A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo tồn nghệ thuật hát Ca trù ở Thái Bình

Cùng với hát chèo thì hát Ca trù cũng được coi là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, vừa độc đáo lại vừa có sức hút riêng trên mảnh đất Thái Bình. Theo thời gian, loại hình nghệ thuật này dần bị mai một. Trong giai đoạn hiện nay, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang đặt ra nhiều biện pháp thiết thực trong việc khôi phục, bảo tồn, gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Biểu diễn Ca trù tại lễ hội đền Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương. Ảnh tư liệu.

Trải qua quá trình phát triển và được thịnh hành tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX - Ca trù đã trở thành một môn nghệ thuật độc đáo, một loại hình âm nhạc vừa mang tính dân gian, vừa mang hơi hướng của nghệ thuật cung đình, nghệ thuật trang nhã, lịch lãm, thanh cao, mang tính hàn lâm và tính bác học. Với sự hòa quyện của nhịp trống, tiếng đàn đáy trầm đục, nhịp phách cùng lời hát và phức điệu trau chuốt đến mức tinh tế, Ca trù đã trở thành nơi ký thác tâm hồn của nhiều người, là nơi chứa đựng những tình cảm thiết tha và sâu lắng đến tột cùng của trái tim người nghe và người nghệ sỹ. Có nhiều tên gọi về Ca trù như  hát ả đào, hát cửa đình, hát cô đầu, hát nhà trò… Bởi đây là một loại hình nghệ thuật có từ lâu đời, độc đáo đầy ý nghĩa gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, âm nhạc, tư tưởng cũng như triết lý sống của người Việt.

Từng là một trong những cái nôi nghệ thuật hát Ca trù.

Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa, Thái Bình được nhận định là một trong những cái nôi về nghệ thuật hát Ca trù. Tương truyền hoàng hậu Trình Thị, người làng Ðồng Xâm, vợ vua Triệu Ðà là tổ nghề ca công. Ðền Ðồng Xâm đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, tại đền Ðồng Xâm còn lưu giữ được một cuốn sách cổ viết bằng chữ Hán Nôm, có niên đại thời Nguyễn, dày 140 trang, khổ 28 x15 cm. Ngoài việc chép lại thần tích, các bài văn tế, văn khấn của đền sách còn chép bài ca trù Tam nguyên Yên Ðổ khóc Dương Khuê và 8 bài ca trù tế Thánh và một bài ca trù tế tổ nghề ca công; 08 bài ca trù tế Thánh có lời hát khác nhau nhưng cùng chung một khuôn mẫu, một quy cách. Mỗi bài 16 câu trong đó có nội dung Chúc hỗ, cầu chúc xóm làng yên ấm, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu... Riêng bài tế tổ nghề Ca công có 20 câu, được viết theo thể Chúc hỗ (đây là một bài ca trù có niên đại cổ với những điển cố có xuất xứ từ Trung Hoa cổ đại). Bài Tế tổ nghề ca công cùng với 08 bài ca trù tế Thánh chép trong cuốn sách ở Ðồng Xâm đã được đưa vào Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh Ca trù là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ðây là một trong những tư liệu thành văn, cực kỳ quý hiếm khẳng định hội đền Ðồng Xâm vốn xưa có tục tế tổ nghề ca công bằng Ca trù.

Đầu thế kỷ XIX, khi Nguyễn Công Trứ về khai hoang bãi biển Tiền Châu, Doanh điền sứ do rất say mê nghệ thuật hát Ca trù nên đã cho thành lập các Câu lạc bộ Ca trù; đây là bước đột phá để hát Ca trù từ các lễ hội, đình đám bước ra trở thành thú vui chơi, giải trí là một sản phẩm tinh thần trong đời sống sinh hoạt văn nghệ dân gian của cộng đồng, tồn tại song hành với các làn điệu hát Chèo. (Bên cạnh hát Ca trù và nghệ thuật Chèo tỉnh Thái Bình còn có nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian tiêu biểu như: Múa Bát Dật, múa Rối nước, múa Giáo cờ, Giáo quạt, múa Kéo chữ, múa Ông Đùng bà Đà, hát Văn ...).

Biểu diễn Ca trù tại Liên hoan văn nghệ, Thể thao các xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Bình lần thứ II. Ảnh tư liệu

Nỗ lực đưa Ca trù đến gần hơn với công chúng

Lịch sử để lại cho Thái Bình những tinh hoa di sản văn hóa độc đáo và hấp dẫn, trong đó có loại hình nghệ thuật hát Ca trù. Vượt qua thời gian, nghệ thuật hát Ca trù tồn tại đến nay rất cần được tiếp tục bảo tồn và phát huy. Từ khi Hát Ca trù được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại năm 2009, trong thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình đã thực hiện nhiều biện pháp trong việc khôi phục, bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo này. Trong giai đoạn từ năm 2007 – 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động nhằm phục hồi, bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát Ca trù trên địa bàn toàn tỉnh, tiêu biểu như: Sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu quảng bá nét đẹp văn hóa của loại hình nghệ thuật hát Ca trù; phổ biến các ấn phẩm về Ca trù; phối hợp với các địa phương chú trọng đào tạo, truyền dạy hát Ca trù; tổ chức liên hoan văn nghệ quần chúng, trong đó chú trọng loại hình nghệ thuật ca trù... Trước nguy cơ bị thất truyền, năm 2007, thực hiện dự án Chương trình mục tiêu quốc gia của Viện Văn hoá dân gian Việt Nam, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã tổ chức lớp học đàn và hát Ca trù trong thời gian 2 tháng cho 50 diễn viên, nhạc công không chuyên ở các huyện, thành phố qua sự truyền dạy của các nghệ nhân: Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Phú Đẹ, đào nương Phạm Thị Huệ - Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Thăng Long - Giảng viên Nhạc viện Hà Nội. Trên cơ sở đó, đã thành lập 04 câu lạc bộ hát Ca trù: Câu lạc bộ hát Ca trù của Trung tâm văn hóa tỉnh gồm 10 ca nương, 01 kép đàn và 01 trống chầu thường xuyên biểu diễn, luyện tập; Câu lạc bộ hát Ca trù xã Hồng Thái và câu lạc bộ xã Bình Định, huyện Kiến Xương, gồm 15 ca nương và kép đàn; câu lạc bộ hát Ca trù huyện Tiền Hải với mục đích nhằm khôi phục, gìn giữ và phát huy những giá trị đích thực của nghệ thuật hát Ca trù, khơi dậy niềm đam mê Ca trù trong đời sống của nhân dân.

Bên cạnh việc tổ chức các lớp học, lớp tập huấn nhằm phổ biến kiến thức và truyền dạy, nâng cao trình độ cho các thành viên của các câu lạc bộ và hạt nhân văn nghệ của một số địa phương trong tỉnh, từ năm 2017 – 2020, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng thực hiện công tác quản lý kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có kiểm kê đối với di sản nghệ thuật hát Ca trù trên địa bàn các huyện, thành phố. Đồng thời, tổ chức diễn xướng một số loại hình văn hóa dân gian trong đó các nghệ thuật hát Ca trù chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 hàng năm nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản của tỉnh.

Nguy cơ thất truyền nghệ thuật hát Ca trù

Xã hội phát triển, nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của nhân dân được nâng lên, trong đó có sự xuất hiện của nhiều loại hình nghệ thuật mới khiến giới trẻ chạy theo trào lưu, đây chính là lúc nghệ thuật hát ca trù khó tránh khỏi ảnh hưởng. Bên cạnh đó, lớp nghệ nhân có nghề, hầu hết đã qua đời đem theo ngón nghề của mình chưa kịp truyền cho lớp trẻ; mặt khác, giới trẻ lại thờ ơ với nghệ thuật hát Ca trù; tài liệu sơ sài, cơ sở vật chất và các nhạc cụ phục vụ cho các diễn viên biểu diễn nghệ thuật hát Ca trù không có, nên việc khôi phục và bảo tồn loại hình nghệ thuật này là rất khó khăn. Ngoài ra, so với các loại hình nghệ thuật diễn xướng truyền thống khác thì ca trù vẫn còn nhiều thiệt thòi, đơn cử như các nghệ nhân Ca trù chưa được quan tâm về vật chất, tinh thần, họ chưa được trân trọng đúng mức so với tài năng của mình. Hơn nữa, Ca trù chưa có những hội thảo lớn, chuyên sâu, cũng như không có địa điểm riêng biệt để phát huy nghề nghiệp như các loại hình nghệ thuật chèo, múa rối nước... Đó cũng là những yếu tố không thuận lợi cho sự phục hồi và phát triển của nghệ thuật Ca trù.

Bảo tồn và gìn giữ nghệ thuật hát Ca trù

Nghệ thuật Ca trù được biểu diễn tại nhiều sự kiện văn hóa của địa phương. Ảnh tư liệu

Ca trù là một trong những loại hình nghệ thuật của Việt Nam được UNESCO ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Chính vì vậy, trong thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tăng cường phối hợp cùng với các địa phương trong tỉnh duy trì, nâng cao chất lượng các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản của dân tộc. Đặc biệt, ngành sẽ chú trọng phát hiện, truyền dạy, bồi dưỡng cho các ca nương, kép đàn trẻ tuổi tại địa phương một cách bài bản; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật hát Ca trù trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, cuộc thi, liên hoan, hội diễn, hoạt động trong tỉnh, trong nư­ớc. Qua đó khơi niềm tự hào dân tộc, nâng cao ý thức tự tôn, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể trong cộng đồng về bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghệ thuật hát Ca trù. Đồng thời, tiếp tục khảo sát, kiểm kê, nghiên cứu để đánh giá khách quan về thực trạng loại hình nghệ thuật hát Ca trù, từ đó sẽ đề xuất và có chính sách cụ thể, trong đó đặc biệt là coi trọng vai trò truyền dạy và chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân đang nắm giữ loại hình nghệ thuật độc đáo này./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.561
Hôm qua : 20.781
Tháng 09 : 371.460
Năm 2024 : 3.868.718