A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tự hào truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình

Thái Bình là vùng đất “địa linh, nhân kiệt” gắn liền với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt nam. Nhân dân Thái Bình tự hào đã xây đắp, hun đúc nên truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng của quê hương, nơi sinh ra, nuôi dưỡng và chở che bao danh nhân, tuấn kiệt đã góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.

Ngỡ ngàng nối biển. Ảnh: Đức Viên

Tỉnh Thái Bình được thành lập ngày 21 tháng 3 năm 1890, là vùng đất bốn bề sông biển, được bồi tụ bởi sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc, sông Hoá; có bờ biển trải dài hơn 54 km, diện tích tự nhiên 1.545,93 km2, dân số gần 1,8 triệu người; gồm 07 huyện và 01 thành phố. 

Từ buổi đầu dựng nước, năm 40 đầu công nguyên, vùng đất Thái Bình là nơi nữ tướng Vũ Thị Thục dấy binh khởi nghĩa dưới cờ Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Đông Hán, được Hai Bà Trưng phong tước hàm "Đông Nhung Đại tướng quân". Thế kỷ thứ VI, Lý Bí (còn gọi là Lý Bôn) đã lập căn cứ đánh đuổi giặc Lương, lập nên nước Vạn Xuân - nhà nước độc lập đầu tiên ở Việt Nam, tự xưng Hoàng đế - vua Lý Nam Đế. Thế kỷ thứ X, vùng đất Bố Hải Khẩu (nay thuộc tỉnh Thái Bình) đã được tướng quân Trần Lãm chọn làm nơi nương tựa cho Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, dựng nghiệp đế vương. Trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, hậu Lê..., vùng đất Thái Bình gắn liền với tên tuổi nhiều danh nhân, danh tướng góp phần làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Đặc biệt, Thái Bình là nơi phát tích, dựng nghiệp của nhà Trần, một vương triều cường thịnh, võ công oanh liệt vào bậc nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam, gắn với tên tuổi của những vị vua anh minh, tài đức: vua Trần Thái Tông, vua Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông và những danh nhân sáng nghiệp nhà Trần như: Thống quốc Thái Sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn…  

Thái Bình là vùng đất văn hiến, hiếu học, khoa bảng nổi trội, thời nào cũng có nhân tài, người đỗ đại khoa. Trải gần 1.000 năm Nho học, cả nước có gần 3.000 trí thức đại khoa, trong đó Thái Bình có hơn 120 người, tiêu biểu là Tam nguyên, Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ; Tam nguyên, Bảng nhãn Lê Quý Đôn; Tiến sĩ Đặng Nghiễm; Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm; Nhà văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Tông Quai; Tiến sĩ Lê Trọng Thứ; Tiến sĩ, Thám hoa Quách Đình Bảo; Tiến sĩ Quách Hữu Nghiêm; Tiến sĩ Nguyễn Bảo...

Với nguồn gốc dân cư từ nhiều vùng miền của đất nước, Thái Bình là nơi hội tụ và lan toả các sắc thái văn hóa, văn minh của vùng châu thổ Bắc Bộ. Trên địa bàn tỉnh còn đang lưu giữ kho tàng di sản văn hóa đồ sộ cả vật thể và phi vật thể với gần 3.000 công trình kiến trúc cổ, hàng trăm hội làng, trò chơi dân gian, diễn xướng dân gian mang đậm sắc thái văn hóa cổ truyền của người Việt, tiêu biểu là nghệ thuật chèo và múa rối nước; nhiều di sản Hán Nôm đồ sộ, đa dạng gồm: hương ước, quy ước, tục lệ, thần tích, thần phả, sắc phong, kho tàng ca dao, tục ngữ phong phú; những thuần phong, mỹ tục của các thôn làng; truyền thống nền nếp, gia phong của các gia đình, dòng họ; những tính cách nổi trội… phản ánh những nét riêng của vùng đất, con người Thái Bình.

Nhân dân Thái Bình đời nối đời, cần cù, thông minh, sáng tạo, đoàn kết, đùm bọc yêu thương nhau, khắc phục khó khăn bền bỉ, san ghềnh, lấp trũng, đào sông, đắp đê, trị thủy, thau chua rửa mặn, mở đất, lập làng. Dưới bàn tay, khối óc của bao thế hệ nhân dân, Thái Bình đã trở thành tỉnh đồng bằng duyên hải đất đai phì nhiêu, màu mỡ; hệ thống thủy lợi, giao thông thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Trải ngàn đời, từ buổi đầu mở đất đến hiện tại, Thái Bình luôn là một điển hình về thâm canh lúa nước. Từ giữa thiên niên kỷ thứ nhất, nhiều vùng đất nay thuộc tỉnh Thái Bình đã có đông cư dân sinh sống bằng gieo cấy lúa nước và đánh bắt thủy, hải sản. Đến thế kỷ thứ IX, vùng đất Bố Hải Khẩu đã là nơi ruộng tốt, người đông. Vào những năm 1038 - 1065, vua Lý Thái Tông và vua Lý Thánh Tông đã về Bố Hải Khẩu cày ruộng tịch điền để khơi nguồn cho chính sách khuyến nông của đất nước. Kho tàng kinh nghiệm thâm canh lúa nước ngày càng được bồi đắp thêm ở thời kỳ hiện đại. Hơn bảy thập kỷ qua, Thái Bình luôn giữ đỉnh cao về năng suất lúa. Năm 1966, trong hoàn cảnh đạn bom khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Thái Bình đã đạt năng suất lúa 5 tấn/ha bình quân trong toàn tỉnh, trở thành quê hương 5 tấn đầu tiên trong cả nước.

Cùng với truyền thống thâm canh lúa nước, Thái Bình có lịch sử phát triển nghề và làng nghề từ rất sớm; được những người tài năng, đức độ truyền nghề và dưới bàn tay tài hoa, điêu luyện, đức tính chăm chỉ, cần cù, thông minh, sáng tạo của người dân, nhiều sản phẩm làng nghề của tỉnh từ xa xưa đã nổi tiếng ở trong và ngoài nước như: dệt lụa Bộ La; dệt vải làng Mẹo; chạm bạc Đồng Xâm; dệt chiếu làng Hới; nghề mộc làng Vế, làng Diệc; thêu Minh Lãng; nghề rèn Thụy Dân, nghề đan mây, tre, đan cói,... Nghề và làng nghề phát triển nên Thái Bình có nhiều vị tổ nghề được nhân dân tôn vinh, thờ phụng.

Truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước nồng nàn đã thực sự là động lực tinh thần to lớn để nhân dân Thái Bình sớm giác ngộ cách mạng, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ năm 1926 Thái Bình đã có 2 tổ chức Việt Nam cách mạng Thanh niên; năm 1929, có 6 chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, các tổ chức đảng ở Thái Bình đã lãnh đạo cuộc biểu tình của nông dân Tiên - Duyên - Hưng, ngày mùng 1 tháng 5 năm 1930, là một trong hai cuộc biểu tình lớn nhất và sớm nhất của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và cùng với cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải ngày 14 tháng 10 năm 1930, mở đầu cho cao trào cách mạng giai đoạn 1930-1931. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Thái Bình đã kiên cường, bất khuất trong đấu tranh, giành nhiều thắng lợi trong các cao trào cách mạng (1930 - 1931, 1936 - 1939, 1939 - 1945). Khi thời cơ cách mạng chín muồi, ngày 18-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Thái Bình đã nổi dậy khởi nghĩa, chỉ trong một tuần lễ, khắp các phủ, huyện và thị xã đã giành chính quyền về tay nhân dân.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tỉnh Thái Bình luôn thực hiện “thóc thừa cân, quân vượt mức”, chi viện cao nhất sức người, sức của cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Ảnh tư liệu

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã có đóng góp to lớn về sức người, sức của. Hơn 50 vạn người con quê hương Thái Bình đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường, trong đó, trên 51 nghìn người đã anh dũng hy sinh, gần 33 nghìn thương binh, bệnh binh, gần 34 nghìn người tham gia hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, gần 6 nghìn người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày. Thi đua với tiền tuyến, ở hậu phương, nhân dân Thái Bình đã đóng góp trên 100 triệu ngày công và trên 1,5 triệu tấn lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến. Nhiều người con ưu tú của quê hương đã lưu danh vào các mốc son lịch sử của Đảng, của dân tộc như: lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, Đại tướng Hoàng Văn Thái; các Anh hùng Lực lượng vũ trang: Nguyễn Thị Chiên, Tạ Quốc Luật, Bùi Quang Thận, Phạm Tuân...

Với những thành tựu to lớn, những đóng góp và chiến công hiển hách, Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang Thái Bình và 8/8 huyện, thành phố, hàng trăm xã, phường đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất; 06 Huân chương Quân công; trên 5.500 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; hàng trăm tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động; hơn 23 vạn người được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến; hàng trăm tập thể và cá nhân được tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã vinh dự 5 lần được đón Bác Hồ về thăm. Những lời dạy, lời thăm hỏi, động viên của Bác không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt lời căn dặn của NgườiBác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt mà còn là những di sản vô cùng quý giá với Đảng bộ và nhân dân Thái Bình trong nhiều năm qua.

Thái Bình đổi mới và phát triển - Ảnh đẹp du lịch Thái Bình

Hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh dạo của Đảng, kế thừa và phát huy truyền thống của quê hương, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; không ngừng đổi mới, nâng cao bản lĩnh chính trị, nâng tầm trí tuệ, vững vàng trước mọi thử thách; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; khai thác tiềm năng, lợi thế, giành được những thắng lợi to lớn trên các lĩnh vực, đưa Thái Bình ngày càng phát triển toàn diện. Những năm gần đây, kinh tế của tỉnh có bước tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tích cực. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ; xây dựng đời sống văn hóa được quan tâm; sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển, chất lượng giáo dục ở các cấp học có nhiều chuyển biến, trình độ dân trí được nâng lên; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện tốt; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được coi trọng. Chính sách đối với người có công, chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Các hoạt động khoa học công nghệ, thông tin, truyền thông, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các phong trào thi đua được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Tình hình chính trị ổn định, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp ủy, chính quyền. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố; quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy.

Những thành tựu quan trọng và toàn diện đạt được về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân của tỉnh trong những năm qua đã và đang thắp sáng thêm truyền thống của quê hương, là niềm tự hào sâu sắc, là nguồn sức mạnh vật chất, tinh thần to lớn của đảng bộ và nhân dân Thái Bình trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế*./.

* Nghị quyết 04/2019/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình


Tác giả: BBT
Nguồn:sovhttdl.thaibinh.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 757
Hôm qua : 3.595
Tháng 10 : 49.686
Năm 2024 : 4.056.472