Nguyễn Mậu Kiến - tấm gương vì nước, vì dân
Nguyễn Mậu Kiến tự là Lập Nho, hiệu Động Am, sinh ngày 8 tháng 5 năm Kỷ Mão (theo lịch dương là năm 1819) tại làng Động Trung (nay thuộc xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).
Từ đường dòng họ Nguyễn Công, xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương - nơi thờ danh nhân Nguyễn Mậu Kiến.
Thuở nhỏ sống cùng mẹ ở quê ngoại, lớn lên trở về quê cha, ông bắt đầu bộc lộ rõ tố chất thông minh và ham hiểu biết của một con người có chí lớn. Mặc dù mãi tới năm 48 tuổi, Nguyễn Mậu Kiến mới chịu ra nhận chức Án sát của triều đình, song từ rất sớm, uy tín và tầm ảnh hưởng của Nguyễn Mậu Kiến cùng gia đình không chỉ lan tỏa trên quê hương Động Trung mà còn ở nhiều địa phương khác.
Người ta biết đến và ngưỡng mộ Nguyễn Mậu Kiến không chỉ vì ông là người đầu tiên xướng nghĩa phong trào chống xâm lược Pháp trên đất Thái Bình mà còn vì tài năng, đức độ của ông cùng nhiều hoạt động nghĩa hiệp vì dân, vì nước khác. Họ cảm phục và trân quý ông từ việc ông tiếp nối Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ khai khẩn, mở mang vùng Tiền Hải, phát triển nông nghiệp; cùng hai con trai là Nguyễn Hữu Bản và Nguyễn Hữu Khai lập ấp, đưa dân tới cày cấy, làm ăn, ổn định đời sống cho hàng ngàn người. Người ta cảm phục và trân quý hành động ông đứng ra tổ chức quyên góp tiền, thóc gạo cứu tế cho nhân dân vùng Sơn Nam (khu vực thuộc Nam Định và Thái Bình ngày nay), giúp họ vượt qua được nạn đói 1856-1857. Người ta cảm phục và trân quý tinh thần lo cho hậu phương binh sĩ của ông. Trên lĩnh vực văn hóa, Nguyễn Mậu Kiến là một trong những người đi tiên phong trong việc nâng cao dân trí và gìn giữ bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục. Ông lập ra “Chiêm bái đường”, rồi cúng cả “học điền” để có hoa lợi mời thầy giỏi các nơi về dạy cho con em trong vùng; đồng thời thuê thợ giỏi về khắc bản để in các cuốn sách quý lưu giữ cho đời sau. Ông đã để lại cho hậu thế một số trước tác có giá trị, trong đó có thể kể đến như: “Đăng đàn bái đường”, “Minh sử luận đoán khảo biên”... Không phải ngẫu nhiên mà chí sĩ Phan Bội Châu đã nhận xét: “Cái văn mô, vũ lược của cụ chính là lưu danh cho cụ mãi mãi về sau vậy”.
Tài năng bẩm sinh cùng những việc làm nghĩa hiệp và những đóng góp to lớn của Nguyễn Mậu Kiến đã tạo cho ông có một sự ảnh hưởng rất lớn trong xã hội. Chẳng thế mà vào những năm 1848-1850, tuy lúc này vẫn chỉ là một “phó thường dân” nhưng Nguyễn Mậu Kiến vẫn có thể nhanh chóng tập hợp được đông đảo thanh niên trai tráng trong vùng, xây dựng đội dân binh dẹp được các toán giặc biển tràn vào cướp phá quê hương.
Nhận thấy tài năng và đức độ của Nguyễn Mậu Kiến có thể cống hiến nhiều hơn cho nước, cho dân, nhiều người khuyên ông nên thoát ra khỏi cái “ao làng” để thỏa sức vẫy vùng. Năm 1863, ông mới chịu vào Huế dự thi. Hai năm sau đó thi đỗ Hoàng giáp và được triều đình bổ chức quan nhưng Nguyễn Mậu Kiến đã từ chối xin được trở về quê phụng dưỡng mẹ già. Năm 1867, ông lại được tiến cử vào kinh và được phong hàm Lại bộ lang trung; đồng thời được vua Tự Đức ban tặng 4 chữ “Học thuật khả quảng” (học thuật sâu rộng).
Những năm 1868-1870, giặc phỉ từ bên kia biên giới tràn sang hoành hành, cướp bóc gây náo loạn vùng biên ải phía Bắc. Trên cương vị Bang biện quân thứ Lạng Sơn, Án sát tỉnh Quảng Yên (nay thuộc Quảng Ninh), rồi Án sát tỉnh Lạng Sơn... Nguyễn Mậu Kiến đã chỉ huy nghĩa binh dẹp tan được nạn giặc phỉ, giữ yên bờ cõi.
Nguyễn Mậu Kiến là một người sống thanh bạch, bộc trực, thẳng thắn, dám cất tiếng nói lên án đám quan lại ức hiếp dân lành. Năm 1871, đau lòng vì quan quân nhà Nguyễn trước họa mất nước vẫn cứ lún sâu vào con đường cầu hòa, Nguyễn Mậu Kiến đã dâng sớ vạch tội đám quan lại hèn nhát đầu hàng giặc Pháp. Vì việc làm này mà ông bị bãi chức về quê. Nhìn thấy trước thế sự của đất nước, vốn mang trong mình lòng căm thù sục sôi quân xâm lược Pháp và nỗi oán giận sự ươn hèn của triều đình nhà Nguyễn trước họa xâm lăng, Nguyễn Mậu Kiến trở về quê cùng với hai con trai tiến hành mộ quân, xây dựng căn cứ chống quân xâm lược Pháp. Dưới ngọn cờ chống xâm lăng của ông đã quy tụ được hơn 2.000 nghĩa quân (lúc đông nhất lên tới gần 7.000). Nghĩa quân được trang bị vũ khí thô sơ tự tạo là chủ yếu, cùng với một số vũ khí cướp được của địch. Để có thêm nguồn vũ khí, Nguyễn Mậu Kiến đã thuyết phục gia đình tự bỏ tiền tìm mọi cách mua súng đạn từ vùng biên giới đem về trang bị cho nghĩa quân. Ngoài ra, mọi mặt bảo đảm hậu cần cho nghĩa quân rèn luyện binh mã và chiến đấu đều do một tay ông lo liệu.
Đúng như dự đoán của Nguyễn Mậu Kiến, sau khi nuốt gọn 6 tỉnh Nam Kỳ, năm 1873, thực dân Pháp hùng hổ kéo quân ra Bắc. Ngày 20-11-1873, chúng đánh chiếm thành Hà Nội rồi lần lượt đánh chiếm nhiều tỉnh, thành phố khác. Ngày 12/12/1873, quân Pháp đánh chiếm thành Nam Định. Từ căn cứ Động Trung (Thái Bình), Nguyễn Mậu Kiến đã cùng hai con của mình kéo quân sang tham gia chiến đấu bảo vệ thành Nam. Tại đây, nghĩa quân của ông đã sát cánh chiến đấu với các đạo quân của Bá hộ Trần Chí Thiện và Hoàng giáp Phạm Văn Nghị. Sau khi thành Nam thất thủ, Nguyễn Mậu Kiến cùng hai con thu quân kéo về tiếp tục xây dựng căn cứ kháng chiến ngay tại Kiến Xương quê nhà.
Dưới bàn tay của “kiến trúc sư” Nguyễn Mậu Kiến, Động Trung đã được xây dựng thành một căn cứ chống Pháp nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam Hạ. Căn cứ này trở thành nỗi khiếp sợ của quân xâm lược Pháp. Tại đây, ông đã vận động nhân dân triệt để lợi dụng địa hình và các lũy tre làng tổ chức thành những “làng chiến đấu”, tạo nên một hệ thống phòng thủ vững chắc. Nhờ vậy đã ngăn chặn thành công các đợt tiến công của quân Pháp, tiêu diệt được nhiều binh lực địch, bảo vệ được căn cứ Động Trung. Cảm phục trước tài năng và tinh thần kháng Pháp của Nguyễn Mậu Kiến, các đạo quân của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị và Tiến sĩ Doãn Khuê lúc này đang hoạt động ở vùng tả ngạn sông Hồng cũng liên kết sát cánh và hợp sức chặt chẽ với đạo binh của Nguyễn Mậu Kiến.
Lo sợ trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào chống Pháp ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là vai trò thủ lĩnh của Nguyễn Mậu Kiến, chỉ huy quân Pháp là F.Garnier từ thành Nam đã đích thân đưa quân sĩ và pháo thuyền xuôi sông Hồng tiến đánh căn cứ Động Trung. Tuy nhiên, dưới sự chỉ huy tài ba của Nguyễn Mậu Kiến, dựa vào các “làng chiến đấu”, nghĩa quân đã kiên cường chiến đấu để ngăn chặn các đợt tiến công của quân Pháp và gây cho chúng nhiều tổn thất. Cay cú và tức giận, F.Garnier cho phóng hỏa nhà của Nguyễn Mậu Kiến và nhiều kho quân lương nhằm triệt nguồn hậu cần của nghĩa quân. Không nao núng trước khó khăn, Nguyễn Mậu Kiến đã bình tĩnh chỉ huy nghĩa quân phản công chiếm lại đồn Chân Định (Kiến Xương), xây dựng lại căn cứ để tiếp tục duy trì cuộc chiến đấu.
Tháng 3/1874, triều đình Huế tiếp tục ký hiệp ước đầu hàng với Pháp (Hiệp ước Giáp Tuất); theo đó, triều đình ra lệnh cho các văn thân, sĩ phu yêu nước chống Pháp tại các địa phương trên khắp cả nước phải ngừng chiến đấu. Tuy nhiên, cũng như một số văn thân, sĩ phu khác, Nguyễn Mậu Kiến không chịu bãi binh mà vẫn duy trì lực lượng vũ trang và củng cố căn cứ kháng chiến chống Pháp. Vì vậy, ông bị triều đình “lột” hết chức tước phẩm hàm và bắt sung vào làm lính ở quân thứ Thái Nguyên, Tuyên Quang. Phải đến tháng 3-1877, nể phục tài năng của Nguyễn Mậu Kiến, Tổng đốc Nam Định là Nguyễn Trọng Hợp đã làm sớ dâng lên vua xin trọng dụng con người này. Nguyễn Mậu Kiến được cho về kinh nhưng cũng chỉ làm việc giảng dạy Thiên văn học.
Một con người như Nguyễn Mậu Kiến có lẽ không hợp với không gian bó hẹp trong triều. Không lâu sau đó, Nguyễn Mậu Kiến được cử ra sơn phòng Hưng Hóa giúp Thống đốc Quân vụ Bắc kỳ Hoàng Kế Viêm lo việc huấn luyện binh mã, củng cố binh lương. Suốt hai năm sát cánh cùng Thống đốc Quân vụ Hoàng Kế Viêm và Tuần phủ Hưng Hóa Nguyễn Quang Bích, ông đã góp sức xây dựng sơn phòng Hưng Hóa thành một căn cứ vững chắc, một trung tâm kháng chiến nổi tiếng ở Bắc Kỳ. Tại đây, ông vừa động viên binh sĩ hăng say luyện tập binh mã, vừa đẩy mạnh khai phá ruộng nương, chăm lo phát triển sản xuất, tích cực chuẩn bị về mọi mặt cho những cuộc chiến đấu sắp tới. Nguyễn Mậu Kiến cùng với Nguyễn Quang Bích và Hoàng Diệu (vừa ra thay Nguyễn Tri Phương làm Tổng đốc Hà Nội) gấp rút hoàn thành và trình lên vua Tự Đức bản “Kế hoạch phòng thủ”, trong đó nhấn mạnh việc phải dựa vào vùng rừng núi thượng du để bảo vệ miền trung du, lấy thành Sơn Tây làm đại bản doanh. Tiếc rằng ý định và sự nghiệp lớn của Nguyễn Mậu Kiến cùng các cộng sự còn dang dở thì ông đột ngột lâm trọng bệnh và qua đời vào ngày 8 tháng 9 năm Kỷ Mão (1879), hưởng thọ 60 tuổi. Ghi nhớ công lao và tài năng của Nguyễn Mậu Kiến, triều đình đã truy phong ông hàm Bố chính Gia nghị đại phu Tư trị khanh và nhà vua có sắc khen “Học bác thuyết chính”, “Hiếu nghĩa khả phong”.
Noi gương thân phụ, quyết không để ngọn lửa chống xâm lược Pháp trên quê hương lụi tàn, các con ông là Nguyễn Hữu Cương và Nguyễn Hữu Bản vẫn tiếp tục chỉ huy nghĩa quân chiến đấu. Người con thứ hy sinh trong trận chiến bảo vệ thành Nam Định (1883), còn người con cả sau đó cũng bị quân Pháp bắt và đày đi Cần Thơ.
Tấm gương vì nước, vì dân cùng những đóng góp của Nguyễn Mậu Kiến trên các lĩnh vực mở mang bờ cõi, phát triển kinh tế, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống... đặc biệt là những cống hiến quan trọng của ông trên lĩnh vực quân sự mãi mãi được hậu thế trân trọng và sử sách lưu danh./.