A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quỳnh Phụ: Miền quê của những lễ tục cổ truyền đặc sắc

Địa danh huyện Quỳnh Phụ xuất hiện trên bản đồ hành chính Việt Nam từ ngày 17/6/1969, trên cơ sở sáp nhập huyện Quỳnh Côi và huyện Phụ Dực, vốn là hai huyện nằm trên dải đất cổ có bề dày truyền thống văn hóa, văn hiến, “sùng văn chuộng võ” và là một huyện có nhiều lễ hội cổ truyền với những lệ tục cổ xưa cùng những trò chơi, trò diễn đặc sắc, độc đáo vào bậc nhất tỉnh Thái Bình.

Trò tứ dân (sĩ - nông - công - thương) tại lễ hội La Vân, xã Quỳnh Hồng.

Là miền đất cổ, Quỳnh Phụ có tới gần một trăm làng mang tên Việt cổ như Uốp (An Ấp), Bệ (An Bài), Moi (Phong Xá), Cau (Lương Cầu), Rọc (An Dục), Mụa (Vũ Xá), Sổ (Vọng Lỗ), Nhống (Lộng Khê), Ón (Lai Ổn)… Ở những làng cổ này thường có lễ hội cổ truyền còn duy trì được nhiều lễ thức cổ xưa, trong đó có những lễ thức mang đậm dấu ấn của thời sơ khai nguyên thủy và những trò chơi trò diễn đặc sắc vốn vẫn được coi là tục lệ riêng của mỗi làng.  

Hội làng La Vân, xã Quỳnh Hồng mở vào ngày mùng 4 tết Nguyên đán với nhiều trò dân gian đặc sắc. Trò tứ dân (sĩ - nông - công - thương) được xác định như một tục trình nghề, xuyên suốt các hành động hội và được xem là hội độc đáo nhất trong các lễ hội trình nghề ở vùng châu thổ Bắc Bộ.

Làng Lộng Khê, xã An Khê khai hội từ ngày 21/3 và kéo dài đến hết ngày mùng 1/4 mới dã hội với nhiều nghi thức thờ Quốc sư Dương Không Lộ và Thái úy Lý Thường Kiệt có các trò chơi, trò diễn đặc sắc như đốt cây đình liệu, múa kéo chữ, đặc biệt là tục múa bát dật hiếm thấy trong cả nước.

Múa bát dật ở làng Lộng Khê, xã An Khê.

Làng Vọng Lỗ, xã An Vũ hiện còn sót lại dấu vết của khu rừng nguyên sinh quý hiếm với cây cối nhiều chủng loại khác lạ, um tùm rậm rạp. Giữa khu rừng nguyên sinh đầy ắp những huyền tích đậm vẻ linh thiêng, thần bí này là một ngôi miếu cổ có tên gọi miếu Go, gắn với tục múa bệt trong hội làng với tên gọi là lễ hội Tuân tòng sự tích. Nhiều yếu tố tín ngưỡng thần bí cổ xưa còn truyền lưu đến nay ở làng Vọng Lỗ, dân làng chỉ biết nhất tâm “Tuân tòng sự tích”, không ai dám tò mò, lý giải. Theo sự tích, vào thời Hùng Vương có bốn anh em kết nghĩa phò vua Hùng dẹp giặc về hóa thân ở Vọng Lỗ và đã có công đuổi hổ, bảo vệ dân làng. Từ sự tích này, dân làng Vọng Lỗ xây bốn ngôi đình thờ bốn anh em và Thần Hổ. Tục thờ bốn vị thành hoàng và thờ Thần Hổ làm Đức Thánh Cả gắn với lễ hội Tuân tòng sự tích và tục múa bệt để diễn tả lại sự tích đánh hổ và thờ Thần Hổ của làng.

Làng Xuân La, xã Quỳnh Xá hàng năm mở hội vào mùng 10 tháng Giêng với nhiều trò đua tài giải trí đặc sắc, trong đó có tục tung cầu mang tính thượng võ gắn với truyền thuyết hai anh em họ Đào luyện binh chống Tống từ thời Lý. Thể thức thi đấu gần với môn bóng rổ hiện đại. Hiện tại đình Xuân La còn lưu giữ được một quả cầu bằng gỗ, đường kính khoảng 35cm, nặng khoảng 5kg và một bộ cầu môn. Hàng năm chỉ khi nào làng chuẩn bị vào hội mới được đưa ra tập luyện để thi đấu trong hội làng.

Làng An Phú và làng Xuân Trạch, xã Quỳnh Hải có lệ chiềng rối vào ngày mùng 6/4 âm lịch thu hút nhân dân trong vùng đến xem rất đông. Rối làng Đó, làng Trạch là những quân rối như hình đầu người sơn son thếp vàng. Đầu rối quanh năm được cất kín trong hòm, chỉ đến ngày giỗ rối mới mang ra tắm bằng nước giếng trong, tráng nước thơm rồi cắm lên giá thờ, đặt đối diện nhau giữa cung đình trước bàn thờ thành hoàng để làm lễ tế rối. Tế xong thì chiềng. Đây là một loại hình múa rối cạn được coi là độc nhất vô nhị ở Thái Bình.

Đền A Sào, xã An Thái thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn xưa là “Đệ nhị sinh từ”. Hàng năm, dân A Sào thường mở hội vào trung tuần tháng 2 âm lịch với nhiều loại hình đua tài giải trí và diễn xướng dân gian, trong đó có tục thi giã bánh dày với sự tích dân làng giã bánh dày làm lương ăn cho đại binh của Trần Hưng Đạo đi đánh trận Bạch Đằng giang.

Hội làng Nghìn, thị trấn An Bài có tục thi gói bánh chưng. Theo định lệ, hàng năm dân làng Nghìn mở hội thi gói bánh chưng vào ngày 6 - 7 tháng Giêng. Dân làng Nghìn xưa để mỗi giáp 5 sào ruộng công điền giao cho người trong giáp cấy lúa nếp để theo lệ của làng. Làng Nghìn xưa có 7 giáp, mỗi giáp gói một chiếc bánh chưng khổng lồ rước ra đình tế Thánh và dự thi.

Đền Đồng Bằng, xã An Lễ thờ vua cha Bát Hải Đại vương, mẫu Tam phủ, đức thánh Trần. Nơi đây là một trong những trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ lớn nhất của Việt Nam và đền Đồng Bằng cũng nức tiếng linh thiêng vào bậc nhất. Theo định lệ, vào trung tuần tháng 8 âm lịch hàng năm đền Đồng Bằng mở hội. Từ xa xưa hội đền Đồng Bằng đã thu hút con dân đất Việt tứ phương “đi trình về tạ”. Lễ hội Đồng Bằng có sức hấp dẫn, lôi cuốn vì sự linh ứng của các vị thần được thờ ở đền và vì sự hấp dẫn của các trò chơi, sự cuốn hút của tục chầu văn, lên đồng...

Đền Đợi, xã Đông Hải cũng nổi tiếng là linh ứng. Thuở xưa, nhiều nơi thường tìm về làm lễ “đảo vũ” (cầu mưa). Hội đền Đợi vốn là hội lớn trong vùng. Lễ hội thường diễn ra từ ngày mùng 8 đến ngày 16/2 âm lịch. Đến nay, lễ hội đền Đợi còn duy trì được khá nhiều lễ thức cổ truyền, trong đó có tục rước nước và tiễn thuyền.

Hội làng Giành, xã An Ninh được tổ chức từ 14 - 16/2. Mở đầu lễ hội là nghi thức “tắm voi”. Nước tắm voi được lấy từ bể nước xây giữa hồ ở trước cửa đình. Sau lễ tắm, voi được rước về vị trí quy định trong đình để tế lễ, lễ vật dâng cúng có xôi, gà, lợn sống để nguyên con. Thuở xưa, hội làng Giành có tục thi lợn (thi Hỗng), thi gà, nay chưa khôi phục được.

Một số lễ hội cổ truyền của Quỳnh Phụ có những trò đua tài giải trí đặc sắc nhưng đã bị thất truyền, chưa khôi phục được. Ví như tục “vờn đẩu” ở hội làng Chung Linh, xã Quỳnh Khê; tục “dồn phết” ở hội làng Ngẫu Khê, xã Quỳnh Khê; tục kéo thuyền trên cạn ở hội làng Bương, xã Quỳnh Ngọc; hát đúm, hát ống, hát trống quân… ở một số hội làng trong huyện.

Múa kéo chữ ở làng Phụng Công, xã Quỳnh Hội.

Cho đến nay, Quỳnh Phụ là huyện còn duy trì được nhiều loại hình dân vũ cổ truyền nhất ở Thái Bình. Có những điệu múa cổ thu hút hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tham gia như múa kéo chữ ở các làng La Vân, Lộng Khê, An Ấp, An Ký, Tài Giá, Phụng Công... Quỳnh Phụ là huyện duy nhất có múa kéo chữ. Tương truyền tục múa này có từ thời nhà Trần. Khi Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương và các tướng súy nhà Trần đóng binh ở đây để chống giặc Nguyên Mông đã dùng trò chơi này để luyện binh. Múa kéo chữ được coi là một hình thức nghệ thuật hóa cách bày binh bố trận đánh giặc với các lớp múa mang tên “trận đồ bát quái”, “vây đồn”, “bổ đồn” và kéo chữ “thái bình”, “vạn tuế”...

Từ nhiều năm qua, các tiềm năng, tiềm lực về hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống của huyện Quỳnh Phụ đã được khai thác và phát huy, đã góp phần có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa./.


Tác giả: Nguyễn Thanh
Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 534
Hôm qua : 4.833
Tháng 10 : 28.482
Năm 2024 : 4.035.268