Lan tỏa văn hóa đọc đến cộng đồng
“Sách hay cần bạn đọc” là thông điệp ý nghĩa từ ngày Sách và văn hóa đọc năm nay. Hưởng ứng ngày này, cuộc thi đại sứ văn hóa đọc năm 2024 đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức phát động trên địa bàn tỉnh nhằm tìm ra những bài dự thi chất lượng nhất tham gia cuộc thi toàn quốc. Những tấm gương về lan tỏa văn hóa đọc đã và đang góp phần khuyến khích mọi người, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên nỗ lực trên con đường chinh phục tri thức.
Học sinh được khuyến khích phát triển văn hóa đọc tại trường học.
Từ những người trẻ coi trọng việc đọc sách
Tại Thái Bình, qua 2 lần tổ chức, cuộc thi đại sứ văn hóa đọc cấp tỉnh đã tạo nên phong trào đọc sách sôi nổi ở các trường học, qua đó tìm ra những nhân tố mới, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Đạt giải nhì cuộc thi năm 2023, em Vũ Minh Ánh, Trường THPT Chuyên Thái Bình cho biết: Trong các thể loại sách, em thích nhất là những tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam cũng như thế giới. Em dành thời gian để đọc sách hơn là xem những bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm điện ảnh vì em cảm thấy khi mình đọc, dường như trí tưởng tượng của mình phong phú hơn, mình như được bước vào chính đời sống nội tâm của những nhân vật để cùng vui, buồn với những sóng gió trong cuộc đời của họ. Để phong trào đọc sách ngày thêm phát triển, sau cuộc thi đại sứ văn hóa đọc, em và các bạn trong lớp đã thành lập CLB đọc sách để khuyến khích các thành viên tăng cường chia sẻ với nhau về những cuốn sách ý nghĩa. Em nghĩ rằng chính những học sinh như chúng em đều có thể góp phần lan tỏa phong trào đọc trong cộng đồng thông qua việc tham gia vào những cuộc thi ý nghĩa như đại sứ văn hóa đọc, ngoài ra hãy sử dụng tài khoản mạng xã hội của mình để đăng tải chia sẻ, cảm nhận, giới thiệu của bản thân với mọi người về cuốn sách yêu thích.
Là học sinh xuất sắc đạt giải ba cuộc thi đại sứ văn hóa đọc tỉnh Thái Bình năm 2023, em Nguyễn Diệu Linh, lớp 4A, Trường Tiểu học An Đồng (Quỳnh Phụ) chia sẻ về niềm đam mê của mình: Em rất thích đọc sách, đặc biệt là sách về lịch sử dân tộc, danh nhân văn hóa vì thông qua đó em có thêm hiểu biết về quê hương, đất nước mình và những bài học bổ ích trong cuộc sống. Tại thư viện của trường, em luôn tìm được những câu chuyện về lịch sử phù hợp với lứa tuổi của em. Sau khi đọc sách, em sẽ ghi nhớ những sự kiện được đề cập, tìm hiểu thêm thông tin làm tư liệu cho quá trình giới thiệu sách đến với các bạn trong trường. Việc giới thiệu, chia sẻ cảm nhận về sách luôn là hoạt động mà em yêu thích nhất.
Đến những hành trình ý nghĩa
Cùng có niềm đam mê với việc đọc sách, phát triển văn hóa đọc, vượt qua khó khăn của một người khuyết tật, anh Đỗ Hà Cừ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Không gian đọc Hy Vọng (thành phố Thái Bình) đang nỗ lực thực hiện mong muốn giúp những người khuyết tật cải thiện chất lượng cuộc sống, kéo dần khoảng cách giữa người khuyết tật với người bình thường thông qua việc phát triển tủ sách cộng đồng. Hiệu ứng lan tỏa, niềm tin khơi dậy, đến nay, những không gian đọc thành viên lần lượt ra đời mang những cái tên tràn đầy năng lượng do các bạn trẻ khuyết tật quản lý như Niềm tin, Ánh sáng, Yêu thương, Ước mơ, Vươn xa...
Tháng 3 vừa qua, Câu lạc bộ chào đón thành viên thứ 33 khi Không gian đọc Hạnh phúc tại xã Đông Phương (Đông Hưng) do anh Nguyễn Đức Điển, một người khuyết tật quản lý chính thức khai trương và đi vào hoạt động.
Anh Điển chia sẻ: Nhiều năm qua, tôi duy trì câu lạc bộ học tiếng Anh miễn phí cho học sinh trong và ngoài xã Đông Phương. Với mong muốn các em nhỏ vùng nông thôn có thêm không gian đọc bổ ích, tôi được sự hỗ trợ của anh Đỗ Hà Cừ kết nối với các đơn vị, tổ chức trao tặng gần 800 đầu sách. Ngoài ra, trong dịp khai trương, đã có nhiều cá nhân, đơn vị trao tặng sách và thiết bị, bổ sung nguồn tư liệu quý giá. Đến nay, Không gian đọc Hạnh phúc đã có hơn 1.000 đầu sách các loại, đáp ứng tốt nhu cầu của độc giả không chỉ ở lứa tuổi học sinh.
Hành trình ý nghĩa của anh Đỗ Hà Cừ là việc lan tỏa, nối dài thêm danh sách những tủ sách cộng đồng, còn hành trình những chuyến xe ô tô thư viện đa phương tiện của Thư viện tỉnh là ngày càng có thêm những điểm trường tổ chức ngày hội đọc sách sôi nổi. Không chỉ trong tháng 4 với 14 điểm trường, hành trình xe ô tô thư viện được thực hiện xuyên suốt tất cả các tháng trong năm học nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đọc sách, khám phá tri thức của lứa tuổi học trò.
Bà Lê Thị Thanh, Giám đốc Thư viện tỉnh chia sẻ: Từ các nội dung trong mỗi hành trình xe ô tô thư viện bao gồm: khởi động, đọc sách, trả lời câu hỏi về sách, trò chơi hoạt động STEM, vẽ tranh theo sách đã giúp hoạt động thư viện lưu động mang sắc thái mới và được học sinh, giáo viên, phụ huynh và các nhà trường quan tâm hưởng ứng nhiệt tình. Trong năm 2023, hành trình đã đến với 65 điểm trường, 200.000 lượt sách báo đã được luân chuyển phục vụ 20.000 học sinh tham gia trải nghiệm. Ngoài các điểm trường, Thư viện tỉnh còn phối hợp với các nhà chùa tổ chức những chuyến xe phục vụ tại khóa tu mùa hè. Từ hiệu quả và ý nghĩa thiết thực, hoạt động thư viện lưu động đã thu hút nguồn kinh phí xã hội hóa.
Mỗi tập thể, cá nhân một cách làm nhưng tựu trung, trên hành trình lan tỏa văn hóa đọc sách đã trở thành niềm cảm hứng bất tận để những con người ở mọi độ tuổi, ngành nghề thầm lặng cùng chung tình yêu, niềm đam mê với sách và luôn mong muốn được chia sẻ, lan tỏa tình yêu ấy đến với tất cả mọi người. Từ đó góp phần tích cực tạo nên những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Học sinh và giáo viên tại các điểm trường trải nghiệm thư viện lưu động của Thư viện tỉnh.