A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm hiểu phong tục lễ Yến Lão ở làng Diệc xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

Thái Bình nổi tiếng là đất chèo; là quê hương của múa rối nước, múa rối cạn; nhưng : "Phong tục lễ Yến Lão” - (mừng lên lão) của người làng Diệc, xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình  thì không phải ai cũng biết... Lễ dâng cỗ yến lão để mừng ngày lên lão (ra lão) của người dân làng Diệc diễn ra vào ngày mồng 3 Tết tháng giêng âm lịch - đầu xuân mới hàng năm.

Sự kết tinh nghệ thuật và tài năng ẩm thực của người làng Diệc được thể hiện rõ nét nhất trong mâm cỗ yến lão "mừng lên lão" vào ngày đầu xuân

Làng Diệc nằm ở phía bắc xã Tân Hòa, phía đông và bắc giáp xã Canh Tân; cách trung tâm của huyện Hưng Hà khoảng 10km. Làng Diệc (còn có tên gọi là Riệc); tên trước đây của làng: "Làng Mỹ Dặc" - theo các cụ già ở địa phương  thì Mỹ Dặc có nghĩa là dải đất đẹp, còn nguồn gốc có tên là Diệc - "Riệc" thì do từ thuở xa xưa nơi đây cây cỏ um tùm, sông ngòi chằng chịt, đầm lầy mênh mông, vì thế có nhiều đàn chim, cò, tới trú ngụ, kiếm ăn làm tổ. Vì thế mới gọi là Diệc - "Riệc".

Làng Diệc là vùng đất cổ có cư dân sống từ thời nhà Lý. Hậu duệ của dòng họ Lưu là Lưu Lượng làm quan Thái phó cuối triều Lý; Khi về hưu , sống tại làng Diệc; ông đã cho xây chùa làng, làm việc thiện giúp đỡ những người nghèo khổ. Sau khi ông mất, nhân dân trong vùng đã lập miếu, xây đình và tôn ông là một vị thần hoàng của làng để quanh năm hương khói.

Hiện ở miếu, đình làng Diệc còn lưu giữ nhiều đạo sắc phong của các triều đại phong kiến ban tặng cho ông. Trong đó có bản sắc phong năm 1783 triều vua Lê Cảnh Hưng đã giúp  xác định: Đức Ông Lưu Lượng là quan Thái phó, khai quốc công thần triều Trần. Hiện tại ngôi đình còn lại ở làng Diệc thờ ông - là ngôi đình thứ ba (hai ngôi đình trước nay chỉ còn ở phế tích) - được xây dựng vào năm Thành Thái thứ XIII (1902 - triều Nguyễn); quần thể di tích: chùa, miếu, đình của làng Diệc đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1993.

Bên cạnh chùa là ngôi miếu thờ Thành Hoàng: Quan Thái phó Lưu Lượng. Hàng năm cỗ yến lão được tổ chức tại đây vào ngày mồng 3 tháng giêng  hàng năm; và ngày giỗ của quan Thái phó Lưu lượng , từ ngày 14  đến 16/3 âm lịch dân làng mở hội để tế Thành Hoàng.

Sự kết tinh nghệ thuật và tài năng ẩm thực của người làng Diệc được thể hiện rõ nét nhất trong mâm cỗ yến lão "mừng lên lão" vào ngày đầu xuân mùng 3 Tết âm lịch hàng năm. Vậy lên "lão" là gì? Cỗ "yến lão" như thế nào?

Xưa kia ở nước ta, tuổi thọ trung bình của người dân là thấp, vì thế những người ở tuổi 50 đã được xếp vào hàng bô lão. Theo phong tục ở làng Diệc thì trước khi bước sang tuổi được gọi là lão,là cụ thì những người này phải thực hiện một lễ gọi là "Yến Lão - Lên lão" - (có nhiều nơi gọi là "Khao lão". Đây là một lễ tục đẹp, thể hiện sự kính trọng các bậc cao niên. "Yến lão" là tiệc rượu - mở tiệc mừng thọ các lão. Tại làng Diệc, lên "Lão" là thể hiện sự kính trọng người cao tuổi; là một hình thức mừng thọ và báo hiếu cha mẹ, ông bà và cũng là một dịp vui mừng cho cả gia đình, dòng họ.

Vì sao lại có tục lên lão? Vào thời xa xưa tuổi thọ trung bình của người Việt Nam rất thấp; vì thế khi người ta vượt qua được vận hạn của tuổi 49 và 53 là một điều mừng và có thể coi như hết hạn; bắt đầu vào tuổi trường sinh, đáng ăn mừng lên bậc lão. Tục lên lão ở làng Diệc có từ bao giờ? cho đến nay trong các tư liệu lịch sử ở địa phương, của các dòng họ… đều không có ghi chép về nguồn gốc của phong tục này. Theo các cụ cao tuổi cho biết : tục lên lão ở đây đã trải qua hàng chục đời cha truyền, con nối theo lệ làng. Đặc biệt xã Tân Hòa có 9 làng (thôn) thì chỉ có làng Diệc mới có tục "Yến lão" - lên lão. Cụ Dương Quang Mãn (83 tuổi) và các cụ cao niên khác ở trong làng cho biết: "Lễ lên lão ngày xưa được tổ chức ở ngoài đình - Dự cỗ lên yến lão là cùng ăn chung ở đình.. Đặc biệt phong tục lên lão ở làng Diệc chỉ có đàn ông mới được lên lão - dự yến lão. Nếu 54 tuổi mà không làm lễ yến lão trình làng để được lên lão thì  kể cả sau này những người đó có giàu nứt khố đổ vách mà muốn lên lão thì cũng không được hội tư văn và dân làng chấp nhận. Phong tục lên lão ở làng Diệc không phân biệt giàu nghèo; từ người dân cùng đinh cho tới lý trưởng, chánh tổng, quan chức cứ 54 tuổi là được làm lễ lên lão, nhưng chỉ có đàn ông mới được làm lễ lên lão.

Dự yến tiệc trong lễ yến lão ở làng Diệc  thì chỉ có những người đàn ông từ 54 tuổi trở lên( mà đã làm lão), những người đang phải chịu tang ông bà nội ngoại, bố mẹ, chú bác, anh chị em đều không được mời đi ăn cỗ yến lão.

Để chuẩn bị cho lễ "ra lão" vào đầu xuân mới thì những người sắp qua tuổi 53 và chuẩn bị sang tuổi 54 ở làng Diệc thường họp nhau lại vào tháng cuối năm, ít nhất cũng phải có từ 2 - 3 cuộc họp để chuẩn bị cho buổi lễ lên lão vào ngày 3 tết hàng năm. Họ bầu ra trưởng tràng (tổ trưởng). Trưởng tràng được chọn phải là người có bố cao tuổi nhất so với tuổi bố của những người cùng làm lễ lên lão năm đó; tiếp đó người ta bầu ra vị Phó tràng và thư ký để giúp việc cho Trưởng tràng: ghi chép, phân công công việc, thống nhất mua thực phẩm gì và đóng góp tiền bạc để chuẩn bị làm cỗ yến lão - lên lão.

Quy tắc mời cũng được tuân thủ nghiêm ngặt: khách mời phải có một lão bên họ nội, một lão bên họ ngoại, một lão là hàng xóm, một lão cùng làng. Thậm chí là một lão đầu làng, một lão cuối làng và một lão đang sống ở xa quê. Ngay cả việc đi mời các lão của năm trước cũng phải theo đúng lệ: các lão mới phải trực tiếp chồng hoặc vợ hay người thân trong gia đình đi mời; chỉ mời một lần, nếu cụ nào không đến dự lễ yến lão thì cũng không được lấy phần về. Khi đến mời phải đem theo một quả cau, một lá trầu…lúc đến nhà khách mời (dù có là họ hàng thân thích bằng vai hay thấp vai nhưng có tuổi tác lớn hơn thì người đến mời vẫn phải trịnh trọng khoanh tay và mời rất lễ phép: bẩm cụ hôm nay ông B (tên của người làm lão năm nay) nhà con đã qua tuổi 53, sắp sang tuổi 54; trước có cơi trầu mời cụ sáng mồng 3 Tết ra miếu làm lễ tế thánh, tế thành hoàng, sau đó mời cụ về nhà chúng con để thụ lộc".

Đến tối ngày 30 (giáp tết), các lão mới cũng phải đội một mâm lễ ra miếu, đình để tế thánh. Sáng mồng 2 tết anh em con cháu của những người làm lễ yến lão tập trung để chuẩn bị làm lễ cho kịp sáng ngày mồng 3 mang ra miếu, chùa, đình cúng Thành Hoàng, cúng Phật. Cỗ lão là một phần rất quan trọng của lễ lên lão, nó thể hiện được chiều sâu ý nghĩa về vật chất, tinh thần và khả năng ẩm thực tuyệt vợi của người dân làng Diệc.

Một mâm cỗ lão truyền thống bao giờ cũng phải có cỗ mặn và cỗ nước. Cỗ mặn phải có đầy đủ 4 bát, 8 đĩa bao gồm: bát chân giò ninh, hai bát mọc nạc và một bát mọc gà; 8 đĩa thì có 2 đĩa giò lụa, 2 đĩa giò cựu, một đĩa nem, một đĩa thịt gà rút xương, một đĩa mọc hấp và trên cùng một mâm cỗ không thể thiếu một đĩa cá chép rán. Cỗ nước gồm 4 bát chè, một đĩa xôi vò và 5 loại bánh: bánh gai, bánh gấc, bánh rán, bánh su sê và bánh trứng chim. Ngày nay 5 loại bánh này đã bị loại bỏ vì cách thức làm rất cầu kỳ, công phu và mất nhiều thời gian.

Nếu được chứng kiến cách làm cỗ yến lão của làng Diệc thì bạn sẽ không khỏi sửng sốt và khâm phục nghệ thuật ẩm thực của người dân nơi đây. Có thể nói đĩa cá chép rán chính là phần hồn của mâm lễ mặn, mà rất cầu kỳ và khó làm nhất trong toàn mâm cỗ. Đặc biệt nghệ thuật rán cá chép nếu không phải trai làng Diệc thì đố ai ở nơi khác làm được. Cá chép rán xong, thân cá phải cong như mái đình (hoặc cong như nửa vầng trăng) - vàng óng như màu vàng của màu lúa đang chín; vẩy cá đều tăm tắp không cong vênh, mắt cá nguyên hình như đang đùa dỡn, bơi lội trong sông nước. Chỉ riêng việc chọn cá cũng rất công phu, cầu kỳ, thường là sau tết Nguyên Đán gia đình nào có người chuẩn bị lên lão vào năm tới thì phải đi khắp nơi chọn cá chép sống, khỏe mạnh mua đem về ao nhà nuôi để năm sau làm cỗ. Xưa kia người ta phải nuôi cá từ 2 - 3 năm để cá to và phải nặng ít nhất từ 2,5 kg trở lên. Dân làng Diệc  quan niệm rằng cá càng to thì càng thể hiện được vị thế và sự thành tâm của gia đình có người lên lão.

Trước đây người ta dùng mỡ lợn để rán cá, còn ngày nay muốn rán được con cá cho chín, thơm, vàng ươm người ta phải dùng 4 - 5 lít dầu ăn. Kỹ thuật rán cá chép ở làng Diệc đã đạt tới trình độ nghệ thuật ẩm thực cao. Sau khi làm sạch cá cho vào giá đỡ, người ta bắc chảo lên bếp, cho mỡ vào và treo giá cá lên trên mặt chảo khoảng cách từ 5 - 10cm. Khi đợi dầu, hoặc mỡ sôi kỹ người ta không thả cá vào mà dùng muôi múc mỡ sôi rưới đều từ cổ cá đến gần sát đuôi cá, đầu cá và đuôi cá dưới sau để đảm bảo cá chín mà mắt cá vẫn mở, đuôi cá vẫn cong. Thực tế đây là nghệ thuật dội, rưới, mỡ trên thân cá chứ không hẳn là rán cá. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây thì số thời gian rán cá cho đến khi cá chín toàn thân được ước lượng theo trọng lượng của cá. Tức là cứ 1kg/1 tiếng đồng hồ; nếu cá nặng 3-4kg thì phải mất từ 3 - 4 tiếng cá mới chín. Nhưng trên thực tế để cá chín cả vào bên trong thân cá thì cũng phải mất từ 8 - 10 tiếng.

Món thứ hai được xếp sau món cá chép về độ quan trọng, lẫn sự cầu kỳ là món thịt gà rút xương. Ngoài ra còn có món mọc gà, món mọc nạc vê tròn được nấu với măng, mộc nhĩ… đó là phần cỗ mặn.

Cỗ nước trước đây làm rất phức tạp, ngày nay chỉ làm 4 bát chè nước và đĩa xôi rời. Bên cạnh cỗ lão, gia chủ phải còn thêm dăm ba mâm để mời họ hàng nội ngoại, hàng xóm đến dự cỗ chia vui. Cỗ này đơn giản hơn và được gọi với cái tên là cỗ bàn than.

Khoảng 4 giờ 30 phút đến 5 giờ sáng  ngày 3 tết, gia đình nào cũng chọn những trai, gái thanh lịch, sạch sẽ để đội lễ ra miếu trước khi các cụ và hội tư văn của làng đến ăn tuần, dự lễ ra lão. Vị trí đặt lễ ở miếu cũng theo quy định: vị trí trung tâm trong ban thờ thánh ở miếu sẽ dành cho cỗ của vị trưởng tràng, hai bên sẽ là hai mâm cỗ của những người có bố cao tuổi thứ hai, thứ ba, trong số những người làm lễ lên lão năm đó… và cứ thế bày cho đến hết tất cả các ban ở miếu, chùa và đình. Tiếp đó thì vị trưởng tràng hoặc một lão –(người trong hội tư văn)- đọc văn khấn.

Ngày dâng cỗ yến lão cũng là ngày hội của cả làng Diệc; từ sáng sớm già trẻ trai gái trong làng nô nức rủ nhau ra miếu để cùng các cụ cao tuổi trong làng bình luận trong mâm cỗ sau 2 tuần nhang; ai cũng muốn xem mâm cỗ của lão nào năm nay làm to nhất, đẹp nhất và trầm trồ thán phục chỉ cho nhau xem cá chép của mâm cỗ nào rán đẹp nhất, khéo nhất, to nhất và hình dáng uốn lượn đẹp mắt nhất; thật là hiếm khi có thể bắt gặp được cảnh nhộn nhịp tưng bừng dự cỗ yến lão như thế này ở các địa phương khác trong tỉnh Thái Bình.

Theo các cụ già thì trước đây có tục thi cỗ;  làng chọn ra 4 cụ cao tuổi nhất đi tất cả các mâm cỗ chọn chấm điểm, chọn ra mâm cỗ của lão nào đẹp nhất, trình bày sáng sủa bắt mắt nhất để chọn ra mâm cỗ nhất (mâm cỗ này sẽ được dành cho 4 cụ cao tuổi nhất làng được thưởng thức)… Cứ như vậy tuần tự chấm điểm cho đến hết cỗ của các lão mới lên lão. Việc chấm cỗ cũng ít nhiều ảnh hưởng tới danh dự của người lên lão và còn động chạm tới danh dự dòng họ của những lão không được giải. Vì thế để tránh mâu thuẫn không đáng có nên ngày nay tuy vẫn bình luận vào bắt cỗ nhưng không chấm cỗ nào nhất nhì, ba, bét nữa và cứ thấy các cụ cao tuổi nhất "bắt" cỗ nhà nào thì thầm hiểu rằng đó là cỗ nhất và cũng như vậy cho đến hết cỗ. Việc làm này giữ được hòa khí làng trên xóm dưới, tránh được nhiều chuyện không vui như  những năm trước đây đã xảy ra.  Trước đây ăn cỗ lão ở đình nhưng ngày nay đã chuyển về tổ chức sinh hoạt tại gia đình của người làm lão năm đó. Nhưng dù ăn ở đình hay tại nhà thì vẫn phải tuân theo nguyên tắc trọng sỉ đó là ngoài việc cỗ ngon nhất dành cho các cụ cao tuổi nhất, thì vị trí ngồi cũng phải xếp theo tuổi tác.Thường là ngồi dự cỗ lão thì ngồi thuận theo kim đồng hồ; Cụ cao tuổi nhất sẽ ngồi bên phải góc trong cùng, ngồi đối diện với cụ cao tuổi thứ hai. Cạnh cụ cao tuổi thứ hai là cụ thứ ba và cụ này đối diện với cụ cao tuổi thứ 4. Để ngồi đúng vị trí của mình người ta dựa vào cụ nào có bố cao tuổi nhất trong mâm thì được ngồi ở vị trí của lão cao tuổi nhất. Còn nếu bố của các lão đều bằng tuổi nhau thì xem xét đến việc ai là người đi ăn tuần sớm nhất, nếu lão nào đi ăn tuần sớm nhất thì sẽ được ngồi ở vị trí lão có tuổi cao nhất trong mâm.

Việc ăn cỗ lão cũng không đơn giản, trước khi ăn phải bỏ lại một bát, một đĩa thức ăn trong mâm để giành cho gia chủ. Ngoài ra phải nhường cụ cao tuổi nhất trong mâm gắp trước. Cụ ăn món nào thì mọi người cũng phải ăn theo món đó và lần lượt hết một vòng thì sau đó mới được ăn thỏa mái, tự do.

Cuối cùng là quy định thời gian ngồi ăn, mặc dù không ấn định rõ ràng  thường thì phải 1 tiếng - 2 tiếng, nhưng vẫn phải phụ thuộc vào nguyên tắc "dưới trông lên, trên trông xuống"… nghĩa là: Khi các cụ ở mâm trên cùng và mâm dưới cùng mà ăn xong thì mới được dọn cỗ (kể cả khi các mâm ở dưới chưa xong).

Mặc dù phong tục lễ hội lên lão ở làng Diệc không có văn bản nào ghi lại; nhưng nó đã tồn tại liên tục trên dưới 2 thế kỷ; tự bản thân nó đã khẳng định được giá trị văn hóa nhân văn sâu sắc, trong đó giá trị cốt lõi nhất của tục lên lão là thể hiện thấm đậm tình người, tình làng xóm, gắn kết cộng đồng cư dân và lòng kính trọng đối với những người có tuổi tác cao trong làng; thể hiện đạo lý ”uống nước nhớ nguồn”  của dân tộc ta.Tục lệ này còn mang bóng dáng phảng phất của một loại hình hội làng; vì thời gian lên lão được quy định chỉ trong một ngày mồng 3 tết hàng năm (trước kia là ngày mồng 6) - chứ không phải tổ chức lúc nào cũng được và lễ tục này thu hút sự tham gia của toàn thể người dân, các dòng họ, các gia đình có nguồn gốc ở làng Diệc; tất cả mọi tầng lớp, mọi giới chứ không chỉ riêng những người tham gia làm lão trong năm đó và cả những người hiện đang ở xa xứ nếu không về được cũng gửi tiền về nhờ bà con họ hàng làm lễ lên lão giúp mình./.


Tác giả: Đặng Hùng
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.552
Hôm qua : 20.781
Tháng 09 : 371.451
Năm 2024 : 3.868.709