Nhận thức đúng trong việc xây dựng phần mộ
“Vấn tổ tầm tông” là một nhu cầu tâm linh truyền đời của người Việt, nhu cầu này hiện nay còn gắn với nhiều hoạt động như biên dịch, chắp nối gia phả, xây dựng từ đường, phần mộ. Các hoạt động này đã giúp bảo lưu được nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp. Tuy nhiên, do tác động của cơ chế thị trường với tâm lý “phú quý sinh lễ nghĩa” thì các hoạt động đó cũng kéo theo những mặt trái, nhất là ở trong việc xây dựng phần mộ ở một số địa phương.
Xây dựng phần mộ theo đúng Quy định thực hiện nếp sống văn hóa không chỉ bảo đảm đúng quy hoạch trong quản lý và tiết kiệm đất đai mà còn giúp người dân thuận tiện trong việc thăm viếng phần mộ người thân.
Việc xây dựng phần mộ hiện nay ở một số nơi vấn còn nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế. Có nhiều phần mộ gia đình, dòng họ chi phí xây dựng lên đến cả trăm triệu đồng, có kiến trúc khang trang, bề thế. Đối với những gia đình, dòng họ có kinh tế khá lại có nhiều nguồn ủng hộ thì việc xây dựng tốn kém chưa là gì. Song, với những gia đình, dòng họ kinh tế còn nghèo nhưng vẫn muốn bằng anh, bằng em thì việc xây dựng tốn kém là một gánh nặng với các thành viên trong họ. Chưa kể đến quá trình xây dựng nảy sinh nhiều mâu thuẫn nên có những gia đình, dòng họ tuy phần mộ rất nguy nga lộng lẫy nhưng vẫn trong cảnh “khói lạnh hương tàn”…
Những hạn chế, bất cập về xây dựng phần mộ ở một số địa phương cho thấy một điều là, dưới tác động của kinh tế thị trường thì vai trò cá nhân của những gia đình hạt nhân đã và đang ngày một được đề cao, được tôn trọng song, khi quá thoả mãn, tự phụ với bản thân và khả năng của mình thì những cá nhân ấy dễ đối lập với các quan hệ gia đình, cộng đồng truyền thống chỉ vì những quyền lợi vật chất hoặc sống theo lối sống phô trương khoe mẽ, xa xỉ. Việc xây dựng phô trương tốn kém không có quy hoạch gây lãng phí tiền của, lãng phí đất đai xây dựng, gây tình trạng thiếu đất dự trữ cho sau này.
Ngày 6/12/2019, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 20/QĐ-UBND thay thế Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND ngày 20/11/2012 ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn hoá trên địa bàn tỉnh, trong đó có quy định diện tích đất và kích thước cho một phần mộ: “Đối với mộ hung táng và chôn cất một lần: Diện tích đất sử dụng tối đa 5m2; kích thước mộ tối đa (dài x rộng x cao): 2,4m x 1,4m x 0,8m. Đối với mộ cát táng và mộ chôn cất lọ tro cốt sau hỏa táng: Diện tích đất sử dụng tối đa 3m2; kích thước mộ tối đa (dài x rộng x cao): 1,5m x 1m x 0,8m”.
Quyết định 20/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành Quy định việc thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh giúp chính quyền địa phương có cơ sở pháp lý trong việc chấn chỉnh, thiết lập trật tự trong việc xây dựng phần mộ. Ngoài việc quy hoạch xây dựng phần mộ, bảo đảm mỹ quan, bảo đảm đúng quy hoạch trong quản lý và tiết kiệm đất đai, các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong việc thay đổi nhận thức của người dân về sự cần thiết trong việc chôn cất người chết đúng quy định, vận động người dân thực hiện an táng văn minh. Chỉ có quyết tâm vào cuộc của các cấp chính quyền, sự đồng lòng của người dân, từng bước thay đổi nhận thức, tập quán trong việc chôn cất người quá cố; xây dựng, hoàn thiện quy chế quản lý nghĩa trang và thực hiện xã hội hóa; bố trí kinh phí hợp lý đầu tư cho cơ sở hạ tầng, quỹ đất, khuyến khích áp dụng hình thức an táng văn minh… chắc chắn sẽ đem lại những kết quả tích cực trong tương lai./.