A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người được gặp Bác Hồ năm ấy

Gần 60 năm qua, cứ vào dịp cả nước nhộn nhịp không khí mừng Đảng, mừng xuân là ông Vũ Hồng Thái lại thường thao thức nhớ về thuở vinh dự được Bác Hồ tặng quà, được chụp ảnh với Bác. Với ông, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là xuất phát từ con tim, khối óc của chính mình trong mọi hoàn cảnh sống.

Bác Hồ với anh hùng và chiến sĩ thi đua tại Phủ Chủ tịch nhân dịp Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ Thi đua lần thứ IV (12/1966).

Trong khuôn viên gian phòng chừng mười mét vuông, vừa là nơi thờ gia tiên vừa là nơi đặt bàn làm việc của ông Thái tại phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình chất chồng những sách, báo, tài liệu. Đặt kề với ban thờ gia tiên là chiếc tủ nhỏ chứa đầy ắp hiện vật mà ông Thái vẫn hằng tâm niệm đó là những kỷ vật, là gia bảo của gia đình, của gia tộc họ Vũ có gốc ở làng Bích Du, xã Thái Thượng (Thái Thụy). Đó là những tập văn thơ mà Vũ Hồng Thái là tác giả như: “Nguồn cội”, “Tôi yêu”, “Huyền thoại Trường Sơn”, “Từ tâm”, “Bến đợi”... hoặc là chủ biên như “Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa” (ba tập), các USB lưu trữ những thước phim tư liệu về hoạt động của hội Trường Sơn Thái Bình, trong đó có những bộ phim phóng sự tài liệu mang tựa đề “Về nơi đất thiêng” mà ông là tác giả kịch bản và lời bình... Cùng với đó là những cuốn lịch sử đảng bộ địa phương đã lưu danh hoặc thấp thoáng bóng hình ông trong đó. Đặc biệt, ở vị trí trang trọng nhất trong chiếc tủ này có một tấm ảnh đen trắng là tư liệu vô cùng quý hiếm. Đó là tấm ảnh các đại biểu dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc vào cuối tháng 12/1966, chụp với Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta trước sảnh Phủ Chủ tịch mà Vũ Hồng Thái là thành viên của đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình với tư cách là một cán bộ đoàn đội tiêu biểu, đang ở tuổi đôi mươi. Ba tháng sau, ông đã vinh dự được kết nạp Đảng đúng vào dịp mừng Đảng, mừng xuân 1967.

Vũ Hồng Thái sinh năm 1945 trong một gia đình có nền nếp gia phong ở làng Bích Du - một trong những ngôi làng giàu truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng vào bậc nhất nhì ở vùng duyên hải Bắc Bộ. Dù học hành khá nổi trội so với bạn bè cùng trang lứa nhưng khi học hết cấp II, Vũ Hồng Thái không thi vào cấp III, cũng không có hướng đi trung cấp chuyên nghiệp mà ở nhà phụ giúp công việc gia đình, cùng cha mẹ tạo điều kiện cho các em ăn học. Có lẽ, đó là một trong những duyên cớ sớm cuốn hút chàng trai họ Vũ tắm mình trong phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, cháy bỏng đam mê các hoạt động đoàn, đội và xã hội ở địa phương khi vừa chớm tuổi “bẻ gãy sừng trâu”.

Do nhiệt huyết và có nhiều sáng kiến triển khai các hoạt động thiết thực trong công tác đoàn, đội ở địa phương nên năm 1966, Vũ Hồng Thái đã được chọn cử làm thành viên của đoàn đại biểu Thái Bình đi dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc. Tại Đại hội này, chàng trai đồng biển của Thái Bình được gặp, được chụp ảnh với Bác Hồ, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đó là một trong những kỷ niệm sâu sắc, một vinh dự lớn lao trong đời, không dễ mấy ai có được. Vũ Hồng Thái đã giữ trọn kỷ niệm, vinh dự đó trong tâm khảm của mình. Trải hơn nửa thế kỷ, đến nay khi được hỏi về sự kiện đó, người lính già đầu bạc vẫn minh mẫn kể lại từng chi tiết tại Đại hội như chuyện vừa diễn ra ngày hôm qua vậy. Ông đặc biệt hào hứng khi kể đến chuyện được Bác Hồ tiếp tại Phủ Chủ tịch, được Bác tặng quà và chụp ảnh lưu niệm với Bác cùng các Anh hùng, chiến sĩ thi đua tiêu biểu và các cháu Hoa Xuân Tứ, Đinh Thị Lê Kim... Sáng hôm sau, Bác không dự Đại hội, một nguồn tin cho hay Bác đang trên đường về thăm Thái Bình để mừng công 5 tấn. Đó là lần thứ năm Bác về với Thái Bình.

Tháng 3/1967, Vũ Hồng Thái được chi bộ làng Bích Du kết nạp Đảng và được điều động lên công tác tại Huyện đoàn Thái Ninh, trở thành một trong những cán bộ trẻ đầy nhiệt huyết hoạt động đoàn và tình nguyện nhập ngũ ngày 23/8/1967, rồi trải gần 10 năm hiến dâng tuổi thanh xuân ở chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên mà A Lưới là một trong những miền quê sâu nặng nghĩa tình nhất với ông.

Tháng 4/1976, với cương vị Trung úy Chính trị viên đại đội, Vũ Hồng Thái được chuyển ngành về công tác tại cơ quan Dân chính đảng tỉnh Thái Bình. Sau khi cơ quan này giải thể, ông được chuyển về công tác tại Thị ủy thị xã Thái Bình. Trên cung đường 30 năm gắn bó với thị xã và thành phố Thái Bình, Vũ Hồng Thái từng được giao nhiều trọng trách khác nhau như Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch UBND phường Bồ Xuyên, Ủy viên thư ký ủy ban, Phó Chủ tịch UBND, Phó Bí thư thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã, Phó Bí thư thường trực thành ủy Thái Bình... Ở cương vị công tác nào, người cựu chiến binh Trường Sơn họ Vũ này cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Sau gần 20 năm ông nghỉ hưu, các thế hệ cán bộ và nhiều người dân thành phố Thái Bình vẫn nhớ và nhắc tới những lời nói chuẩn mực, những việc làm hợp lòng dân của Phó Chủ tịch UBND thị xã Vũ Hồng Thái vào những năm cuối thế kỷ XX, khi tỉnh Thái Bình mất ổn định chính trị cùng những đóng góp quan trọng của ông trong tiến trình nâng cấp thị xã lên thành phố với cương vị Phó Bí thư thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã.

Năm 2006, vừa nhận quyết định nghỉ hưu, chưa kịp nghỉ ngơi thì Vũ Hồng Thái lại được giới thiệu về làm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh. Do chiêm nghiệm từ bản thân, chủ yếu là tự học mà trưởng thành, có chí thì nên, trải 15 năm trực tiếp làm công tác khuyến học, bằng nhiệt huyết và kinh nghiệm công tác, Vũ Hồng Thái đã góp phần để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong quá trình xây dựng xã hội học tập ở Thái Bình, trong đó có khá nhiều sáng kiến trong quá trình khơi dậy truyền thống gia đình, dòng họ hiếu học.

Là một người giàu sở trường, sở thích hoạt động xã hội nên dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, cương vị công tác nào, Vũ Hồng Thái cũng không vơi bầu nhiệt huyết để làm thật tốt chức trách được phân công. Những năm tháng tham gia các hoạt động trong ban liên lạc Hội Trường Sơn (1990 - 1999) và Ban Chấp hành Hội Truyền thống Trường Sơn (1999 - 2023), đặc biệt là chặng đường 10 năm qua, ở cương vị Chủ tịch Hội, Vũ Hồng Thái đã đích thị trở thành người ăn cơm nhà, làm việc Hội, được dân biết tiếng tin yêu.

Vũ Hồng Thái luôn trân trọng niềm tự hào là mình đã cùng hơn 2 vạn người con của Thái Bình, trong số đó có gần 12.000 bộ đội, hơn 7.000 thanh niên xung phong và hơn 3.000 dân công hỏa tuyến chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lịch sử. Cả trong suy nghĩ và hành động của ông là mong muốn những truyền thống được xây dựng bằng mồ hôi, xương máu của hàng triệu lượt người Việt Nam trên dải Trường Sơn huyền thoại phải được gìn giữ, tỏa sáng, phát huy cho hôm nay và cho mai sau. Chính từ tâm thức đó mà hơn 10 năm qua, ông đã cùng các thế hệ cán bộ trong ban liên lạc, Ban Chấp hành Hội tập hợp được hơn 15.000 hội viên sinh hoạt trong mái nhà chung sâu nặng nghĩa tình đồng đội, hoạt động thiết thực, hiệu quả, vững chắc từ tỉnh đến hội cấp huyện, cấp xã.

Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư tưởng, giàu sở trường và năng lực vận động quần chúng, Chủ tịch Hội Vũ Hồng Thái luôn chủ động nhạy bén đề xuất và chỉ đạo triển khai kịp thời, có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước do địa phương hoặc Hội Truyền thống Trường Sơn Việt Nam phát động theo đặc thù của Hội. Bằng tất cả uy tín và nhiệt huyết của mình, Vũ Hồng Thái đã cùng Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Hội khai thác và tập hợp nhiều nguồn lực để triển khai thường xuyên các hoạt động tình nghĩa, trong đó có việc xây mới 45 nhà, sửa chữa 60 nhà tình nghĩa và 30 sổ tiết kiệm dành cho đồng đội hoặc thân nhân đồng đội.

Những dấu ấn của Vũ Hồng Thái với Hội Truyền thống Trường Sơn Thái Bình là tổ chức thành công các chuyến đi thăm lại chiến trường xưa với nhiều hoạt động giàu chất nhân văn, ấm áp nghĩa tình đồng đội và việc chỉ đạo biên soạn, xuất bản các tập văn thơ “Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa”.

Khi có dịp được tiếp xúc với ông Vũ Hồng Thái, ai cũng nể trọng và dường như ít người đoán đúng được tuổi của ông bởi sự nhanh nhẹn, hoạt bát, sôi nổi trong giao tiếp với đức độ khiêm nhường, tác phong làm việc tận tụy, cẩn trọng trong từng lời nói, việc làm cụ thể. Có thể coi đó là thước đo kết quả của quá trình kiên trì học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của đảng viên, cựu chiến binh Vũ Hồng Thái./.


Tác giả: Nguyễn Thanh
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 443
Hôm qua : 3.719
Tháng 10 : 56.755
Năm 2024 : 4.063.541