A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa gắn với bảo vệ môi trường

Tác phẩm: Bức tranh nông thôn mới - phanthikhanh85@gmail. Ảnh đẹp du lịch Thái Bình.

Trong những năm qua, việc xây dựng nền văn hóa mới, con người mới luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chú trọng. Đặc biệt Nghị quyết Trung ương V (Khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và  Nghị Quyết 04/2019/NQ-TU của Ban Chấp hành Tỉnh ủy Thái Bình về “Tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân” là những chủ trương phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hoá trong tình hình mới, được toàn Đảng, toàn dân đồng tình hưởng ứng. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản triển khai về xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư. Từ đó, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp được lưu giữ; việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được phát huy, góp phần ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; hình thành nếp sống mới, thói quen tốt đẹp, giữ gìn, bồi đắp và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Xác định công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ có ý nghĩa vô cùng quan trọng hình thành môi trường sống, xanh, sạch, đẹp góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy vai trò hạt nhân, nòng cốt trong huy động sức mạnh của toàn dân chung tay bảo vệ môi trường trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, xây dựng đô thị văn minh, đưa các chủ trương, chính sách về công tác bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống. Ngoài việc thực hiện tốt tiêu chí “cứng” về môi trường và an toàn thực phẩm trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới; thì việc thực hiện hai tiêu chí về lĩnh vực văn hóa gắn với tiêu chí bảo vệ cảnh quan môi trường đã được nhiều địa phương quan tâm, chủ động triển khai với nhiều cách thức tổ chức thực hiện sáng tạo như: Chỉ đạo xây dựng mô hình tự quản về vệ sinh môi trường ở thôn; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội; đường ngõ đẹp, vệ sinh ngăn nắp…, đã đạt được một số kết quả nhất định. Cảnh quan môi trường, bộ mặt đô thị và nông thôn được chỉnh trang, các trục đường chính, đường liên thôn, điểm di tích, nhà văn hóa, khuôn viên gia đình, nơi công cộng được vệ sinh sạch sẽ, nhiều cây xanh, cây hoa được trồng mới từng bước tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp; các điểm nóng về rác thải tại một số địa phương cơ bản được cải thiện và giải quyết; nhận thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường có nhiều chuyển biến tích cực. Việc xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới đã tạo dựng môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; đồng thời, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của miền quê lúa Thái Bình.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác xây dựng đời sống văn hóa; chưa sâu sát trong việc lãnh đạo, chỉ đạo dẫn đến việc triển khai, thực hiện còn mang tính hình thức, chạy theo thành tích, nặng về số lượng, nhẹ về chất lượng. Công tác phối hợp của các cấp, các ngành, cộng đồng và toàn dân trong triển khai, thực hiện còn thiếu chặt chẽ, chưa rõ nhiệm vụ được phân công nên chất lượng hoạt động ở một số nơi chưa cao. Chất lượng các danh hiệu văn hóa chưa đồng đều; việc xây dựng các danh hiệu văn hóa gắn với tiêu chí giữ gìn vệ sinh môi trường chung của cộng đồng cư dân, tình trạng vứt rác bừa bãi cùng với việc phân loại rác hàng ngày và xử lý đúng nơi quy định vẫn chưa được chú trọng, quan tâm ở một số địa phương; vấn đề đạo đức, lối sống, nếp sống có những biểu hiện xuống cấp, ảnh hưởng đến những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc...

Những tuyến đường hoa rực rỡ màu sắc đang nhiều lên mỗi ngày trên địa bàn tỉnh.

Năm 2019, trên tinh thần Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ Quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, ngày 6 tháng 12 năm 2019, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 20/2019/QĐ-UBND kèm theo Quy định về thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh. Quy định thực hiện nếp sống văn hóa gồm 3 chương và 22 điều, bao gồm nhiều vấn đề của đời sống xã hội trong đó quy định rõ nếp sống văn hóa cá nhân, gia đình và xã hội, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tiêu chuẩn danh hiệu gia đình, thôn, tổ dân phố, khu phố văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; thẩm quyền, thời hạn công nhận, đăng ký, bình xét; chế độ khen thưởng; đồng thời giao trách nhiệm tổ chức triển khai, thực hiện cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong các chỉ tiêu, tiêu chí thực hiện việc bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa đều được gắn với việc bảo vệ, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp.

Xây dựng, bảo vệ môi trường, chính là bảo vệ những con người đang sinh sống, gắn bó và làm giàu có thêm đời sống văn hóa, tinh thần; cần được làm từng bước, triển khai từng khía cạnh; từ trong mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Nhiều địa phương đã thành lập các tổ thu gom rác thải tổ chức thu gom rác thải định kỳ để xử lý theo quy định. Việc thành lập các tổ thu gom rác thải đã góp phần giải quyết tình trạng rác thải đổ bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải. Nhiều mô hình bảo vệ môi trường trong khu dân cư được xây dựng, nhân rộng và phát huy. Chương trình trồng cây bóng mát, trồng hoa ven đường, lắp đặt cột đèn chiếu sáng, giữ vệ sinh môi trường được người dân đồng tình hưởng ứng, mang lại hiệu quả rõ nét. Tùy điều kiện thực tế, mỗi địa phương đều có những cách làm linh hoạt, phù hợp mà không làm mất bản sắc riêng của từng vùng quê. Những tuyến đường hoa rực rỡ khoe sắc, những hàng cây xanh thẳng tắp được trồng ở các trục đường chính, nhà văn hóa thôn, xã; đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp. Đó là những hình ảnh đẹp ở mỗi khu dân cư văn hóa.

Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; “Có kế hoạch khắc phục căn bản tình trạng hủy hoại, làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, khu đô thị. Cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của nhân dân”. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người và cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng văn hóa ứng xử của con người với môi trường tự nhiên. Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; trong gia đình và nơi công cộng... Kiên quyết xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện Quy định về thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là xây dựng các danh hiệu văn hóa gắn với công tác bảo vệ môi trường. Lồng ghép nội dung Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” với thực hiện hương ước, quy ước trong giữ gìn vệ sinh môi trường; xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa; đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc cây xanh tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh – sạch – đẹp; phát động các phong trào chỉnh trang đường làng ngõ xóm, khuôn viên gia đình và xây dựng các công trình vệ sinh kiên cố, đạt chuẩn. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường tại các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng, đường phố, tượng đài, công viên... Đây là những không gian văn hóa do con người sáng tạo ra, chứa đựng những giá trị văn hóa của cộng đồng, dân tộc; góp phần tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh./.


Tác giả: Nguyễn Thị Bưởi
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.047
Hôm qua : 20.781
Tháng 09 : 370.946
Năm 2024 : 3.868.204