Thượng thư Lương Quy Chính
Trong hệ thống sông ngòi dẫn thủy nhập điền trên địa bàn tỉnh Thái Bình, sông Sa Lung dài gần 40km nằm ở phía Bắc của tỉnh, khởi từ thượng nguồn sông Luộc, là dòng sông có vai trò quan trọng vì đã góp phần làm giảm hẳn nạn vỡ đê sông Hồng và biến hàng chục nghìn hec-ta đồng đất Thái Bình từ canh tác một vụ thành hai vụ. Dòng sông ấy được vị thượng thư Lương Quy Chính chỉ huy đào khi tuổi đã ngoài 70, cáo quan về quê nhưng không an phận tuổi già.
Nhà thờ Thượng thư Lương Quy Chính tại xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng. Ảnh tư liệu.
Cuộc đời làm quan liêm khiết
Năm 32 tuổi, Lương Quy Chính nhập hoạn đồ. Từ đó, trong gần 40 năm, cụ là bậc quan hiếm hoi "lên ngựa coi quân, xuống ngựa coi dân", luôn được triều đình phái đến những nơi khó khăn nhất.
Khi Lương Quy Chính đang thụ chức Tri huyện Phong Doanh thì Tri phủ Nho Quan (Ninh Bình), một tên tham quan, đã bị dân nổi loạn giết chết. Ngay lập tức, Lương Quy Chính được thăng Tri phủ, cử tới Nho Quan thay thế. Không quản ngại gian khó, ngay khi đến nơi, ông lập tức đi tìm hiểu nguyện vọng của nhân dân, từ đó ban hành nhiều biện pháp cải thiện cuộc sống. Nhân dân trở nên no đủ, đời sống vì thế mà bình yên.
Tình hình biên giới phía Bắc nước ta ngày ấy vô cùng phức tạp. Giặc phương Bắc tràn sang cướp bóc, chém giết nhân dân các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên rất tàn khốc. Với uy danh của mình, Lương Quy Chính được triều đình sung chức Tán lý quân vụ, đem quân dẹp giặc. Dưới sự chỉ huy tài tình của Lương Quy Chính, quân ta lần lượt dẹp tan từng toán giặc, biên giới trở lại bình yên, cương vực quốc gia được bảo vệ vững chắc.
Nhờ thành tích ấy, Lương Quy Chính được giao trọng trách bảo vệ thành Bắc Ninh, khi đó đang bị giặc Pháp uy hiếp. Quân Pháp vượt sông Hồng tấn công Gia Lâm, Lương Quy Chính kịp thời đưa quân từ Bắc Ninh đến chi viện cho quân triều đình làm giặc phải trở lại Hà Nội. Bị bao vây, tướng giặc Henri Riviere đưa quân tháo chạy về phía Tây, kết quả là bỏ mạng tại Cầu Giấy.
Câu đối "Nam phi Bình bất chính, Bắc phi Chính bất bình" (có nghĩa: Miền Nam không có Vũ Trọng Bình, miền Bắc không có Lương Quy Chính thì không có bình yên) được truyền tụng là do vua Tự Đức tặng phần nào đã nói lên công lao của ông.
Thời vua Đồng Khánh, Lương Quy Chính được phong Thượng thư Bộ hộ. Sau khi vua Thành Thái lên ngôi, ông còn được giao nhiều chức vụ quan trọng khác. Vua Thành Thái là vị vua có tư tưởng chống Pháp, có chí khôi phục lại giang sơn nên người Pháp hiểu, nếu để "vua ấy, tôi ấy" bên cạnh nhau thì ắt có chuyện. Chúng đã ép vua Thành Thái phải cho Lương Quy Chính về hưu, và sau đó chỉ mấy tháng vua Thành Thái cũng bị phế truất, đày đi ngoại quốc.
Cuộc đời làm quan của Thượng thư Lương Quy Chính uy hùng nhưng trong cuốn sách "Thái Bình phong vật chí", Tổng đốc Thái Bình Phạm Văn Thụ đã nhận định "Làm quan trong vòng 40 năm mà gia sản chẳng khác gì một kẻ hàn nho. Duy về việc ruộng đất, tình trạng nghề nông tốt xấu ra sao lại rất am tường, thông thuộc".
Về vị danh nhân này, Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier cũng ca ngợi: "Là một quan chức đáng kính và một bậc quân tử. Biết rất rõ các tính chất của đất đai, hiểu sâu các vấn đề về thủy lợi... Đại diện hiếm hoi cho các quan chức cũ và tuy làm đến Thượng thư Bộ hộ, Lương Quy Chính vẫn sống trong một ngôi nhà tranh như các hương chức trong làng. Ông đã từ quan một cách cao thượng khi chúng ta tới. Nhưng chỉ vì muốn làm lợi cho dân chúng, ông đã làm đủ cách để các cố gắng của chúng ta có hiệu quả".
Khu lăng mộ thượng thư Lương Quy Chính tại xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng. Ảnh tư liệu.
Lo toan việc sông nước
Thượng thư Lương Quy Chính quê ở xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng ngày nay, xưa là làng Phú Khê, huyện Thần Khê. Chữ Phú Khê mang nghĩa là nhiều nước, Thần Khê được hiểu là một miền sông nước thần diệu. Điều đặc biệt, tên hiệu của Thượng thư Lương Quy Chính là Mộ Khê, với nghĩa là người lo toan việc sông nước.
Quê hương cụ Lương Quy Chính như bao ngôi làng khác của miền quê lúa là làng nông nghiệp điển hình, bởi vậy mà việc nước nôi luôn được đặt lên hàng đầu.
Năm 1895, cụ Lương Quy Chính trở về quê nhưng không an nghỉ tuổi già, dù lúc đó đã ngoài 70. Lòng cụ vẫn đau đáu vấn đề cuộc sống của người dân Thái Bình. Bởi khi ấy, với dân số ngót một triệu người, Thái Bình là tỉnh đông dân của Bắc kỳ. Vậy nhưng, thiên tai, úng lụt luôn đe dọa, những trận bão khủng khiếp cướp trắng mùa màng. Nạn đói hoành hành, đời sống nhân dân bấp bênh. Đồng đất mưa là úng, nắng là hạn, phần lớn chỉ cấy được một vụ.
Làm sao cho đời sống nhân dân no đủ? Từ nỗi băn khoăn ấy, cụ Lương Quy Chính đã làm được một việc cao cả mang lại những thịnh vượng, tốt lành cho quê hương. Đó là đào hệ thống sông Sa Lung dài gần 40km trên phần đất phía Bắc tỉnh Thái Bình và sau đó là tham gia đào sông Kiến Giang ở phía Nam tỉnh.
Sông Sa Lung do Thượng thư Lương Quy Chính trực tiếp chỉ đạo khơi thông. Ảnh tư liệu.
Công việc đào sông Sa Lung kéo dài suốt 5 năm mới hoàn thành, trong đó tổng cộng phải đào tới 1,1 triệu khối đất. Chính cụ đã thiết kế, lập kế hoạch, xin tài chính, điều nhân công và trực tiếp chỉ huy việc đào sông. Vị Thượng thư hưu trí đã để lại cho quê lúa một hệ thống sông đồ sộ với gần 40km sông chính, 11 sông nhánh, 400 cống nước, giúp hưởng lợi cho 4.200ha ruộng lúa. Từ đó, không những giảm hẳn nạn vỡ đê, ngập úng, đồng đất cày cấy được hai vụ trong năm mà còn mở mang giao thông vận tải.
Hoàn thành những công trình kỳ vĩ cho quê hương, Thượng thư Lương Quy Chính về trời ở tuổi 82. Mộ của cụ được đặt cạnh dòng sông Sa Lung, với tên chữ là Trực Giang: dòng sông đào thẳng. Ở nơi đây, hẳn là người có tên Quy Chính: trở về với sự chính trực, mang hiệu Mộ Khê: lo toan việc sông nước, đã cảm thấy an lòng. Con cháu thành kính đến thắp hương phần mộ của tổ tiên vẫn luôn nhớ tới lời dặn dò của vị Thượng thư năm nào: Chớ có làm điều gì khiến cho dân chúng phải khó nhọc, phiền hà./.