Kỳ Đồng người viết tiếp truyền thống văn hiến của huyện Hưng Hà
Truyền thống văn hiến của Hưng Hà đã sinh ra và nuôi dưỡng Kỳ Đồng thành người “hiền tài” và Kỳ Đồng là người viết tiếp truyền thống văn hiến của huyện Hưng Hà.
Kỳ Đồng khi bị lưu đày - Ảnh: Nguồn internet
Hưng Hà ngày nay được thành lập năm 1969 gồm đất của hai huyện Hưng Nhân, Duyên Hà và một phần huyện Tiên Hưng (nếu tính từ trước thế kỷ XX còn có phần đất thuộc phủ Kiến Xương). Thời Lý – Trần, Hưng Hà thuộc lộ Long Hưng, thời Lê là phủ Tân Hưng, từ năm 1600 vì phạm húy vua Lê Kính Tân nên đổi gọi là Tiên Hưng. Hưng Hà một vùng “địa linh nhân kiệt” có nhiều thế đất đẹp: "Đất phát đế vương", "Đất phát công khanh, tể phụ" "Đất phát khôi khoa".
Nhà sử học Phan Huy Chú (1770-1840), tác giả bộ sách “Lịch triều hiến chương loại chí” ghi nhận: “Những người học giỏi, những bề tôi hiền thì phủ Tiên Hưng đứng đầu cả xứ miền dưới” * Trên vùng đất nay thuộc Hưng Hà, ông dẫn ba người: “Bảng nhãn họ Lê ở làng Diên Hà (nay là thôn Đồng Phú, xã Độc Lập) học vấn sâu rộng, nổi tiếng ở Bắc Hà. Trạng nguyên họ Phạm (Đôn Lễ) ở Hải Triều văn hay có tiếng trong khi mới mở nước. Hội nguyên họ Nguyễn (Tông Quai) ở Phúc Khê (nay là thôn Sâm, xã Hòa Tiến) thơ hay nổi tiếng ở đời gần đây”. Cả ba đại khoa trên thuở nhỏ đều được dân gian gọi là “thần Đồng”.
Phạm Đôn Lễ, khi đến tuổi đi học, học chăm chỉ và rất thông minh. Một lần thày giáo bảo: “Con học rộng, biết nhiều, biết trọng đạo thầy trò, sau này hẳn con sẽ làm nên việc lớn”. Đôn Lễ chắp tay lạy thầy, rồi nói: “Con không quên ơn công nuôi dậy của thầy, con nguyện chăm chỉ học hành”. Lớn lên Phạm Đôn Lễ đi thi, cả ba lần thi (Hương, Hội, Đình) ông đều đỗ đầu. Ông là người thi đỗ Tam nguyên sớm nhất ở nước ta.
Với Nguyễn Tông Quai, năm lên 8 tuổi đi học thầy đồ làng, ông học rất thông minh đến nỗi thầy phải thốt lên: "thằng bé này khác thường, chưa dễ làm thầy của nó". Khi cha ông chuyển lên kinh đô trông coi chùa Diên Hựu (Một cột), ông được đưa vào học trường Quốc Tử Giám, được Thám hoa Vũ Thạnh trực tiếp dìu dắt. Thầy Vũ Thạnh đã dậy rất nhiều học trò giỏi nhưng đến khi dậy Nguyễn Tông Quai ông vẫn sửng sốt. Có lần ông ra bài tập, khi đọc đến bài của Nguyễn Tông Quai, thầy Thạnh tấm tắc khen: "Anh chàng này về sau tất nổi danh về thơ".
Lê Qúy Đôn thì quá nổi tiếng: "Hai tuổi đã biết hai chữ "hữu, vô", bốn tuổi biết đọc thơ Đường, năm tuổi đọc được kinh thi, liếc mắt đọc được 10 hàng", "Có sức học 5 xe sách", "năm lên 7 tuổi đã học sử", "10 tuổi" đã "làm được luận biến thư tịch" (những thứ liên quan tới sử), "11 tuổi đọc Tống sử, Nguyên sử, mỗi ngày đọc được 80-90 trang, 14 tuổi học hết sử tịch" đọc một lần nhớ suốt đời. Ông là người "xem sử quên ăn, đọc kinh không biết mỏi, mỗi ngày thuộc hàng tám, chín mươi trang".
Trên đây là ba trong số gần 20 đại khoa của Hưng Hà thời Phong kiến song đó là những tấm gương học giỏi, đỗ cao. Sau khi thi đỗ, các ông đã đem tài năng ra phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Phạm Đôn Lễ làm đến Tả thị lang bộ Hộ, khi đi sứ Trung Hoa ông đã học được nghề làm chiếu, khi về nước truyền nghề cho dân xã, chết được dân tôn làm tổ nghề, lập đền thờ. Nguyễn Tông Quai giữ chức Tả thị lang, có khi cai quản cả “lục bộ”. Hai lần đi sứ Bắc Quốc, được vua Càn Long (nhà Thanh) mến tài, cho người vẽ tranh tặng. Lê Qúy Đôn làm đến Thượng thư bộ Công, được cử đi sứ, ông là sứ thần đã “lấy văn chương làm tăng thế nươc”. Các nhân sĩ Trung Hoa, Triều Tiên đều nể trọng.
Cuối thế kỷ XIX, Hưng Hà lại xuất hiện một “Thần Đồng”, sử sách và dân gian thường gọi là Kỳ đồng. Nguyễn Văn Cẩm sinh ngày 8 tháng 10 năm 1775, mất ngày 17 tháng 7 năm 1929, thọ 54 tuổi. Ông quê làng Ngọc Đình, tổng Hà Lý, huyện Duyên Hà (nay là thôn Ngọc Đình, xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà). Cha là cụ Đồ Tỵ, mất năm 1787 khi Nguyễn Văn Cẩm mới 12 tuổi, mẹ thường được gọi là “Bà cụ Đồ” (không rõ tên). Từ nhỏ Nguyễn Văn Cẩm đã nổi tiếng “thần Đồng”. Dân gian đồn rằng: lên 6 tuổi Cẩm đã bắt đầu học chữ Nho, có khả năng sáng tác thơ phú, đặc biệt là câu đối ứng khẩu. Người ta còn đồn rằng Kỳ Đồng không chỉ giỏi thơ phú, ứng đối mà còn là một nhà “Tiên tri” với kho “sấm truyền” vô tận, là “hóa thân” của Trạng Trình, được trời sai xuống cứu đất nước thoát khỏi nạn ngoại xâm. Một hôm Huấn đạo Duyên Hà là Bùi Tam Đồng cùng hai cộng sự đến xem cậu bé kỳ lạ. Khách đến nhà, cậu đang ngồi ở cầu ao chơi thuyền vỏ trứng. Ông Huấn Đồng nói: nghe cậu hay chữ, đến đây ra cho cậu một vế đối. Thấy Cẩm tóc còn để chỏm, hai bên có hai trái đào, ông Huấn Đồng bảo: “Một thằng ba chỏm tóc”. Cẩm ứng khẩu: “Ba cụ chín chòm râu”. Lại một lần có người ra câu đối: “Ngọc Đình, đình thượng nhãn như ngọc”, Cẩm liền đối: “Kim Bảng, bảng trung sĩ tự kim”. Tác giả Ngô Tất Tố còn cho biết ông huấn đạo ra câu đối: “Đứng giữa làng Trung Lập” (trung lập là đứng giữa), Cẩm đối lại: “Dấy trước phủ Tiên Hưng” (Tiên Hưng cũng có nghĩa là dấy trước).
Người đương thời còn một cách giải thích khác: tên Kỳ Đồng chính do vua Tự Đức ban tặng: Năm lên tám tuổi cậu bé được cha dắt sang tỉnh Hưng Yên (vùng đất Hưng Hà nay, lúc đó thuộc tỉnh Hưng Yên) dự kỳ khảo khóa để năm sau thi Hương ở trường Nam Định. Cẩm thi đạt loại "ưu". Quan tỉnh tâu về triều, vua Tự Đức xuống dụ: "Cấp cho trẻ lạ Hưng Yên Nguyễn Văn Kỳ (tức Cẩm) mỗi tháng ba quan tiền, một phương gạo, áo quần mỗi thứ hai cái, mỗi năm cho một lần".
Sau khi Nguyễn Văn Cẩm giương cao ngọn cở chống Pháp, thì ông là đối tượng được mật thám Pháp theo dõi chặt chẽ. Mật báo của Phòng nhì viết: “Từ năm lên 8 tuổi, Kỳ Đồng đã giỏi chữ Nho, đặc biệt xuất sắc về tài làm câu đối. Nhờ nắm chắc vài trăm chữ Nho (có người bảo vài chục bài thơ, người thì bảo có vài bài thôi), lại nhờ óc mẫn cảm khi ứng đối, Cẩm làm cho những ai nghe tiếng hoặc trông thấy lần đầu tiên đều ngạc nhiên. Có người nói rằng: một hôm cậu đến trường của ông huấn đạo và khi cậu nhanh chóng ứng khẩu một câu đối thì ông huấn đạo hết sức ngạc nhiên, càng ngạc nhiên khi cậu ta bảo chưa từng học với một ông thầy nào cả. Ông huấn đạo về Hưng Yên báo cho quan tỉnh biết về cậu bé khác thường này, chưa học mà đã biết chữ Nho !”. Một thuyết khác: “Cẩm có theo học một ông thầy. Ông này quá phấn khích về sự tiến bộ vượt bậc của cậu học trò đã thêu dệt thêm tài lạ của cậu nhằm thủ lợi. Cẩm còn nổi tiếng là một thầy lang giỏi...người ta đồn rằng cậu có thể tàng hình, xuất nhập theo ý muốn. Người ta đưa rước cậu như một đấng siêu phàm”.
Qua những thư từ trao đổi sau này với những quan lại người Pháp, bản thân Nguyễn Văn Cẩm cũng thừa nhận mình là một người kỳ tài (Kỳ Đồng) Những dẫn chứng trên (cả trong dân gian và trong sách vở) cho người đời biết Nguyễn Văn Cẩm là một “Thần Đồng”.
Khác với các ông Trạng, ông Nghè sinh ra trong cảnh đất nước thanh bình, Nguyễn Văn Cẩm sinh ra trong khi nước ta đang bị thực dân Pháp xâm lược. Truyền thống yêu nước căm thù giặc cướp nước của quê hương đã thấm vào ông và sớm đưa ông trở thành ngọn cờ chống Pháp khi mới 13 tuổi. Sự kiện hàng ngàn người rước Kỳ Đồng vào thành phố Nam Định (1887) được Nguyễn Văn Cẩm ghi “Năm 13 tuổi tôi đã toan làm một cuộc bạo loạn”. Sau sự kiện này, Kỳ Đồng “bị bắt đi học”. “Tài năng và tiếng tăm của Nguyễn Văn Cẩm làm cho người Pháp nghi ngại và họ giả bộ đón anh sang Paris. Không thực hiện được ý định làm hại anh, họ đã gửi anh vào một trường học”.
Sau chín năm học ở Algier, như người Pháp thừa nhận “Anh đã học được lòng căm thù người Pháp bằng chính học bổng của chúng ta cung cấp”. Học xong, anh xin trở về nước, được nhà cầm quyền Pháp chấp nhận, Kỳ Đồng đã về quê (Ngọc Đình) lấy vợ và mở trường dạy chữ Nho, dạy tiếng Pháp nhưng Công sứ Thái Bình đã ra lệnh đóng cửa. Nguyễn Văn Cẩm lại lợi dụng chính sách của Pháp, xin mở đồn điền ở Chợ Kỳ (Yên Thế, Bắc Giang) để tập hợp quần chúng “lấy nông nghiệp để nuôi quân nghiệp” mưu “Bình Tây, diệt Nguyễn”, chưa đầy một năm, gần một vạn lao động đã được tập hợp về đây, biến Chợ Kỳ thành “một căn cứ trá hình”. Bản án về “vụ Kỳ Đồng” của Pháp ghi: “Từ tháng 9 năm nay, một số đông dân chúng vùng đồng bằng được Nguyễn Văn Cẩm, tức Kỳ Đồng gọi lên khu vực Chợ Kỳ và vùng lân cận...với số lượng từ 7.000 đến 8.000 người và đã được Nguyễn Văn Cẩm và các tòng phạm trưng mộ theo lối mộ lính”. Sự kiện lập căn cứ chống Pháp ở Bắc Giang chứng tỏ lòng yêu nước của Kỳ Đồng tự tự phát (1887), sau 10 năm đã thành tự giác (1897).
Truyền thống văn hiến của Hưng Hà đã sinh ra và nuôi dưỡng Kỳ Đồng thành người “hiền tài” và Kỳ Đồng là người viết tiếp truyền thống văn hiến của huyện Hưng Hà./.