A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tết Thanh minh - hướng về nguồn cội

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, từ xa xưa, tết Thanh minh là ngày lễ quan trọng, thiêng liêng trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam. Đây là dịp để các gia đình, dòng họ tổ chức tảo mộ, sửa sang lại phần mộ của gia đình, dòng tộc cho khang trang, sạch sẽ, quây quần bên nhau nhớ về ông bà, tổ tiên, cùng hướng về nguồn cội của mình.

Tết Thanh minh gắn liền với nghi lễ tảo mộ của các gia đình, dòng họ.

Nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy về văn học dân gian, nhà thơ Nguyễn Ánh Tuyết, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình chia sẻ: Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du có viết: “Thanh minh trong tiết tháng ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Tết Thanh minh mang đậm nét văn hóa của người Việt. Đây là ngày đầu tiên của tiết Thanh minh - 1 trong 24 tiết khí của năm. Theo nghĩa đen, thanh là khí trong, minh là tươi sáng. Tiết Thanh minh là khi bầu trời đã trở nên quang đãng sau những cơn mưa bụi của mùa xuân. Trước đây, đa số các ngôi mộ chỉ được đắp đất, dựng bia nên hàng năm vào dịp này con cháu tổ chức dọn cỏ, dặm đắp thêm để ngôi mộ được tôn cao trước sự bào mòn của thời gian, thời tiết. Ngày nay, dù các ngôi mộ đều đã được xây dựng bằng nhiều loại vật liệu kiên cố nhưng phong tục xưa vẫn được giữ gìn để chốn yên nghỉ của người thân trong gia đình, dòng họ được ấm cúng. 

Theo phong tục truyền thống, vào dịp này, những người con xa quê dù bận mải với bộn bề cuộc sống thường nhật cũng cố gắng sắp xếp thời gian để trở về tảo mộ những người thân đã khuất. Trong khi nhiều gia đình, dòng họ mặc định cúng vào ngày chính như một truyền thống để các thành viên không phải xác nhận lại thời gian mỗi dịp thì cũng có những gia đình linh hoạt tổ chức vào dịp cuối tuần gần nhất để con cháu có điều kiện hội tụ đông đủ. Sau khi đi tảo mộ gia tiên, các gia đình làm lễ cúng tại nhà, dâng mâm cỗ cúng lên ban thờ rồi sum vầy ăn uống, trò chuyện, gắn kết tình nghĩa gia đình. 

Vì ngày tết Thanh minh năm nay diễn ra vào dịp giữa tuần nên bà Nguyễn Thị Hoa, xã Tây Ninh (Tiền Hải) tranh thủ dịp cuối tuần đưa 2 con hiện đang sinh sống và học tập tại Hà Nội về dâng hương tổ tiên tại nghĩa trang của xã. Vừa hướng dẫn các con nhổ cỏ, bày biện đồ lễ, bà Hoa vừa cho biết: Năm nào cũng vậy, gia đình tôi đều đưa con đến mộ phần của gia đình thắp hương cho ông bà, tổ tiên và cả những ngôi mộ xung quanh. Không chỉ gia đình tôi mà các gia đình trong dòng họ đều gìn giữ truyền thống này như một sợi dây liên kết để thế hệ hôm nay luôn nhớ về và kính trọng tổ tiên, noi theo truyền thống cha ông, thêm ý chí quyết tâm học tập, công tác giỏi giang trở thành những công dân có ích cho xã hội. 

Còn với anh Phạm Thanh Ngọc (Thành phố Hồ Chí Minh), sau nhiều năm sinh sống và làm việc xa quê, dịp tết Thanh minh này anh đưa bố mẹ về dâng hương ông bà, tổ tiên tại nghĩa trang thị trấn Kiến Xương. Với anh, đây cũng là dịp gặp gỡ đông đủ họ hàng. Anh chia sẻ: Gia đình chúng tôi có truyền thống tết Thanh minh con cháu trong dòng họ lại tụ họp về quê hương tảo mộ, quây quần tại từ đường. Bên mâm cơm thụ lộc, mọi người gác lại lo toan thường nhật để dành thời gian chuyện trò, chia sẻ câu chuyện cuộc sống. Bởi vậy, đây còn là dịp gắn kết tình cảm giữa các gia đình trong một đại gia đình là dòng họ. 

Ông Đặng Đình Dung, trưởng tộc họ Đặng làng An Để, xã Hiệp Hòa (Vũ Thư) cho biết: Niềm tự hào của dòng họ là hàng năm cứ vào dịp Thanh minh con cháu từ Nam ra Bắc tề tựu đông đủ dâng hương ở các mộ phần và sum họp tại nhà thờ tổ của dòng họ. Đây là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gắn kết con cháu họ Đặng cùng nhau hướng về nguồn cội. 

Con cháu dòng họ Đặng dâng hương tổ tiên trong ngày tết Thanh minh. 

Dù mang ý nghĩa gì thì tựu trung tết Thanh minh là ngày của nghĩa tình, ngày của lòng biết ơn và là một trong những hoạt động văn hóa truyền thống lâu đời. Các nghi lễ có thể giản tiện để phù hợp hơn với nhịp sống hiện đại nhưng đó vẫn luôn là thời gian để mọi người gặp gỡ, sum vầy, nhắc nhau nhớ về về truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc. 


Tác giả: Tú Anh
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 12.393
Hôm qua : 22.361
Tháng 09 : 312.967
Năm 2024 : 3.810.225