A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo tàng tỉnh Thái Bình: Góp sức xây dựng xã hội học tập suốt đời

Với hàng ngàn tài liệu, hiện vật quý được trưng bày đã nêu bật các chặng đường lịch sử, các mốc son quan trọng tiêu biểu trong chiến đấu và sản xuất của quân dân Thái Bình, Bảo tàng tỉnh đã và đang trở thành địa điểm học tập, tham quan lý tưởng, là thiết chế văn hóa hữu ích phục vụ cộng đồng. Qua đó, góp sức xây dựng xã hội học tập suốt đời, đồng thời góp phần đắc lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của quê hương Thái Bình trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Học sinh tìm hiểu lịch sử qua các buổi ngoại khóa tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Phạm Thuyên (ảnh chụp năm 2019)

Trong không gian và diện tích của tòa nhà 3 tầng, Bảo tàng Thái Bình trưng bày giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển lịch sử đất và người Thái Bình; những thành tựu nổi bật trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước cùng những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của Thái Bình. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang quản lý và phát huy tác dụng hơn 30.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh; gồm phần trưng bày trong nhà, ngoài trời và hiện lưu giữ tại kho bảo quản. Phần trưng bày trong nhà bảo tàng gồm các chủ đề: Lịch sử tự nhiên - sự hình thành đất đai cư dân; đời sống văn hóa của con người Thái Bình; những mốc son tiêu biểu trong lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ quê hương của con người Thái Bình; phần trưng bày ngoài trời, gồm các loại hiện vật gắn với những sự kiện và nhân vật lịch sử tiêu biểu của tỉnh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Để góp phần đưa Bảo tàng trở thành một địa chỉ để giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương, trở thành một mô hình “xã hội học tập”; những năm qua, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Trong đó, hoạt động hướng dẫn tham quan luôn có vai trò đặc biệt quan trọng. Khi đến tham quan Bảo tàng, người xem được trực tiếp quan sát hiện vật, nghe cán bộ thuyết minh kể những câu chuyện lịch sử gắn liền với hiện vật gốc, với những nhân vật lịch sử  đã để lại những ấn tượng sâu sắc. Đây chính là cầu nối giữa bảo tàng với du khách, qua đó khuyến khích mọi người chia sẻ những hiểu biết cũng như những suy nghĩ của bản thân về các vấn đề mình quan tâm. Những hình ảnh, hiện vật trong nội dung trưng bày giúp mọi người ghi nhớ lâu hơn những ấn tượng của cuộc tham quan.

Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nghiên cứu, giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa cho thế hệ trẻ và thu hút du khách đến tham quan, Bảo tàng tỉnh tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, bổ sung hiện vật, chỉnh lý phòng trưng bày ngày càng phong phú, hấp dẫn, huy động các tổ chức cá nhân hiến tặng hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa. Trong năm 2019, Bảo tàng tỉnh đã triển khai sưu tầm, tiếp nhận 332 tài liệu, hình ảnh, hiện vật trong đó gồm: 80 hiện vật của các hội viên Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh hiến tặng; 252 tài liệu hiện vật bao gồm các loại đồ đồng thuộc văn hóa Đông Sơn, đồ đá, đồ gốm, đất nung thuộc nhiều niên đại của các nhà sưu tầm cố vật người Thái Bình đang sống và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên hiến tặng; tổ chức tiếp nhận trên 20 kg tiền đồng cổ tại xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư; nghiên cứu, tiếp nhận nhiều tài liệu hiện vật, hình ảnh xây dựng nội dung trưng bày chuyên đề nhân kỷ niệm 130 năm Ngày thành lập tỉnh (21/3/1890 – 21/3/2020); tổ chức và phối hợp tổ chức trưng bày chuyên đề, lưu động tại cơ sở nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.

Cùng với việc đổi mới các hoạt động của bảo tàng, trong những năm tiếp theo Bảo tàng tỉnh sẽ liên kết hoạt động để tổ chức trưng bày giới thiệu các di sản văn hóa truyền thống của tỉnh trong khuôn viên bảo tàng, như: biểu diễn loại hình nghệ thuật truyền thống hát chèo, rối nước; trưng bày và giới thiệu các di sản văn hóa về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Thái Bình (chợ quê, dụng cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, tín ngưỡng tôn giáo, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống,...); phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức cho học sinh trên địa bàn tỉnh Thái Bình xây dựng chương trình học Lịch sử  địa phương mang tính chất giáo dục “học mà chơi, chơi mà học” ngay tại khu trưng bày bảo tàng nhằm tạo sân chơi trí tuệ nhằm giúp các em có thể tiếp thu kiến thức lịch sử một cách dễ dàng, bổ ích và lý thú.

Chương trình "học mà chơi, chơi mà học" trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh luôn thu hút thế hệ trẻ tham gia. Ảnh: Thu Hà (ảnh chụp ngày 14/1/2020)

Ông Đỗ Quốc Tuấn – Giám đốc Bảo tàng tỉnh chia sẻ: "Để hoạt động giáo dục phát huy tối đa hiệu quả, trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh tiếp tục tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình tại Bảo tàng; nghiên cứu, bổ sung có chọn lọc các hoạt động giáo dục hấp dẫn phù hợp với các đối tượng khách tham quan; tổ chức sắp xếp, bố trí bộ phận hướng dẫn, thuyết minh chuyên nghiệp hơn, đáp ứng yêu cầu tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục”.

Với những điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, hệ thống trưng bày có nhiều đổi mới, đội ngũ cán bộ được đào tạo chính quy, năng động, sáng tạo, nội dung trưng bày phong phú, hấp dẫn, hoạt động giáo dục sẽ là một điểm sáng trong tổ chức và hoạt động của Bảo tàng tỉnh, góp phần đáp ứng tốt nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ của công chúng và là điểm đến hấp dẫn của du khách khi về Thái Bình./.


Tác giả: BBT
Nguồn:sovhttdl.thaibinh.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 443
Hôm qua : 3.719
Tháng 10 : 56.755
Năm 2024 : 4.063.541