Xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Thái Bình
Những năm qua, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Thái Bình được triển khai và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, ý thức tự lực tự cường, tinh thần thi đua yêu nước, lao động cần cù sáng tạo, tình nghĩa thủy chung, đạo lý uống nước nhớ nguồn cũng ngày một hòa quyện trong mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương, tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển toàn diện hơn.
Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở giữ vị trí hết sức quan trọng, có tác động trực tiếp tới tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống của người dân và cộng đồng dân cư. Thực tiễn đã chứng minh, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là bước đi đầu tiên trong công cuộc củng cố và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc, nhằm tạo dựng một môi trường văn hóa lành mạnh để thực sự đưa văn hóa trở thành động lực đồng thời là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Xây dựng đời sống văn hóa - Sợi dây gắn kết các phong trào thi đua
Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được bắt đầu từ việc tạo dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp - an toàn cho nhân dân. Song song đó là quá trình hoàn thiện và tổ chức hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao; phát triển phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng; xây dựng nếp sống văn hóa cá nhân, xây dựng gia đình văn hoá, thôn, tổ dân phố văn hóa, xã, phường, thị trấn tiêu biểu. Trong những năm qua, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nói chung và Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” nói riêng trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã từng bước phát triển và trở thành phong trào rộng lớn, có sức lan toả và thu hút toàn xã hội tham gia. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về văn hóa, về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong giai đoạn mới đã có sự chuyển biến tích cực. Vai trò của hệ thống chính trị trong việc xây dựng đời sống văn hóa được phát huy, các mục tiêu, chỉ tiêu văn hoá được đưa vào Nghị quyết của các cấp ủy, kế hoạch thực hiện của chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở. Nhiều cơ chế chính sách phát triển văn hóa của tỉnh được ban hành và thực hiện có hiệu quả. Các ngành đoàn thể trong hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở đều vào cuộc, nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Phong trào xây dựng “Người tốt, việc tốt” và các điển hình tiên tiến được triển khai rộng rãi trên mọi lĩnh vực, gắn với phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành, đoàn thể tạo ra những hạt nhân tích cực, tạo động lực tinh thần trong việc giáo dục về tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh. Phong trào đã góp phần thúc đẩy xây dựng tư tưởng chính trị trong quần chúng nhân dân, tạo dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội, góp phần xây dựng lối sống, nếp sống con người Thái Bình trong thời kỳ mới.Khơi dậy được nhiều giá trị nhân văn trong cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội của tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần (tính đến năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh chỉ còn 2.14 %), tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng theo tiêu chí mới.
Công tác xây dựng các danh hiệu văn hóa được triển khai đồng bộ, thống nhất và hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 571.810/613.423 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 93,2%); 1.649/1.797 thôn, tổ dân phố, khu phố đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa (tỷ lệ 91,8%). Qua việc thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, việc chấp hành pháp luật của nhân dân được nâng lên rõ rệt, tệ nạn xã hội được đẩy lùi, tình làng nghĩa xóm được gắn kết, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường, củng cố.
Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang cơ bản được thực hiện đúng quy định, các nghi lễ đảm bảo trang trọng, giữ gìn và phát huy được những phong tục tập quán tốt đẹp, các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp ngày càng được quan tâm. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội luôn được quan tâm triển khai thường xuyên trong cộng đồng, góp phần tạo nên môi trường xã hội lành mạnh, tạo đà cho sự phát triển về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng ngày càng được hưởng ứng sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Bên cạnh đó, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng ngày càng được hưởng ứng sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần làm phong phú, sinh động thêm đời sống văn hoá tại các địa phương. Trung tâm văn hóa tỉnh và Trung tâm văn hóa, thể thao các huyện, thành phố đã thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức hoạt động văn hóa, văn nghệ cho hạt nhân của các câu lạc bộ, mở các lớp dạy múa dân gian, múa đương đại, dạy hát chèo… tổ chức các hội diễn văn nghệ quần chúng các cấp, qua đó khơi dậy phong trào văn hóa, văn nghệ trong nhân dân, xây dựng đời sống tinh thần vui tươi, lành mạnh. Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 3.000 câu lạc bộ văn hóa, thể thao, trong đó có 243 câu lạc bộ chèo. Thực hiện cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"; tính đến hết năm 2023 số người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên là 36%, số gia đình thể thao là 26%. Tỉnh Thái Bình cũng đã thực hiện xong nhiệm vụ lập hồ sơ ‘Nghệ thuật chèo’ đệ trình UNESCO đề nghị đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hệ thống thiết chế văn hóa thể thao từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp khang trang, cơ bản đủ điều kiện phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của nhân dân. Hết năm 2023, toàn tỉnh có 260/260 xã, phường, thị trấn có Nhà Văn hóa (tỷ lệ 100%), 255/260 xã, phường, thị trấn có Khu thể thao (tỷ lệ 98,4%); 1.797/1.797 (tỷ lệ 100%) thôn, tổ dân phố có nơi sinh hoạt văn hóa, vui chơi, luyện tập thể dục thể thao,trong đó, 1.595 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa độc lập (tỷ lệ 88,8%), 1.524/1.797 thôn, tổ dân phố có Khu thể thao độc lập (tỷ lệ 84,8%). Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, ngày 09/12/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3075/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Hỗ trợ và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình Nhà văn hóa, Khu thể thao thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025. Đây là Đề án có ý nghĩa quan trọng, thiết thực, góp phần thúc đẩy đời sống văn hóa cơ sở. Trong 04 năm (2021 - 2024), Sở VHTTDL đã tham mưu triển khai thực hiện tại 406 thôn, tổ dân phố với số tiền từ ngân sách tỉnh cấp là 33 tỷ đồng, huy động thêm nhiều nguồn xã hội hóa để mua sắm các trang thiết bị văn hóa, thể thao, cấp phát tài liệu, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ Ban chủ nhiệm các NVH, CLB, trang trí trực quan tại NVH.... Việc triển khai thực hiện Đề án đã tạo được sự lan tỏa trong xã hội, huy động được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Thực hiện Đề án của tỉnh, Ủy ban nhân dân Thành phố Thái Bình ban hành Đề án "Xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động nhà văn hóa thôn, tổ, cụm tổ dân phố trên địa bàn thành phố Thái Bình giai đoạn 2022 - 2030", trong đó hỗ trợ mỗi nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố thực hiện Đề án của tỉnh là 30 triệu đồng; Huyện ủy Thái Thụy ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 04/11/2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố kiểu mẫu, trong đó hỗ trợ mỗi nhà văn hóa kiểu mẫu là 15 triệu đồng. Ngoài nguồn kinh phí được Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã chủ động trong việc bố trí kinh phí và tích cực huy động nhân dân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng, mua sắm trang thiết bị, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao với tổng trị giá hàng chục tỷ; tiêu biểu như tại huyện Thái Thụy. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng nguồn lực đầu tư xây dựngcho 150/254 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố kiểu mẫu trên địa bàn huyện Thái Thụy là trên 66 tỷ đồng (trong đó ngân sách xã là trên 20,2 tỷ đồng; ngân sách huyện và tỉnh hơn 4,6 tỷđồng; kinh phí huy động từ các nguồn xã hội hoá là trên 41 tỷ đồng - đạt tỷ lệ trên 62%).
Thông qua các hoạt động sôi nổi, đa dạng, Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đã thật sự đóng vai trò là nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương, là nơi phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nơi tổ chức các cuộc họp của chi bộ, của thôn và các đoàn thể; đồng thời cũng là địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tinh thần, nâng cao thể chất của người dân. Số lượng người dân đến tham gia các hoạt động tại NVH, Khu thể thao ngày càng đông với nhiều hoạt động phong phú, đặc biệt là múa hát chèo, dân vũ, yoga, dưỡng sinh, bóng chuyền hơi, bóng bàn, cầu lông, pickleball, tập thể thao với dụng cụ ngoài trời…
Các di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm bảo tồn và phát huy.
Xây dựng đời sống văn hóa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương.
Hiện toàn tỉnh có 2.969 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt (Chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư và Khu di tích Lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà), 127 di tích quốc gia, 603 di tích cấp tỉnh; 02 bảo vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 585 lễ hội đã được kiểm kê; 14 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích được tiến hành thường xuyên; các di sản tư liệu, di vật, cổ vật, bảo vật được quản lý theo quy định; việc sưu tầm, tiếp nhận, kiểm kê, bảo quản và trưng bày tài liệu, hiện vật, nghiên cứu di sản văn hóa tại Bảo tàng tỉnh đảm bảo tính khoa học, hiệu quả. Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong những năm qua tạo được sự đồng thuận và huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia.
Trong thời gian qua ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ngành, địa phương có liên quan đã tập trung xây dựng các kế hoạch, đề án phát triển nghệ thuật Chèo, mở các lớp truyền dạy nghệ thuật Chèo tại địa bàn các huyện theo Đề án phát triển nghệ thuật Chèo trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022 - 2025. Triển khai thực hiện các kế hoạch hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, như: Múa rối nước xã Nguyên Xá, xã Đông Các, huyện Đông Hưng; múa Bát Dật làng Lộng Khê, xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ; nghệ thuật Chèo làng Khuốc, xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, múa giáo cờ, giáo quạt xã Đông Tân, huyện Đông Hưng…Nhiều di tích tiếp tục được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo gắn với khai thác, phát triển du lịch, đã trở thành những điểm đến hấp dẫn góp phần phát triển kinh tế của địa phương nơi có di sản, đồng thời tạo việc làm cho người lao động. Việc đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích đã góp phần không nhỏ trong việc giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, tinh thần yêu nước của dân tộc, về bản sắc văn hóa dân tộc, về tính cố kết cộng đồng, tự hào về truyền thống của quê hương.
Nhiều địa phương đã thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được xóa bỏ, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc, đề cao chuẩn mực đạo lý, thuần phong mỹ tục, phòng, chống các tệ nạn xã hội. Đặc biệt công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở Thái Bình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phần hội được tổ chức với nhiều hình thức, vui tươi, lành mạnh, các trò chơi dân gian mang đậm sắc thái văn hóa nông nghiệp được tái hiện, phục dựng thu hút đông đảo khách thập phương và mọi tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng, tạo không khí sôi nổi, đoàn kết.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít những khó khăn, hạn chế trong xây dựngvà phát triển đời sống văn hoá cơ sở trên địa bàn tỉnh. Tình hình kinh tế - chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự phân hóa giàu nghèo, những tiêu cực và tệ nạn xã hội phát sinh trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế có những ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm và lối sống của người dân đặc biệt là thanh thiếu niên, tác động xấu đến truyền thống văn hóa dân tộc. Đạo đức, nếp sống của một bộ phận gia đình ít được chú trọng củng cố. Một số địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao có tính chất phong trào, chưa thể hiện vai trò chủ động trong tổ chức hướng dẫn hoạt động văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa trên địa bàn... Nguồn kinh phí bố trí cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa còn hạn chế so với nhu cầu thực tế nên một số địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao chỉ mang tính chất hình thức, không sâu rộng thực chất. Ban chỉ đạo Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở một số nơi chưa được kiện toàn kịp thời, hoạt động thiếu hiệu quả; công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức chưa thực sự phong phú. Cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở còn thiếu hoặc phải kiêm nhiệm nên yếu về nghiệp vụ để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Đổi mới nâng cao chất lượng công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Văn hoá còn là dân tộc còn”. Tổng Bí thư đã giao 06 nhiệm vụ, trong đó có: “Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hoá mới. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ. Nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, miền của đất nước ”.
Bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, thời gian tới, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt các nội dung:
Một là: Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về văn hoá, đặc biệt là xây dựng và phát triển đời sống văn hoá cơ sở: Nghị quyết số 33-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 30/01/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; Quyết định của UBND tỉnh quy định về thực hiện nếp sống văn hoá trên địa bàn tỉnh Thái Bình...
Hai là: Tiếp tục nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là: xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, xã, phường, thị trấn tiêu biểu; tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng con người có tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Phát triển đa dạng các loại hình, câu lạc bộ về văn hóa, thể thao cơ sở. Duy trì, phát triển và đổi mới nội dung các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ, dân ca, dân vũ các dân tộc, phong trào thể dục, thể thao quần chúng, góp phần xây dựng cộng đồng ổn định về chính trị, dân chủ, hòa thuận, nhân ái giàu bản sắc dân tộc, có môi trường xanh, sạch đẹp, an toàn theo các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Hoàn thành tốt mục tiêu Đề án Hỗ trợ và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình Nhà văn hóa, Khu thể thao thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 – 2025; đánh giá, tổng kết và có giải pháp nhân rộng các mô hình trong giai đoạn tiếp theo.
Ba là: Thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư; trong các cơ quan, đơn vị; xây dựng môi trường văn hoá công sở, văn hóa công vụ. Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Nêu cao vai trò gương mẫu, tự giác, tuân thủ pháp luật của cá nhân, kịp thời ngăn chặn các hành vi ảnh hưởng tiêu cực đến xây dựng môi trường văn hóa. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, để gia đình thực sự là nơi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng; giáo dục truyền thống gia đình, nếp sống văn hóa và chuẩn mực ứng xử cho các công dân. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau.
Bốn là: Gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước cách mạng của quê hương; khai thác, phát huy tối đa, hiệu quả các thiết chế công trình văn hóa hiện có; thực hiện việc nâng cấp, xây mới các công trình phù hợp với khả năng, điều kiện phát triển kinh tế -xã hội và nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật ở các địa phương.
Năm là: Tăng cường công tác quản lý nhà nước; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hoá cơ sở. Tiếp tục tham mưu khen thưởng, động viên kịp thời đối với các tấm gương “Người tốt, việc tốt”, các tập thể, cá nhân, địa phương có mô hình hay, cách làm mới, các điển hình tiên tiến trong công tác xây dựng và phát triển đời sống văn hoá cơ sở. Tích cực phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí tăng nguồn lực ngân sách Nhà nước và xã hội hóa cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch nói chung và xây dựng, phát triển đời sống văn hoá cơ sở nói riêng trên địa bàn tỉnh./.