Nhạc sĩ quê lúa lan tỏa niềm tin chiến thắng Covid-19
Tuy mới là hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội nhưng nhạc sĩ quê Thái Bình - Bùi Hoàng Uyên Minh đã khẳng định được chỗ đứng với những ca khúc về tình yêu quê hương, đất nước. Gần đây, ca khúc “Tự hào hai tiếng Việt Nam” của anh được giới thiệu trong chương trình “Tác phẩm mới” của Đài Truyền hình Việt Nam đã tạo được hiệu ứng lan tỏa về niềm tin chiến thắng đại dịch Covid-19.
Nhạc sĩ Bùi Hoàng Uyên Minh.
Nhạc sĩ Bùi Hoàng Uyên Minh sinh năm 1984 (hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội) sinh ra bên dòng sông Trà Lý của mảnh đất Tiền Hải. Dù chỉ được học qua về các nốt nhạc ở Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình và đến với sáng tác khá muộn nhưng cho đến nay anh đã có 15 ca khúc được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Nhân dân, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình... Là một người viết nhạc còn khá mới mẻ nhưng anh đã thử sức ở nhiều thể loại âm nhạc, từ bản tình ca như “Hà Nội - Sài Gòn và em”, những bài bolero như “Hoài niệm”, “Dấu yêu xin hãy tìm nhau” đến những giai điệu mềm mại như “Em vẫn đợi anh” hay những bài hát mang tính cổ động hào hùng như “Lên đường”...
Thời gian vừa qua, nhạc sĩ Bùi Hoàng Uyên Minh có 3 sáng tác về quê hương Thái Bình được công chúng đón nhận, đó là “Thái Bình quê hương tôi”, “Về miền quê lúa”, “Về quê em nghe anh”. Với 3 sáng tác này, anh đã “vẽ” lên bức tranh quê hương “Chị Hai năm tấn” với những cảnh đẹp nên thơ, trữ tình, với truyền thống anh hùng cách mạng cũng như nghĩa tình sâu nặng của những người con quê lúa mà bất cứ ai từng tiếp xúc sẽ còn ấn tượng mãi. Đặc biệt, ở bài hát “Về quê em nghe anh”, anh đã khắc họa rõ nét mảnh đất Tiền Hải anh hùng có tiếng trống hòa chung với phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh những năm 1930 - 1931.
Ca khúc “Tự hào hai tiếng Việt Nam” được anh sáng tác để hưởng ứng cuộc vận động sáng tác “Hát lên Việt Nam” do Đài Tiếng nói Việt Nam phát động chào mừng thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của nhạc sĩ quê lúa. Tác phẩm đã phản ánh được sự phát triển của đất nước từ thời Văn Lang, Âu Lạc cho đến thời đại Hồ Chí Minh, nhất là thời kỳ hiện nay đất nước đang bước sang một trang mới, với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín trên trường quốc tế. Bên cạnh những thuận lợi, anh cũng khắc họa về một đất nước anh dũng trong các cuộc kháng chiến cứu nước, kiên cường trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 hôm nay nhưng người dân luôn có tinh thần, ý chí quật cường, hiên ngang tiến về phía trước: “Người Việt Nam tôi bao đời vẫn thế/Bốn nghìn năm với những bể dâu/Bốn nghìn năm với những khổ đau/Vẫn hiên ngang vượt trùng dương ra biển lớn”. Là người thể hiện ca khúc này, ca sĩ Xuân Hảo cho biết: Đây là ca khúc giàu tính nghệ thuật về cả tính chất âm nhạc và ca từ. Các đoạn, các khúc trong bài đều được nhạc sĩ chia rất rõ ràng, chi tiết. Các phần phát triển trong bài hát cũng tốt. Câu từ giàu tính nhân văn và rất rộng lớn. Có thể nói nó mang trong mình đầy đủ các yếu tố của một ca khúc lớn.
Là người trẻ mới đến với sáng tác âm nhạc nên Bùi Hoàng Uyên Minh rất khiêm tốn, chịu khó lắng nghe góp ý của các nhạc sĩ trong Hội Âm nhạc Hà Nội, trong đó có những nhạc sĩ quê lúa thành danh trên đất Thủ đô. Nhạc sĩ Vũ Thiết nhận xét: Bùi Hoàng Uyên Minh rất đam mê nghệ thuật, chịu khó tìm tòi, học hỏi. Đó là điều rất đáng quý của một nhạc sĩ trẻ. Những tác phẩm của anh ấy nặng về chất trữ tình, dịu dàng, tha thiết. Còn nhạc sĩ Bá Môn, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội thì có những đánh giá hết sức thẳng thắn: Các sáng tác của Bùi Hoàng Uyên Minh dù rất đa dạng về chủ đề nhưng mới chỉ dừng ở phong cách dân gian, còn tính chất đương đại thì hầu như chưa có. Muốn trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp, anh ấy còn nhiều việc phải làm, nhất là việc tiếp cận với âm nhạc thế giới, với nhạc nhẹ để các sáng tác mang đậm hơi thở của thời đại. Tuy nhiên, với sự nhập cuộc đầy tự tin này, tôi tin lớp nhạc sĩ trẻ của Hội Âm nhạc Hà Nội, trong đó Bùi Hoàng Uyên Minh sẽ sớm khẳng định được mình, dần kế cận thế hệ chúng tôi./.