Thiết chế văn hóa, thể thao: Cần được đầu tư đồng bộ - Kỳ 2: cần những giải pháp “đòn bẩy”
Sau thời gian triển khai Nghị quyết số 13, đến nay hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở một số nơi vẫn còn xuống cấp, trang thiết bị phục vụ hoạt động thiếu, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn cũng như việc tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân.
Giải bóng bàn các câu lạc bộ tranh cúp Báo Thái Bình năm 2023 diễn ra tại nhà thi đấu TDTT đa năng tỉnh.
Một trong những chỉ tiêu chưa đạt tiến độ đề ra trong Nghị quyết số 13 là “Phấn đấu đến năm 2020: cấp tỉnh 50% số cơ sở được đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa bảo đảm có đủ các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh”. Hiện nay, các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh do ngành văn hóa, thể thao và du lịch quản lý gồm 5 đơn vị, trong đó 2/5 đơn vị (tỷ lệ 40%) đã được đầu tư xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa lớn. Trong đó có Thư viện tỉnh là thiết chế văn hóa hiện đại được xây mới, đưa vào sử dụng từ tháng 10/2020 và 2 nhà thi đấu do Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh quản lý. Nhà thi đấu thể dục thể thao (TDTT) đa năng tại phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) được cấp kinh phí sửa chữa lớn vào năm 2022 đến nay về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu tổ chức các hoạt động, sự kiện, giải thể thao cấp tỉnh, cấp quốc gia. Nhà thi đấu TDTT đường Hai Bà Trưng (thành phố Thái Bình) được cấp kinh phí sửa chữa trong các năm 2021, 2022 hiện là nơi tập luyện của VĐV và tổ chức một số giải thể thao của tỉnh, của các ngành. Về cơ bản, các thiết chế văn hóa, thể thao này đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa văn nghệ, tập luyện, thi đấu thể thao của nhân dân.
Lớp tập huấn văn hóa, văn nghệ của Trung tâm Văn hóa tỉnh dành cho cán bộ văn hóa cơ sở.
3 thiết chế văn hóa cấp tỉnh hiện nay đã xuống cấp, không bảo đảm yêu cầu hoạt động là Trung tâm Văn hóa tỉnh, Bảo tàng tỉnh và Nhà hát Chèo Thái Bình. Hiện nay, Trung tâm Văn hóa tỉnh đang sử dụng 4 cơ sở, hầu hết đều đã xuống cấp, trong đó cơ sở 1 là trụ sở chính đang xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn với trang thiết bị cũ, lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu chất lượng hoạt động chuyên môn nghiệp vụ.
Ông Lê Tiến Lượng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh chia sẻ: Được thành lập từ tháng 11/2018 trên cơ sở sáp nhập Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh, Nhà Triển lãm thông tin, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, hiện nay Trung tâm Văn hóa tỉnh tuy quản lý 4 cơ sở nhưng với những chương trình, hội thi, hội diễn lớn đều phải tổ chức ở các địa điểm ngoài Trung tâm. Bởi nhà rạp tại trụ sở chính là nơi thường diễn ra các hoạt động của Trung tâm không kể việc đã xuống cấp nghiêm trọng thì còn có không gian nhỏ, số lượng chỗ ngồi ít, không đáp ứng được với những hội thi có sự tham gia của cả 8 huyện, thành phố. Thuê địa điểm tổ chức ở bên ngoài cũng đồng nghĩa với việc Trung tâm tiếp tục phải thuê trang thiết bị sân khấu, ánh sáng, âm thanh... bởi những thiết bị của Trung tâm hiện có chỉ đáp ứng được sân khấu nhỏ.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Bảo tàng tỉnh - nơi đang lưu giữ 1 trong 2 bảo vật quốc gia đã được công nhận của tỉnh Thái Bình, ngoài ra còn có hơn 47.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh giới thiệu toàn diện về tự nhiên, lịch sử, văn hóa của tỉnh Thái Bình từ thời kỳ tiền sử, sơ sử đến ngày nay. Tại Bảo tàng tỉnh hàng năm đều diễn ra 2 - 5 cuộc trưng bày chuyên đề, thu hút hàng chục nghìn khách tham quan.
Ông Đỗ Quốc Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đã xuống cấp, hệ thống phòng cháy, chữa cháy bị hư hỏng không bảo đảm an toàn cho việc lưu trữ tài liệu, hiện vật khi có sự cố xảy ra. Các loại trang thiết bị bảo quản hiện vật cơ bản đã cũ và lạc hậu, diện tích kho lưu trữ hạn hẹp gây khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu công việc. Hiện vật trưng bày ngoài trời như máy bay, xe tăng, pháo, tên lửa... chưa có mái che ảnh hưởng đến tuổi thọ của hiện vật... UBND tỉnh đã có kế hoạch di chuyển Bảo tàng tỉnh sang địa điểm mới nên hiện nay với trách nhiệm của những cán bộ đang làm nghề và yêu nghề, chúng tôi nỗ lực cố gắng khắc phục khó khăn, lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương.
Ngoài những thiết chế văn hóa cấp tỉnh cần sớm được đầu tư, tại một số địa phương, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố được cải tạo, nâng cấp từ các công trình cũ như trường mầm non, trụ sở hợp tác xã, trạm y tế... nên còn nhỏ hẹp, quy mô, thiết kế không bảo đảm theo quy định. Một số địa phương, đặc biệt là các tổ dân phố rất khó khăn trong bố trí quỹ đất đủ diện tích theo quy định để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao. Trong khi đó, có những nơi đã quy hoạch đủ diện tích đất nhưng kinh phí dành cho xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao còn hạn hẹp, không đáp ứng được yêu cầu đề ra. Năm 2022, trong 100 thôn đủ điều kiện được nhận kinh phí thực hiện đề án hỗ trợ và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, có 4 thôn xin không tiếp tục thực hiện đề án do không bố trí đủ nguồn vốn đối ứng như đã cam kết. Trong khi tại nhiều địa phương thiết chế văn hóa, thể thao đang dần đóng vai trò quan trọng trong đời sống của cộng đồng dân cư thì cũng có những nơi các thiết chế chưa thể phát huy hết công năng sử dụng khi các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra còn thưa thớt, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Một trong những nguyên nhân được ngành văn hóa xác định là kinh phí dành cho hoạt động văn hóa, thể thao các cấp còn thấp, chưa đáp ứng được việc tổ chức, quản lý, duy trì hoạt động thường xuyên và tổ chức những hoạt động hấp dẫn, mới mẻ thu hút người dân. Bên cạnh đó, theo thống kê của ngành văn hóa, trên địa bàn tỉnh hiện nay số lượng công chức văn hóa xã bố trí kiêm nhiệm vẫn còn nhiều; cán bộ quản lý thiết chế văn hóa, thể thao thôn, tổ dân phố chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn.
Như vậy, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đã khó nhưng nâng cao hiệu quả hoạt động, để các thiết chế thực sự gắn bó với đời sống của người dân còn là công việc đòi hỏi tâm huyết và sự bền bỉ nhiều hơn. Nghị quyết số 13 đã tạo tiền đề quan trọng để người dân có cơ hội được thụ hưởng đời sống văn hóa tinh thần, có không gian tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe ngay tại khu dân cư. Vấn đề là sự vào cuộc quyết tâm hơn nữa từ các cấp chính quyền, vai trò chủ động của mỗi người dân bởi khi cả cộng đồng cùng chung tay gắng sức, mỗi thiết chế sẽ thực sự trở thành tài sản giá trị về cả vật chất và tinh thần, từ đó có sức sống lâu bền hơn.
Hoạt động đồng diễn dân vũ tại Nhà thi đấu thể dục thể thao đa năng tỉnh.