Quê hương trong trái tim nhà tình báo anh hùng
Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai (1920 - 2002) quê làng Đông Trì, nay thuộc xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình là một trong những hiện tượng ly kỳ, độc đáo của đội ngũ chiến sỹ biệt động thời chống Mỹ. Sự ly kỳ, độc đáo không chỉ ở những chiến công thầm lặng giữa sào huyệt địch mà còn chính là sự diệu huyền trong cuộc đời, sự nghiệp và lòng thủy chung, tận tụy với gia đình, với quê hương của một nhà tình báo tài ba.
Ông Trần Văn Lai (người đội mũ) đoàn tụ bên gia đình sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu.
Khi cất tiếng khóc chào đời thì địa chỉ khai sinh của ông Trần Văn Lai là làng Đông Trì, tổng Xuân Vũ, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Đến năm 1955, khi Năm Lai đang chuẩn bị cho quá trình hóa thân thành ông chủ thầu khoán trong Phủ Đầu Rồng (Dinh Độc Lập) để hoạt động tình báo thì làng Đông Trì đổi thành xã Vũ Đông thuộc huyện Vũ Tiên. Giữa năm 1969, trong khi ông đang bị chính quyền Sài Gòn truy lùng gắt gao thì xã Vũ Đông chuyển về huyện Kiến Xương. Từ năm 2008, xã Vũ Đông thuộc thành phố Thái Bình.
Mặc dù chỉ sống ở quê trong vòng hơn mười năm đầu đời và chút ít ngày vào những năm cuối đời nhưng dường như sống trong hoàn cảnh nào, dù mang tính danh Trần Văn Lai hay khi đã hóa thân thành Mai Hồng Quế, Năm U.Som hoặc Phạm Văn Sửu… với những thẻ căn cước ghi địa chỉ quê quán khác nhau thì tên gọi của quê hương: Vũ Đông - Vũ Tiên - Kiến Xương - Thái Bình vẫn không chút nguôi ngoai trong tâm trong trí và đã trở thành máu thịt của ông theo đúng nghĩa của từ này.
Người vợ thứ hai của anh hùng Trần Văn Lai là bà Đặng Thị Thiệp (Đặng Thị Tuyết Mai), một nữ điệp viên gan dạ, chưa một lần chịu mềm lòng trước uy vũ của kẻ thù và sự cám dỗ của đời thường nhưng mắt bà vẫn thường nhòa lệ khi kể về chuyện ông đặt tên con và viết thơ nhắc bà phải học thuộc lòng mà ru con để khi lớn khôn chúng còn biết tung tích quê hương bản quán mà tìm. Đã biết bao lần bà Thiệp kể về chuyện này với mọi người nhưng lần nào bà cũng nghẹn ngào, nuốt nước mắt mà thủ thỉ kể:
Vì bị lộ tung tích hoạt động, nữ điệp viên Phạm Thị Phan Chính - người vợ mà ông Lai hết mực yêu thương đã bị địch bắt, bị tra tấn dã man nhưng vẫn một mực không khai rồi qua đời vào ngày 30 tháng 9 năm 1964. Khoảng giữa năm 1966, ông Lai được giao nhiệm vụ vận chuyển và cất giấu vũ khí để chuẩn bị tấn công Dinh Độc Lập vào chiến dịch Mậu Thân - 1968. Để hợp lý gia đình và làm bình phong che mắt địch, ông đã mua ngôi nhà ở quận Phú Nhuận để đào hầm chứa vũ khí. Tại đây, bà Thiệp và ông Lai đã thương yêu nhau. Tổ chức đã sắp xếp cho hai người nên chồng nên vợ và họ đã có con trai đầu lòng vào cuối năm Bính Ngọ (đầu năm 1967). Sang năm sau sinh tiếp được người con gái. Ông Lai đặt tên con trai là Trần Vũ Đông, con gái là Trần Thị Vũ Tiên. Sau chiến dịch Mậu Thân - 1968, sống trong hoàn cảnh bị địch truy bắt gắt gao nhưng mỗi lần liên hệ được với bà là ông lại không quên khẩn khoản dặn dò: Rồi đây không biết vợ chồng mình sống chết ra sao, nên em phải thuộc lòng mấy câu thơ mà ru con để nếu có mệnh hệ gì thì chúng nó còn biết đường mà tìm về quê nội. Nghe lời chồng, ngày ngày bồng hai đứa con thơ dại trên tay, bà Thiệp ru ầu ơ:
Đông Tiên con hỡi Ngọ Mùi,
Lớn lên con hãy nghe lời núi sông.
Nội con ở xã Vũ Đông,
Vũ Tiên là huyện, tỉnh ta Thái Bình.
Tìm về nơi chốn ông cha,
Họ Trần tên Bảo thực là chú con.
Do ý thức được sự hiểm nguy khi đã dấn thân vào hoạt động cách mạng nên Trần Văn Lai luôn sẵn sàng đón nhận cái chết. Tuy không hề sợ chết nhưng ông thường canh cánh một nỗi lo là lỡ mình chết rồi, các con không biết quê hương ở đâu mà tìm về. Ông hy vọng có thể giải cứu được nỗi lo này bằng việc đặt tên cho các con tương thích với các địa danh trĩu nặng tình quê hương. Tiếp theo Trần Vũ Đông, Trần Thị Vũ Tiên, ông Lai và bà Thiệp còn bốn người con nữa là Trần Vũ Bình, Trần Vũ Minh, Trần Kiến Xương, Trần Thị Thanh Vân.
Xưa và nay, việc đặt tên con bằng những địa danh về quê hương bản quán vốn không phải là hiếm ở Việt Nam, nhưng trong hoàn cảnh mai danh ẩn tích, sống chết khôn lường mà vẫn luôn đau đáu nỗi niềm đặt tên con rồi lại làm thơ để nhắc nhở, để gợi nhớ cho các con hướng về quê hương của mình như Trần Văn Lai thì có lẽ là trường hợp hy hữu trong lịch sử nước nhà.
Thế mới hay, những điều phi thường, kỳ diệu của người anh hùng không phải chỉ có ở trong các công trạng, công tích họ đã làm nên mà còn là ở tình cảm, ở tâm thức, tâm hồn của họ đối với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Rất có thể là chí hướng, chí lớn của mỗi người anh hùng đều thường được khởi nguồn, được nuôi dưỡng từ hồn cốt quê hương của họ./.