi hố khai quật và còn phát triển rộng ra xung quanh. Tại khu D, đã tìm thấy dấu vết của đoạn móng tường bao đầm bằng sỏi sét kiên cố. Nhiều hiện vật gạch ngói vỡ, đồ sành và gốm có niên đại thời Trần được tìm thấy xung quanh móng tường bao. Kỹ thuật xây dựng móng tường này giống như kỹ thuật xây dựng tường bao thời Lý ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Đáng lưu ý nhất là tại khu vực lăng Sa trong đã khai quật làm xuất lộ rõ một nửa phía Tây của khuôn viên kiến trúc quy mô to lớn, khá hoàn chỉnh, trong đó tìm thấy hệ thống 3 công trình kiến trúc gỗ bên trong, bao gồm kiến trúc cổng, kiến trúc hình chữ Công và kiến trúc nhà dài có bộ vì 04 hàng cột. Phát hiện này rất quan trọng bởi nó không những cung cấp cơ sở cho sự suy đoán phạm vi phân bố của các công trình kiến trúc nằm bên trong hệ tường bao mà còn khẳng định rõ Hành cung Lỗ Giang xưa rất rộng lớn, được quy hoạch quy chuẩn như kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long, với nhiều công trình kiến trúc được xây dựng trong khuôn viên rộng lớn từ khu vực lăng Sa trong ra lăng Sa ngoài và trung tâm có thể là đền Trần (Thái Lăng).
Phát hiện khảo cổ học về Hành cung Lỗ Giang vào năm 2014 và kết quả khai quật vào các năm 2014 - 2017 đã gây một tiếng vang lớn trong giới khoa học Việt Nam. Phát hiện và nghiên cứu di tích Hành cung Lỗ Giang là thành tựu mới nhất, nghiên cứu quy mô nhất của khảo cổ học lịch sử Việt Nam trong khoảng thời gian gần đây. Các chuyên gia khảo cổ đánh giá rằng “di tích Hành cung Lỗ Giang là một viên ngọc quý giá vào bậc nhất trong kho tàng di sản văn hóa thời Trần hiện nay”.
Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, đây là một khu di tích mang tính chất cung đình (tính chất Hoàng gia) điển hình của vương triều Trần. Do vậy, khu di tích có những đặc điểm chung mang tính thống nhất cao của nghệ thuật thời Trần trên toàn bộ lãnh thổ Đại Việt. Di tích hành cung Lỗ Giang cung cấp nhiều tư liệu quý hiếm, độc đáo về nghệ thuật xây dựng kiến trúc thời Trần mà hiện nay chưa thấy ở di tích nào có được (kể cả Thăng Long) trong tình hình nghiên cứu và tư liệu hiện nay, đã đóng góp những tư liệu quan trọng góp phần nghiên cứu các đặc trưng giá trị của lịch sử và văn hóa thời Trần, phản ánh rõ hơn về một giai đoạn lịch sử văn hóa đặc sắc thời Trần ở Thái Bình.
Với những giá trị tiêu biểu trên, Hành cung Lỗ Giang, tỉnh Thái Bình được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích khảo cổ học quốc gia theo Quyết định số 3085/QĐ-BVHTTDL ngày 03/12/2021./.