Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022): Ấm áp nghĩa tình từ những buổi tuyên truyền lưu động
Tháng 7, tháng “Đền ơn đáp nghĩa”, hoạt động tuyên truyền lưu động diễn ra tại 8 huyện, thành phố với đa dạng tiết mục ca múa nhạc, tiểu phẩm sân khấu, câu chuyện thông tin với mong muốn sẻ chia nỗi đau của thân nhân liệt sĩ, tri ân các thương binh, bệnh binh, người và gia đình có công với cách mạng.
Chương trình ca múa nhạc của đội tuyên truyền lưu động huyện Đông Hưng.
Cuộc thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức với sự tham gia của 200 tuyên truyền viên đến từ 8 đội tuyên truyền lưu động các huyện, thành phố đã tạo nên không gian văn hóa giàu cảm xúc, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả trên địa bàn thành phố và các huyện lân cận.
Ông Lê Tiến Lượng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh chia sẻ: Với thời lượng 30 phút, chương trình của mỗi đội tuyên truyền lưu động đều được đầu tư công phu, cho thấy sự nỗ lực, tâm huyết của tác giả, đạo diễn và các tuyên truyền viên. Thành công lớn nhất của cuộc thi là đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm khán giả ở mọi lứa tuổi theo dõi trực tiếp tại Quảng trường 14/10. Có nhiều tiết mục, cảnh diễn xúc động, dù biểu diễn ở sân khấu ngoài trời bị chi phối bởi nhiều yếu tố ngoại cảnh nhưng các tuyên truyền viên bằng sự chân tình, mộc mạc, giàu cảm xúc tri ân đã lấy đi nước mắt của khán giả khi diễn tả sự hy sinh vĩ đại mà thầm lặng của những người mẹ liệt sĩ, những người vợ chờ chồng trong chiến tranh... Mong rằng, chương trình đầy tính nhân văn, ý nghĩa tham dự cuộc thi của các đội tuyên truyền lưu động 8 huyện, thành phố khi về với nhân dân ở cơ sở không chỉ là những hồi ức về chiến tranh mà còn giúp khán giả hiểu sâu sắc hơn và trân trọng gìn giữ giá trị của hòa bình, độc lập.
Đội tuyên truyền lưu động huyện Thái Thụy có đông tuyên truyền viên tham gia cuộc thi nhất với gần 40 tuyên truyền viên, đa số trong đó là hạt nhân văn hóa văn nghệ đến từ các xã, thị trấn trong huyện. Với chủ đề “Thái Thụy anh hùng - Tiếp bước cha anh”, chương trình hát, múa giàu cảm xúc là câu chuyện được kể bằng giai điệu âm nhạc với các khúc “Kể chuyện người cộng sản”, “Tượng đài chiến thắng”, “Dáng đứng Việt Nam”, “Lời ru cỏ non”, “Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ”.
Bà Hồ Thị Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Thái Thụy chia sẻ: Với giải nhất tại cuộc thi tuyên truyền lưu động toàn tỉnh chủ đề “Đền ơn đáp nghĩa”, được sự đồng ý của UBND huyện, Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Chương trình ngoài màn thể hiện “Thái Thụy anh hùng - Tiếp bước cha anh” còn thu hút sự tham gia của các đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ 5 cụm trong huyện với hàng trăm cổ động viên là hoạt động góp phần phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của các cấp, các ngành và nhân dân đối với thế hệ cha anh đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc của người dân Thái Thụy.
Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Quỳnh Phụ đã xây dựng vở chèo ngắn “Ân nghĩa vẹn tròn” được viết bởi các tác giả Hoàng Hợp và Lâm Huệ Vỹ. Đây cũng là tác phẩm đã đạt giải nhất tại cuộc thi tuyên truyền lưu động toàn tỉnh.
Ông Lâm Huệ Vỹ, với vai trò vừa là tác giả vừa là diễn viên của vở chèo xúc động chia sẻ: Vở chèo này tôi lấy cảm hứng từ chính cuộc sống thực tế đang diễn ra tại quê hương tôi. Các gia đình chính sách nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, động viên kịp thời của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, bà con lối xóm và cũng chính các gia đình chính sách luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động xây dựng nông thôn mới như hiến đất làm đường, đóng góp ngày công. Vì vậy, tôi đặt tên vở chèo là “Ân nghĩa vẹn tròn”. Sau cả tháng trời tập luyện, chúng tôi đi biểu diễn lưu động tại các xã, thị trấn trong huyện, nhân dân tới xem rất đông.
Với sự tham gia của hàng trăm hạt nhân văn nghệ tại cơ sở, hoạt động tuyên truyền lưu động đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân; đồng thời, thiết thực tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ; tri ân công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người và gia đình có công với cách mạng đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.