A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xa ngàn không nhạt biển

Theo một số học giả nghiên cứu, trong các nghề truyền thống ở Thái Bình, có thể “nghề biển” chỉ được coi là một kế mưu sinh của người dân vùng biển và “nghề biển” hầu như chỉ được nhắc tới trong các lễ hội cầu may bởi các cụ sợ “phạm thượng thiên” với lý do trong tâm thức người miền biển “mẹ là giống tiên ở trên ngàn, cha là giống rồng dưới bể (biển) sâu”, cá tôm là “công quả” của thủy cung “vạn bất đắc dĩ” mới “đụng” vào.

Tác phẩm: Về bến (tác giả: tranhunggtnd@gmail.com) - Ảnh đẹp du lịch Thái Bình.

Người miền biển có hai cách ứng xử với biển là quai đê lấn biển tạo ra những cánh đồng lúa phì nhiêu và đánh bắt hải sản nuôi sống con người nhưng vẫn hướng về nông nghiệp cấy lúa...

Chuẩn bị “sang” tháng bảy âm lịch mùa lễ vu lan, báo hiếu cũng là mùa lễ hội “reo ống” của ngư dân làng chài Quang Lang, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy. Nhóm nghiên cứu văn hóa dân gian chúng tôi trở về vùng quê ven biển Thái Thụy để tìm hiểu “nghề biển” và các nghi lễ cầu may của ngư dân lấy biển làm “sinh kế”. Chuyến đi gợi cho tôi nhớ lại ngày cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cùng đoàn nghiên cứu văn hóa của trung ương về Thái Bình giúp tỉnh ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội thời điểm năm 1998. Trong ngày dự lễ hội “reo ống” ở làng Quang Lang, cố Giáo sư ngâm nga đọc câu thơ “tự trào” đại ý: “Mẹ là tiên ở trên rừng, Cha là rồng ở dưới biển. Thế mà rồi ta “xa rừng nhạt biển”.

Để lý giải câu hỏi tại sao “nghề biển” chỉ được coi là “sinh kế” của người dân ven biển, chúng tôi quyết định “ghé thăm” làng Quang Lang, xã Thụy Hải nơi thờ vua tiền Lý (Lý Bí), bà chúa Muối và các danh thần, nhân thần có công lao giúp người dân ven biển chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Làng Quang Lang, xã Thụy Hải thời nhà Lê thuộc huyện Thụy Anh, phủ Thái Bình, trấn Sơn Nam. Thời Nguyễn thuộc tổng Hổ Đội và có 4 thôn Đông, Đoài, Tam Đồng và Tân Sơn. Năm 1969, thôn Tân Sơn được cắt về thị trấn Diêm Điền. Một năm Quang Lang có 4 kỳ lễ hội liên quan đến “nghề biển”, kỳ thứ nhất vào tháng Giêng, đó là lễ hội “rước nước cầu vạng” (rước nước cầu trời yên biển lặng 25 tháng Giêng); kỳ thứ hai là hội vật trâu ba đình vào ngày 12 tháng 2 với tục mổ trâu tế Thành hoàng làng; kỳ thứ ba là lễ hội “Ông Đùng, bà Đà” vào ngày 12 đến ngày 14 tháng 4 gắn với tục thờ bà chúa Muối, tên thật là Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh và kỳ thứ tư là lễ hội “rước nước reo ống” vào ngày 12 tháng 7 âm lịch để tưởng nhớ Thành hoàng làng. Các bậc cao niên kể, ngày xưa lễ hội “rước nước cầu vạng” được tổ chức ở đền Các Lái thờ ba vị thần hoàng mà người dân quen gọi là ba vị Đức vua hay Đức ông là: Đông Hải Đại vương, Tây Hải Đại vương và Nam Hải Đại vương. Hiện nay, lễ hội này được tổ chức tại miếu Ba thôn do đền Các Lái đã bị đổ nát. Cầu may trong lễ “rước nước cầu vạng” được các bậc cao niên kể lại “ngày xửa, ngày xưa” các chủ thuyền đem lưới đánh cá ra bờ biển, trải lưới thành đống rồi đem lá dứa (loại dứa dại, hai mép lá có gai sắc nhọn có ý nghĩa trừ tà ma) rắc xung quanh đám lưới đó, sau đó dùng dầu hỏa tẩm vào giẻ rách đốt lên, đi xung quanh đám lưới, huơ lửa và miệng đọc những câu thần chú để xua đuổi tà ma.

Khi được hỏi về “tổ nghề cá”, các bậc cao niên làng Quang Lang kể: Truyền ngôn, năm Kỷ Sửu (929) có một người tên Nguyễn Hữu Thắng vốn là “con độc” trong gia đình nho giáo trấn Sơn Tây, chẳng may bố mẹ mất sớm, một hôm ông Thắng ngồi trên thuyền rồi thả trôi theo dòng nước, lênh đênh trên sông mấy ngày bỗng một hôm thuyền dạt vào vùng đất bên bờ biển, bến đỗ ấy chính là làng Quang Lang ngày nay. Chuyện kể, đêm ấy trên thuyền, ông nằm mộng chiêm bao, thấy thần linh hiện lên mách bảo dựng nghiệp đất này sẽ “đa đề phúc lộc”. Sáng dậy, ngắm vùng đất bồi phù sa màu mỡ, ông bèn theo lời chỉ dạy của thần linh dựng lều mưu sinh. Vài ngày sau, dân chài ở khắp nơi nườm nượp kéo đến quần tụ cùng ông dựng xóm vạn chài. Vốn có chút kinh nghiệm đánh bắt cá thuở còn nhỏ ở nhà theo cha, ông truyền dạy cho mọi người. Làng chài được “trời” ưu đãi cho nhiều cá tôm nhưng khổ nỗi mọi người không thể ăn cá thay cơm, trẻ con đói lả vì không có cơm ăn. Thương người dân đói khổ, ông Thắng liền chặt thân cây Báng (tên chữ là Quang Lang) đập dập, lấy bột trong thân cây làm bánh ăn thay cơm gạo. Mọi người học theo ông không bị đói nữa và dân làng lấy tên Quang Lang đặt cho tên làng chài.

Kỹ nghệ “sinh tồn” của ngư dân làng biển Quang Lang nói riêng và làng biển Thái Thụy nói chung thuở xưa rất đơn giản; theo truyền ngôn, lúc đầu họ dùng hai tay mò cua, bắt ngao gần bờ sau đó họ biết chế ra các công cụ bắt cá, tôm rồi chế ra chiếc cào để cào don, cào ngao... và khi biết “đón con nước” thủy triều lên xuống, người dân đã biết làm chiếc “kheo” và “đi kheo” đã trở thành môn nghệ thuật của sinh kế nghề biển. Ngoài ra, để chống đuối nước, người dân còn biết dùng những ống tre luồng làm ngư cụ đánh bắt cá, tôm. Lễ hội “reo ống” bắt nguồn từ đó. Kết quả điền dã và các tài liệu khảo cứu cho thấy từ “reo” trong nghi lễ cầu may của ngư dân Quang Lang có nghĩa là “đội nhóm” những người tham gia đánh bắt cá, tôm, người có tiềm lực kinh tế bỏ tiền mua sắm thuyền, lưới, dụng cụ bắt cá, tôm... rồi thuê người đánh bắt cá, tôm cho mình, người đó được gọi là “chủ reo”, còn những người được thuê được gọi là “reo”. Ống luồng được mua từ rừng đại ngàn mang về, thân cây to, đường kính khoảng 12cm có khả năng nổi trên mặt nước. Ống luồng được chọn dài khoảng dưới 10m là “đẹp” nhất, trường hợp cá biệt có thể dài hơn. Nghệ thuật “reo ống” được mô tả như sau: Ống luồng được chọn bào nhẵn đốt, ngư dân sẽ ngồi lên 1/3 ống luồng đó, hai tay cầm cây sào bằng tre dài khoảng 10m, tay phải úp, tay trái ngửa, cây sào như mái chèo và cũng là cán mõ khi đập vào ống phát ra tiếng kêu. Khi “reo” thả lưới bắt cá, các ống được thả xuống biển, người ngồi trên ống sẽ chèo đi theo hướng đã vạch sẵn, vừa chèo ống vừa reo hò, đập mõ tạo âm thanh nổi trên mặt nước, cá, tôm sẽ chạy vào lưới. Một số học giả nghiên cứu về nghệ thuật “reo ống” của ngư dân Quang Lang đã liên tưởng đến chiếc thuyền “độc mộc” của người Việt - Mường cổ xưa, tuy chưa có bằng chứng xác thực nào chứng minh hai công cụ này là một và nếu chứng minh được thì nhận định “xa rừng, nhạt biển” là không còn đúng nữa và dù có nhận định nào khác nhưng “reo ống” đích thực là nghệ thuật đánh bắt hải sản vô cùng độc đáo của người dân làng Quang Lang, xã Thụy Hải./.


Tác giả: Quang Viện (Báo Thái Bình)
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.552
Hôm qua : 20.781
Tháng 09 : 371.451
Năm 2024 : 3.868.709