A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từ Kẻ Bo, Bố Hải đến thành phố Thái Bình

Khi nhắc đến lịch sử truyền thống của vùng đất được đặt làm tỉnh lỵ tỉnh Thái Bình, nhiều người thường tâm niệm Bố Hải (Bố Hải khẩu) là địa danh khởi nguồn truyền thống của đất này. Lần đầu tiên Bố Hải khẩu xuất hiện với sự kiện sứ quân Trần Lãm chọn nơi đây xây thành đắp lũy, lập đại bản doanh để cát cứ và trở thành sứ quân mạnh nhất trong thời loạn 12 sứ quân ở thế kỷ X. Nhưng nếu ngược dòng trở về cội nguồn, từ địa danh Bo trong quá trình diễn tiến đến Bố Hải - Bồ Xuyên - Kỳ Bá mới thấy rõ hơn bề dày lịch sử của vùng đất được chọn đặt làm tỉnh lỵ Thái Bình.

Tác phầm: Cầu Bo Thái Bình - minhthanh05041991@yahoo.com. Ảnh đẹp du lịch Thái Bình.

Trước hết, về địa danh Bo - Kẻ Bo, các nhà nghiên cứu địa danh học đã khẳng định, vào buổi đầu dựng nước, những lớp cư dân Việt cổ đã sinh sống trong những điểm cư trú mang tính chất như làng xã sau này. Điểm cư trú đó được gọi là kẻ. Kẻ là đơn vị hành chính cơ sở thời Hùng Vương, là làng Việt cổ đi liền với tên mang âm Việt cổ như Kẻ Sật, Kẻ Me, Kẻ Gòi, Kẻ Gũ... Kẻ Bo là một địa danh vốn hoàn toàn mang âm Việt cổ, ra đời từ buổi đầu dựng nước. Trong quá trình Hán hóa, tên gọi này được ghi chép thành Bố - Bố Hải - Kỳ Bố - Kỳ Bá song hành với Bồ - Bồ Xuyên.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, địa danh Bo được nhắc đến với tư cách là một phủ lỵ: Phủ Bo. Đó là phủ lỵ của phủ Kiến Xương được dựng đặt từ đầu thời Trần (thế kỷ XIII). Thời thuộc Pháp, tỉnh Thái Bình được thành lập có người vẫn quen gọi tỉnh Bo. Cho đến nay, địa danh Bo còn được dùng trong tên gọi làng Bo, đình Bo, sông Bo, cầu Bo, chợ Bo, ổi Bo...

Như vậy, thành phố Thái Bình ngày nay vốn được đặt lên một không gian xã hội, không gian lịch sử của vùng đất đã trải mấy ngàn năm gắn với những địa danh của buổi đầu dựng nước cùng sự biến đổi địa danh trong tiến trình lịch sử.

Một trong những tư liệu thành văn hy hữu hiện còn tại trung tâm thành phố Thái Bình đã gợi mở về hướng tìm hiểu lịch sử của các địa danh Bo - Bồ - Bố. Tại chùa Ngàn (tên chữ là Viên Quang tự) của làng Lạc Đạo xưa, nay thuộc địa phận thành phố hiện còn lưu được một câu đối cổ:

Lạc Đạo kiến già lam, sắc tướng lưu truyền Viên Quang tự.
Bồ Tân duyên Bố Hải, từ phàm kinh độ Ấn Hồ tăng.

Nghĩa là:
Dựng chốn tổ ở Lạc Đạo, sắc tướng lưu truyền ở chùa Viên Quang.
Bến Bồ bên cửa Bố Hải, thuyền các nhà sư Ấn Hồ đã qua đây.

Tìm hiểu về lịch sử Phật giáo Việt Nam và một số sách của Trung Quốc viết về Giao Châu thời thuộc Lương, thuộc Đường (từ thế kỷ VI đến thế kỷ IX) cho thấy vào thời Bắc thuộc có ba đoàn thiền tăng truyền đạo ở Giao Châu theo đường thủy sang Tây Trúc về Ấn Độ rồi lại vào Giao Châu truyền đạo. Nhiều giả định cho rằng, các thiền tăng Ấn Độ theo đường biển vào cửa Bố Hải để ngược dòng Bạch Lãng (sông Trà Lý) qua cửa Tuần Vường ngược dòng sông Hồng vào các vùng miền thuộc châu thổ Bắc Bộ để truyền đạo. Đôi câu đối nêu trên góp phần cho giả định này có sức thuyết phục và cũng là minh chứng khẳng định cửa Bố, bến Bồ từ trước thế kỷ IX đã là một trung tâm giao lưu với cảnh trên bến dưới thuyền, đồng thời đó cũng là cơ sở để lý giải về nguyên nhân tướng quân Trần Lãm đã chọn nơi này để cát cứ. Vùng đất Bố Hải khẩu và tướng quân Trần Lãm (thế kỷ X) có vị trí đặc biệt quan trọng với sứ mệnh thống nhất giang sơn, lập nghiệp đế vương của Đinh Bộ Lĩnh.

Các bộ sử lớn của Việt Nam đều cho biết, vào thời Ngô, sứ quân Trần Lãm có thế lực mạnh chiếm giữ vùng Bố Hải khẩu, nổi tiếng đức độ, không có con nối dõi. Khi nhà Ngô mất, đất nước loạn lạc, Đinh Bộ Lĩnh nổi dậy ở Hoa Lư bèn cùng con là Liễn tìm đến nương tựa. Minh Công (Trần Lãm) thấy Bộ Lĩnh dáng mạo khôi ngôi lạ thường, lại có khí lượng, bèn nhận làm con nuôi, ưu đãi ngày càng hậu, sau giao cả binh quyền. Trên cơ sở đó, Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp yên các sứ quân, thống nhất sơn hà. Trần Lãm mất vào năm 968, đúng vào năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lập ra nước Đại Cồ Việt, khẳng định một quốc gia có chủ quyền độc lập.

Về sự liên kết giữa Đinh Bộ Lĩnh với sứ quân Trần Lãm, xưa và nay các sử gia trong và ngoài nước đã luận bình khá nhiều. Cái tầm lớn lao của bậc đế vương ở con người Đinh Bộ Lĩnh là biết chọn Trần Lãm, chọn vùng Bố Hải khẩu làm nơi nương tựa để lập nghiệp. Tầm lớn lao hơn của Trần Lãm là biết Bộ Lĩnh có khí lượng đế vương nên đã nhận làm con nuôi, trao cả binh quyền, tạo thế lực cho việc dẹp loạn thống nhất giang sơn. Hồng phúc của dân tộc ta là ở chỗ cả Đinh Bộ Lĩnh và Trần Lãm đều có “con mắt xanh” đã nhận ra người hiền tài để liên kết mưu nghiệp lớn.

Về sự giao thoa chính trị - kinh tế - quân sự giữa hai vùng đất thiêng Bố Hải khẩu - Hoa Lư (Ninh Bình) đã được Giáo sư sử học người Mỹ là Taylor nhận định trong cuốn Sự ra đời của nước Việt Nam: “Bố Hải khẩu lúc bấy giờ là trung tâm buôn bán chính với bên ngoài, sự liên kết giữa trung tâm Hoa Lư và Bố Hải khẩu, một về chính trị, một về thương mại đó là một bước tiến tự nhiên đến việc thống nhất nước Việt Nam”. Có nhà sử học Việt Nam đã cho rằng, Thái Bình đã bỏ lỡ cơ hội đô thị hóa, phát triển thương mại từ thế kỷ X, khi Bố Hải khẩu là trung tâm liên kết chính với Hoa Lư về chính trị - kinh tế - quân sự.

Hiện chưa đủ cứ liệu để khẳng định một cách chắc chắn là vào thời Đinh (thế kỷ X), Bố Hải khẩu là trung tâm thương mại buôn bán chính với bên ngoài nhưng chắc chắn là kinh tế - xã hội, đặc biệt về nông nghiệp ở vùng này đã phát triển, dân cư đã đông đúc, làng mạc đã trù phú. Bằng chứng là khi nhà Lý mở mang chính sách khuyến nông, năm Mậu Dần (1038) vua Lý Thái Tông đã về Bố Hải khẩu cày ruộng tịch điền. Năm 1065, vua Lý Thánh Tông lại về cày ruộng tịch điền ở đó. Sự kiện các vị vua anh minh đầu triều Lý về Bố Hải khẩu cày ruộng tịch điền, khuyến khích nông tang làm ta liên tưởng đến Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã 5 lần về Thái Bình động viên, cổ vũ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội; trong đó 2 lần Người dừng chân tại vùng đất trung tâm Bố Hải khẩu nói chuyện với cán bộ, nhân dân thị xã Thái Bình, nhấn mạnh việc phát triển nông tang.

Trải qua các triều đại phong kiến từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, vùng đất thuộc thành phố Thái Bình hiện tại mà trung tâm là kẻ Bo - Bố Hải khẩu xưa, về tên gọi, địa dư, duyên cách có nhiều thay đổi qua các thời kỳ, thời điểm. Từ thời Lý - Trần, khi huyện Vũ Tiên được thành lập, huyện lỵ đặt tại hương Kỳ Bố (Bá) nên huyện này còn được gọi là huyện Bố.

Ngày 21/3/1890, tỉnh Thái Bình được thành lập. 5 năm sau đó, vào ngày 4/2/1895, Kinh lược sứ Bắc Kỳ đã ký Quyết định số 9 thành lập thị trấn, sau đổi thành thị xã Thái Bình bao gồm hai làng Bồ Xuyên và Kỳ Bố của tổng Lạc Đạo và các khu phố xung quanh thành của phủ Kiến Xương. Vùng đất này không chỉ là một vùng trọng yếu về địa kinh tế, địa quân sự, địa chính trị mà còn là vùng địa văn hóa nổi tiếng từng đã in đậm những tên đất, tên người trên các trang sử của dân tộc, anh hùng hào kiệt đời nào cũng có. Về một phương diện nào đó có thể thấy là người Pháp đã tinh tường khi chọn Phủ Bo làm tỉnh lỵ sau khi thành lập tỉnh Thái Bình.

Từ khi thực dân Pháp đặt Phủ Bo làm tỉnh lỵ thì phong trào đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân Pháp ở vùng đất này lại quật cường hơn. Những sự kiện vừa đấu tranh vũ trang vừa đấu tranh chính trị diễn ra liên tục đã tập dượt cho các tầng lớp nhân dân và tạo những tiền đề thuận lợi để những thanh niên, trí thức Thái Bình tiếp nhận những luồng tư tưởng mới. Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm đến chủ nghĩa Mác - Lênin và truyền bá về Việt Nam thì thị xã Thái Bình là một trong những địa chỉ đỏ để Tỉnh hội Thanh niên Cách mạng đồng chí hội sớm ra đời tại trường tư thục Minh Thành vào năm 1928 và chi bộ đảng cộng sản thị xã ra đời vào tháng 6/1929. Đó là những mốc son đánh dấu bước ngoặt để các tầng lớp nhân dân thị xã Thái Bình quật khởi đấu tranh dưới ngọn cờ của Đảng và sớm giành chính quyền vào những ngày mùa thu Tháng Tám năm 1945.

Trải 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, có biết bao tên đất, tên người của thị xã Thái Bình đã được ghi trên những trang sử hào hùng của dân tộc. Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng, Nhà nước ta phong tặng cán bộ và nhân dân thị xã Thái Bình mãi mãi là niềm tự hào, là điểm tựa vững vàng để thành phố Thái Bình vươn tới những tầm cao.

Trên các chặng đường lịch sử gần một thế kỷ qua, có biết bao những sự kiện, những dấu son đáng nhớ, đáng tự hào về những cống hiến, hy sinh của nhân dân thành phố Thái Bình với cách mạng Việt Nam đã được lưu danh. Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, thành phố Thái Bình đã và đang đi tiên phong, làm đầu tàu để từng bước xây dựng tỉnh Thái Bình từ một tỉnh nông nghiệp thành một tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp hiện đại./.


Tác giả: Nguyễn Thanh
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 752
Hôm qua : 3.595
Tháng 10 : 49.681
Năm 2024 : 4.056.467